Việt Nam trong tim cựu binh Liên hiệp quốc

CHÂU NGUYỄN 15/01/2017 07:15

Ông là cựu chiến binh của Úc, từng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc tại Việt Nam trong những năm khốc liệt nhất của chiến tranh. Vùng đất, con người nơi đây đã để lại nhiều kỷ niệm không quên và thôi thúc ông trở lại. Để rồi ông chứng kiến sự thay đổi diệu kỳ của vùng đất lửa một thời.

Ký ức không quên

Trong dịp công tác tại đất nước xinh đẹp của những chú chuột túi Kangaroo mới đây, tôi may mắn được đồng nghiệp công tác tại Thông tấn xã Việt Nam thường trú ở Úc đưa đến thăm gia đình ông Alberytus Leonardus Kuijpers (sinh năm 1947) tại phố Chisholm, thủ đô Canberra. Ông đón chúng tôi bằng cái bắt tay thật chặt và những tách cà phê thơm lừng chính hiệu của Việt Nam. Ông Alberytus Leonardus Kuijpers và vợ là bà Margaret Mary Kuijpers sống với nhau trong một căn nhà rất đẹp theo lối kiến trúc đặc trưng ở một thành phố thủ đô. Những đứa con của ông bà đều có cuộc sống riêng, dù bận rộn với công việc nhưng vẫn thường đến thăm ba mẹ dịp cuối tuần.

Ông Alberytus trên sông Thu Bồn.Ảnh: CHÂU NGUYỄN
Ông Alberytus trên sông Thu Bồn.Ảnh: CHÂU NGUYỄN

Trong câu chuyện, ông Alberyus Leonardus kể về thời trai trẻ tham gia hoạt động từ thiện, nhân đạo của Liên hiệp quốc. Lật từng trang cuốn album với những bức ảnh đen trắng được giữ gìn khá cẩn trọng, ký ức lần lượt ùa về như một cuốn phim quay chậm cuộc sống, sinh hoạt của ông và đồng đội khi còn ở Việt Nam, Campuchia, Singapore và một số nước Đông Nam Á khác. Ông Alberytus Leonardus xúc động chỉ cho tôi xem bức ảnh chàng thanh niên 19 tuổi và đồng đội đang cáng thương một người dân thường đưa lên trực thăng ra khỏi vùng chiến sự vẫn còn thở khói. “Tôi thật tự hào và hạnh phúc khi tham gia hoạt động nhân đạo tại Việt Nam trong suốt 2 năm 1967 – 1968. Đây là thời điểm căng thẳng nhất của chiến tranh, những nỗ lực của chúng tôi đã giúp cứu sống nhiều người dân vô tội… Chiến tranh luôn là nỗi ám ảnh nhân loại” - ông Alberyus Leonardus tâm sự. Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc chủ yếu tham gia vận chuyển, giúp đỡ, cứu chữa người dân bị thương ở tỉnh Vĩnh Long và Vũng Tàu. Chàng thanh niên Alberytus Leonardus đã đi qua nhiều vùng đất, con sông, lội qua những cánh đồng bùn lầy và ăn cơm lúa gạo Nam Bộ.

Ông bà Kuijpers.
Ông bà Kuijpers.

Ký ức về thời gian khó với những kỷ niệm đẹp còn lưu lại trong lòng ông cho đến bây giờ, cùng với thói quen ăn cơm Việt vẫn được giữ khi ông trở lại quê nhà. “Mặc dù người dân ở xứ sở chuột túi này không ăn cơm hàng ngày như người dân Việt. Nhưng chúng tôi vẫn có thể tìm mua gạo ở những cửa hàng của người Việt tại Úc, và ít nhất mỗi tuần một lần, tôi nấu cơm để thỏa mãn nỗi nhớ của chồng…” - bà Margaret chia sẻ. Ông đưa chúng tôi tham quan không gian riêng của mình. Trong căn phòng nhỏ lưu giữ nhiều kỷ vật cá nhân và những bằng khen của chính phủ Úc về sự đóng góp công sức của ông vì hòa bình tại Việt Nam. Trong câu chuyện dài nhiều cung bậc cảm xúc, ông Alberytus cho chúng tôi cảm nhận được tính cách nhanh nhẹn, hoạt bát của người lính trui rèn qua gian khổ. Ông luôn tạo cho câu chuyện của mình nhẹ nhàng, mang chút vui vẻ, để những mẩu chuyện về chiến tranh bớt đi nỗi đau, ám ảnh.

Quê hương thứ 2

Năm 2001, ông Alberytus Leonardus Kuijpers và vợ quyết định trở lại Việt Nam, thăm lại những nơi mà ông từng đến, làm việc, những di tích lịch sử và vùng đất từng hứng chịu bom đạn chiến tranh. Bà Margaret Mary vui vẻ nói: “Khi tôi đi thăm địa đạo Củ Chi, Vịnh Mốc thì mới thấy sự thông minh sáng tạo của người dân Việt Nam trong chiến đấu, nghệ thuật đánh địch hạn chế thương vong nhưng hiệu quả trong tác chiến. Đặc biệt những đứa trẻ đã chào đời bên trong địa đạo, bên ngoài là tiếng bom rền cho tôi cảm nhận sức sống mãnh liệt, niềm tin vào ngày mai của các bạn. Có lẽ vì vậy mà đất nước các bạn đã giành được hòa bình và đi lên trong gian khó để có được ngày hôm nay”.

Chuyến đi đầu tiên nhiều cảm xúc ấy đã mang đến cho ông bà Kuijpers những tình cảm đặc biệt, về con người và đất nước Việt Nam hiện đại. Và trong tâm khảm họ xem Việt Nam là quê hương thứ 2 của mình. Mỗi năm họ dành dụm từ số tiền lương hưu để đến thăm đất nước Việt Nam trong thời gian từ 1 tháng đến 3 tháng, tìm hiểu cuộc sống, vùng đất và con người nơi đây. Ông Alberytus cho hay: “Chúng tôi đến Việt Nam đã 17 lần kể từ năm 2001, mỗi lần đều có cảm xúc hào hứng, chờ đợi và cảm thấy như được về nhà. Tuy chưa thể đi tới tất cả vùng đất trên quê hương Việt Nam nhưng rất nhiều địa danh ở 3 miền của các bạn, chúng tôi đều đã đến”.

Bà Margaret nói tiếp câu chuyện của chồng: “Chúng tôi lên kế hoạch cho mỗi năm, ví dụ năm nay đến Việt Nam để đón tết cổ truyền cùng các bạn, năm sau nhìn ngắm hoa phượng mùa hè nắng cháy da người, hay mùa mưa kéo dài triền miên; mùa nước lũ lại cho chúng tôi những cảm nhận rất khác biệt. Đặc biệt, bất cứ lần trở lại nào chúng tôi cũng dành nhiều thời gian ở lại Đô thị cổ Hội An - phố cổ tuyệt đẹp với những ngôi nhà mái ngói rêu phong, cổ xưa, người dân thân thiện, vui vẻ, nụ cười luôn hiện hữu trên môi”. Bà Margaret kể cho chúng tôi một kỷ niệm đẹp của bà về ngày tết cổ truyền ở Việt Nam khi lưu trú ở phố cổ Hội An vào năm 2001. “Tết Việt quá ấn tượng, người người mặc áo quần đẹp du xuân, thăm hỏi, cầu chúc những điều may mắn, sức khỏe cho những người thân yêu, bạn bè của mình và tham gia các trò chơi dân gian còn lưu giữ từ lâu đời. Thời điểm tết cổ truyền, hầu hết cửa hàng, quán ăn đóng cửa. Trong khi đó khách sạn chúng tôi ở không có nhà hàng phục vụ cho du khách và những người bạn là nhân viên lễ tân đã mang thức ăn đến cho chúng tôi trong 3 ngày tết, nào là bánh tét, dưa món, thịt heo muối... Đây là những món ăn mà chúng tôi chưa từng được thưởng thức bao giờ, tuy lạ miệng nhưng rất ngon và giúp chúng tôi bất ngờ có những trải nghiệm rất khác biệt, đáng nhớ”.

Có lẽ Hội An đã chiếm một vị trí quan trọng trong tim ông bà Kuijpers và dịp tết cổ truyền là thời gian họ mong muốn trở lại nhiều nhất. Ông Alberytus tâm sự: “Chúng tôi đón nhiều cái tết ở Hội An. Những ngày trước khi đón năm mới, chúng tôi đi thăm các làng quê, xem người dân chuẩn bị cho tết như thế nào. Những gia đình chúng tôi đến thăm đều chuẩn bị mọi thứ tươm tất, nhà cửa được trang hoàng đẹp mắt, gói bánh tét, làm thịt heo chia nhau, con cháu sum họp sau một năm tất bật với công việc…, không khí dường như ấm áp lạ”. Theo ông, đây là điều đáng quý của người dân Việt mà các nước châu Âu hay Úc không có được. Ông cũng nhận xét: “Tuy nhiên, tết cổ truyền của các bạn ít nhiều thay đổi trong những năm trở lại đây, ít thấy gia đình nông dân gói bánh tét, bánh chưng hơn”. Ông Alberytus kể về nỗi nhớ chuyến đò mà ông đã cùng người dân quê qua thăm làng bên kia sông Thu Bồn, thăm làng chài An Lương (Duy Hải, Duy Xuyên). “Năm ngoái tôi trở lại thì cây cầu mới đã hoàn thành, người dân đôi bờ không còn vất vả, nguy hiểm trên những chuyến đò ngang mỗi ngày, cuộc sống người dân cũng thay đổi hẳn nhưng con đò sẽ là kỷ niệm đẹp không chỉ đối với du khách mà cả chính người dân nơi đây. Nó nhắc nhớ chúng ta một thời gian khó để có ngày hôm nay. Tôi cất công tìm lại những chiếc đò ngày ấy với hy vọng có còn neo đậu ở bến xưa mà không thấy, tiếc thật!”.

Năm nay, ông bà Kuijpers đang chuẩn bị mọi thứ để lại đón thêm cái tết nữa ở Việt Nam, tham dự lễ hội mùa xuân ở Đô thị cổ Hội An và nhiều dự định tại quê hương thứ hai của mình trong năm mới này.

CHÂU NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Việt Nam trong tim cựu binh Liên hiệp quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO