Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài

QUỐC HƯNG 13/07/2023 17:52

(QNO) - Tờ Financial Times (Thời báo Kinh tế) của Anh số ra tuần qua có bài viết với tiêu đề "Thời khắc kinh tế Việt Nam đã đến".

Một nhà máy sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử tại Viêt Nam. Ảnh: Bloomberg
Một nhà máy sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử tại Việt Nam. Ảnh: Bloomberg

Financial Times cho biết, sau nhiều thập kỷ hứa hẹn, thời điểm kinh tế của Việt Nam cuối cùng có thể đã đến. Đây là nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á vào năm ngoái (tăng trưởng 8%) và là một trong số ít nền kinh tế trên toàn cầu đạt được mức tăng trưởng 2 năm liên tiếp kể từ đại dịch COVID-19.

Việt Nam hưởng lợi lớn từ nỗ lực của các nhà sản xuất nhằm "giảm thiểu rủi ro" trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới.

Minh chứng, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng vọt lên mức cao nhất trong một thập kỷ vào năm 2022. Hơn 20 tỷ USD vốn FDI chảy vào năm ngoái chủ yếu từ Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc.

Tỷ trọng nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam cũng tăng gần 2 điểm phần trăm kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bắt đầu bùng phát vào năm 2018.

Những năm gần đây, nhiều tên tuổi lớn bao gồm Dell, Google, Microsoft và Apple chuyển các bộ phận trong chuỗi cung ứng của công ty sang Việt Nam nhằm đa dạng chuỗi cung ứng. 

Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí lao động cạnh tranh và được giáo dục tốt thu hút các nhà sản xuất. Dù "Made in Vietnam" ban đầu gắn liền với tên tuổi của thương hiệu giày Nike, nay được gắn với các thiết bị điện tử cao cấp như AirPods của Apple.

Tăng trưởng nhanh dựa vào xuất khẩu giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo trong những thập kỷ gần đây tại Việt Nam. 

Financial Times cho rằng, trong ngắn hạn, để tiếp tục thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, Việt Nam cần củng cố môi trường kinh doanh.

Về lâu dài, để đáp ứng mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam là trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, Chính phủ cũng phải tận dụng lợi ích tăng trưởng sản xuất để đa dạng hóa nền kinh tế.

Cạnh đó, Financial Times cho rằng, trong thập kỷ tới, Việt Nam phải nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các kế hoạch đầu tư từ nhà sản xuất.

Nhân khẩu học trẻ tuổi cung cấp một lượng lớn công nhân để lựa chọn, nhưng sự cạnh tranh về kỹ năng kỹ thuật đang gia tăng. Các trường học của Việt Nam vượt trội trên toàn cầu, nhưng đào tạo nghề và các trường đại học cần một bước tiến mới. Cơ sở hạ tầng của đất nước cần được nâng cấp...

Để đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập cao, Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt là nhận diện những thách thức để vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Vào cuối những năm 1990, Malaysia và Thái Lan đi theo quỹ đạo tương tự của Việt Nam hiện nay nhưng họ rơi vào "bẫy thu nhập trung bình" - không thể chuyển đổi từ nền kinh tế có chi phí thấp sang nền kinh tế có giá trị cao, gây khó khăn cho việc cạnh tranh với các nước có thu nhập cao và cả các nước có thu nhập thấp.

Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị Việt Nam cần hỗ trợ nhiều hơn cho việc áp dụng công nghệ, tăng cường kỹ năng quản lý và tiếp tục giảm bớt các hạn chế đối với FDI trong lĩnh vực dịch vụ.

Financial Times là tờ nhật báo về kinh doanh quốc tế có trụ sở tại London (Anh). Bên cạnh London, tờ báo ra hằng ngày tại 23 thành phố trên toàn thế giới.
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO