(QNO) - Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 khai mạc sáng nay 28.12.
Tham dự tại điểm cầu Trung ương có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các Phó Thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành. Tại đầu cầu Quảng Nam có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan.
Hội nghị cho biết trong vòng 5 năm qua (2016 - 2020) Việt Nam đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP. Năm 2020, Việt Nam đã thực hiện thành công “mục tiêu kép” trong phòng chống dịch bệnh và duy trì tăng trưởng kinh tế, trở thành một trong những hình mẫu khống chế dịch Covid-19, đạt mức tăng trưởng dương 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Việt Nam duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát dưới ngưỡng 4%.
Trong bối cảnh khó khăn toàn cầu, chuỗi cung ứng quốc tế đứt gãy, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt mức kỷ lục gần 544 tỷ USD, xuất siêu hơn 19 tỷ USD. Theo tính toán của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô kinh tế Việt Nam đã đạt hơn 340 tỷ đô la - đứng trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương hoặc vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực, kể cả một số “con hổ” của Đông Á. Tạp chí Nhà kinh tế của Anh xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới, thu nhập bình quân đầu người gia tăng. Một hãng định giá thương hiệu nổi tiếng của Anh đã định giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam là 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2019, đưa Việt Nam lên vị thứ 33 (tăng 9 bậc) trong top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới. Thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng vững chắc, liên tục suốt 4 năm qua nhờ vào những nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng chống dịch Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế. Hiện tăng trưởng kinh tế không còn phụ thuộc vào riêng một thành phần kinh tế nào, không phụ thuộc vào bất cứ ngành kinh tế nào, không quá tập trung vào một vài thị trường truyền thống. Nền kinh tế đã tạo ra hơn 8 triệu việc làm mới. Thu nhập bình quân mỗi lao động đạt gần 5.000 USD/năm. Tính cả 5 năm, thu nhập bình quân của người dân đã tăng gần 145%. Đánh giá theo tiêu chuẩn của WB tính theo sức mua tương đương, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam tương đương gần 9.000 đô la Mỹ.
Tuy nhiên, Thủ tướng thừa nhận tăng trưởng kinh tế còn chưa xứng tiềm năng, chưa thực sự bền vững. Chưa đảm bảo công ăn việc làm cho một bộ phận người dân, nhất nông thôn, khu vực nông nghiệp và khu vực phi chính thức… Khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa nhìn chung vẫn còn khó khăn, sức cạnh tranh thấp. Cơ cấu của nền kinh tế, những nút thắt về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh… vẫn còn nhiều trở ngại, mỗi năm có hàng vạn doanh nghiệp bị giải thể hoặc phá sản. Chất lượng giáo dục, y tế và các chính sách xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập. Ô nhiễm môi trường và tác động do biến đổi khí hậu đang ngày càng hiện rõ…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao về ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả thiên tai, dịch bệnh. Các giải pháp đưa ra phù hợp với tình hình và thực lực đất nước, chấp nhận hy sinh một số lợi ích trước mắt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Tinh thần “Chống dịch như chống giặc” của Việt Nam là hình mẫu về phòng chống dịch bệnh với chi phí thấp nhất, có trách nhiệm cao với cộng đồng quốc tế. Nỗ lực phục hồi duy trì tăng trưởng cao nhất có thể, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu không được chủ quan, tự mãn khi mục tiêu đặt ra cho năm 2021 rất cao trong bối cảnh khó khăn diễn biến phức tạp, khó đoán định của thế giới. Đội ngũ cán bộ là rường cột nước nhà, công bộc của dân phải luôn tự soi, tự sửa để không mắc vào những cám dỗ vật chất, để không xảy ra những điều không ai muốn.
Hội nghị sẽ diễn ra trong 1,5 ngày. Chiều nay và sáng mai (29.12), hội nghị tiếp tục bàn thảo các vấn đề quan trọng trong việc phát triển. Chính phủ sẽ tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, hoàn thiện các văn bản, báo cáo, nhất là dự thảo Nghị quyết 01 để ban hành và tập trung thực hiện ngay từ ngày đầu tiên của năm 2021 với quyết tâm đạt kết quả cao nhất, tạo cơ sở, nền tảng cho cả giai đoạn 5 năm tới (2021 - 2025).