Việt Nam có thể trở thành thung lũng Silicon mới nổi của khu vực Đông Nam Á (ASEAN) nếu nắm bắt tốt cơ hội.
Tờ Asian Correspondent của châu Á số ra tuần vừa qua cho biết, trong khi hầu hết quốc gia thành viên Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đều có tham vọng phát triển cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam có thể là nơi có nhiều cơ hội nhất để trở thành thung lũng Silicon mới nổi của khu vực. Thuận lợi này nhờ vào chính sách giáo dục, hỗ trợ từ chính phủ và môi trường đầu tư thuận lợi. Với dân số hơn 90 triệu người, độ tuổi trung bình hơn 30 tuổi, trong đó số lượng lập trình viên, kỹ sư, doanh nhân trẻ, sinh viên ngày càng gia tăng, sẽ là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới công nghệ của Việt Nam.
Một góc đô thị tại Việt Nam. Ảnh: shutterstock |
Bài viết trích đăng nhận xét của Andreas Schleicher, chuyên gia hợp tác với Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), học sinh Việt Nam xếp thứ 8 trên tổng số 72 nước tham gia khảo sát của tổ chức này trong Chương trình đánh giá học sinh quốc tế 2015. Kết quả đó không chỉ là khả năng trắc nghiệm của các em học sinh qua các bài thi mà thực chất thể hiện kiến thức của các em trong lĩnh vực khoa học và toán học. Thành tựu trên thu hút các nhà nghiên cứu, người làm chính sách giáo dục cũng như sự chú ý của nhiều tập đoàn công nghệ quốc tế đang tìm kiếm tài năng mới. Neil Fraser, một kỹ sư kỳ cựu về phần mềm của tập đoàn Alphabet (Google) vừa có chuyến thăm một số trường học tại Việt Nam, khảo sát kỹ năng công nghệ của học sinh. Trao đổi với hãng tin Reuters, Neil Fraser cho biết: “Việt Nam có những học sinh xuất sắc nhất trong ngành khoa học máy tính mà tôi từng gặp. Những bài tập mà tôi trực tiếp xem họ làm sẽ là thách thức cho vòng phỏng vấn tuyển dụng của Google”.
Ngoài ra, sau chuyến thăm Việt Nam vào cuối năm 2015, Giám đốc điều hành Google, Sundar Pichai cho rằng Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất đối với Google, cũng như đối với nhiều công ty và các doanh nghiệp khác. Sắp tới, 1.400 kỹ sư công nghệ thông tin địa phương sẽ được đào tạo tại trung tâm công nghệ khổng lồ California (Mỹ). Việt Nam rất có cơ hội để trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn, bao gồm lĩnh vực xây dựng sản phẩm. Nếu như trước đây Việt Nam là trung tâm sản xuất đối với Hàn Quốc và các nhà sản xuất thiết bị điện tử của Nhật Bản như Samsung, LG Electronics, Panasonic và Toshiba, giờ đây Việt Nam chú trọng tập trung chuyển đổi từ sản xuất linh kiện điện tử thành trung tâm nghiên cứu, đổi mới và phát triển. Theo Sputniknews, Việt Nam đang thúc đẩy rất mạnh mẽ và toàn diện cho giới trẻ về việc khởi nghiệp. Điều này tạo ra một làn sóng khởi nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin rất tốt.
Theo các chuyên gia công nghệ, vai trò kinh tế tư nhân nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng tại Việt Nam đã được khẳng định và nhấn mạnh như là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Do đó, đổi mới và phát triển công nghệ cao chỉ hiệu quả trong điều kiện nền kinh tế tư nhân phát triển, bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này đòi hỏi môi trường khuyến khích sáng kiến tư nhân, bảo đảm quyền sở hữu, trong đó có cả sở hữu trí tuệ.
QUỐC HƯNG