Thông tin từ Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với Kịch bản phát triển thông thường quốc gia, tương đương 83,9 triệu tấn CO2tđ (những khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn khí cacbonic có thể được chuyển đổi thành lượng CO2 tương đương).
Đáng chú ý, mức đóng góp 9% này có thể sẽ được tăng lên thành 27% so với Kịch bản phát triển thông thường quốc gia (tương đương 250,8 triệu tấn CO2tđ) khi nhận được hỗ trợ quốc tế và các cơ chế trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Ngày 24.7.2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam. Việc hoàn thành cập nhật NDC đã góp phần nâng mức đóng góp của Việt Nam cho ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. NDC của Việt Nam xác định các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021 - 2030 và các nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu, các giải pháp thích ứng nhằm giảm thiểu thiệt hại do các tác động liên quan đến những thay đổi của khí hậu gây ra trong tương lai được xác định cụ thể cho từng lĩnh vực…
So với NDC đã đệ trình, đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật trong trường hợp quốc gia tự thực hiện đã tăng cả về lượng giảm phát thải (so với Kịch bản phát triển thông thường quốc gia) và tỷ lệ giảm phát thải. Cụ thể, lượng giảm phát thải tăng thêm 21,2 triệu tấn CO2tđ (từ 62,7 triệu tấn CO2tđ lên 83,9 triệu tấn CO2tđ) tương ứng với tỷ lệ giảm phát thải đã tăng thêm 1% (từ 8% lên 9%). Mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính khi có hỗ trợ quốc tế tăng từ 25% lên 27%, lượng giảm phát thải đã tăng thêm 52,6 triệu tấn CO2tđ (từ 198,2 triệu tấn CO2tđ lên 250,8 triệu tấn CO2tđ)…