LTS: Bà Võ Thị Phận (Út Phận) - nguyên mẫu nhân vật Mẫn trong tiểu thuyết “Mẫn và tôi” của nhà văn Phan Tứ vừa qua đời. Đây cũng là nhân vật trong nhiều bài viết trên báo Quảng Nam nhằm làm sáng tỏ một phận người. Và có lẽ nay bà đã thanh thản ra đi, bởi nỗi oan khuất đeo mang suốt hơn 40 năm đã được giải, dù khá muộn mằn. Tiếp theo câu chuyện về bà Út Phận, Báo Quảng Nam giới thiệu bài viết của tác giả Phạm Thông với những thông tin về một đoạn trong hành trình đi tìm sự thật lịch sử liên quan đến một phận người...
Cách đây 5 năm, theo yêu cầu của Huyện ủy Núi Thành tôi viết quyển sách “Núi Thành đất và người kiên trung” tập 3. Đây cũng là cơ hội để tôi nhắn gửi trong bút ký của mình về trường hợp chị Út Phận ở Vùng 3, thôn 8, xã Kỳ Sanh nay là Tam Mỹ Tây - một xã rất anh hùng, đã chịu oan khuất mấy chục năm sau ngày giải phóng đến nay. Vậy là, trong bài viết về một chiến sĩ cách mạng trung kiên tại xã Tam Xuân thuộc huyện Núi Thành, tôi gửi gắm câu chuyện thân phận chị Út ở trang cuối cùng, bởi đồng chí này giao nhiệm vụ cho chị.
Tôi nghĩ câu chuyện của chị Út gửi được vào bút ký “Những năm tháng không thể nào quên”, trong đó đồng chí Đỗ Viết Can là nhân vật chính được in báo (khi đăng trên báo Quảng Nam đổi tiêu đề thành “Chuyện của ngày hôm qua”) và in trong tập sách do Ban Tuyên giáo Huyện ủy Núi Thành chịu trách nhiệm xuất bản, như một việc làm có ý nghĩa, níu kéo một chút công lao của chị trong thời khắc gian nguy, động viên chị vào năm tháng cuối đời. Tôi không dám ước mong gì khác...
Một hôm tôi đột ngột nhận cuộc điện thoại của người lạ, xưng tên Vũ Hồng Sơn, ở Hà Nội, làm doanh nghiệp, đọc báo Quảng Nam thấy nhân vật nguyên mẫu trong tác phẩm “Mẫn và tôi” lại là một gián điệp, bức xúc nên gọi điện cho Tổng Biên tập Báo Quảng Nam xin số điện thoại của tác giả bài viết. Nay anh liên hệ tôi ngỏ lời phối hợp xem “có làm gì được cho cô Út Phận không” và cho hay: “Tôi có biết một đồng chí cán bộ chủ chốt của Trung ương Đảng. Tôi đưa cho đồng chí bài viết trên báo Quảng Nam, đồng chí đã biết chuyện”.
Qua cuộc điện thoại này, tôi thông tin với Vũ Hồng Sơn chuyện chị Út Phận. Mấy chục năm nay rất nhiều lần chị kêu oan. Nhiều cán bộ kỳ cựu thanh minh cho chị, nhưng không qua nổi những người ở cơ sở, bởi họ cũng rất kỳ cựu. Tôi bám vấn đề của chị Út từ lâu, tôi cũng thân với Phan Thế Huẩn là con trai của người mẹ ấy. Huẩn sinh năm 1963, cùng thời nhà văn Phan Tứ về Kỳ Sanh tiếp cận thực tế chiến trường để hình thành hai tác phẩm “Gia đình Má Bảy”, “Mẫn và tôi”. Phan Thế Huẩn lọt lòng trong sự kín tiếng của mẹ về gốc tích người cha. Cha Huẩn là ai? Chỉ mình chị biết. Một mình chị mang tiếng đời, một mình chị bị tổ chức kiểm điểm... Và Huẩn cũng chịu nỗi oan không cha từ khi lọt lòng cho mãi tới hôm nay. Chị Út phải chịu nỗi oan kép: Nỗi oan nước, nỗi oan nhà...
Hồng Sơn lại gọi điện thoại: “Theo anh, cô Út có bị oan thiệt không, khẳng định xem nào. Anh bảo “chắc” thì em vào ngay. Anh em mình phải thử sức, nếu không được chi cũng thỏa lòng”. Tôi trả lời: “Bằng trực giác, bằng sự theo dõi có hệ thống cả về quá trình lịch sử vùng đất cùng với những tư liệu, thư từ do chị Út lưu trữ, tiếp cận những nhân chứng lịch sử đáng tin, anh dám chắc chị bị oan. Nhưng cuộc chiến quá phức tạp, lòng người đổi thay mấy chốc trước sự sống và cái chết, trước bao nhiêu cám dỗ, vì thế phải có một cuộc sưu tra hệ thống mới khẳng định. Nay được sự hỗ trợ của em, anh cảm giác em không phải là một doanh nghiệp mà đang làm việc chi đó khá quan trọng ở Hà Nội. Thôi kệ em, em làm chi cũng được miễn là có tấm lòng. Em vào với anh. Anh đợi!”.
Sau 5 ngày một chiếc xe con mang biển số Hà Nội đến nhà tôi. Có hai người bước vào: “Giới thiệu với anh, em là Sơn, còn đây là Tuấn luật sư, bạn thân của em. Nghe chuyện hay quá cậu ta tự nguyện cùng đi đến vùng đất “Mẫn và tôi”, “Gia đình Má Bảy”. Nơi có những nhân vật lý tưởng một thời của tụi em. Em lái xe thẳng từ Hà Nội vào đây. Tính là để có phương tiện, chắc phải đi nhiều anh nhỉ”...
Trước tiên chúng tôi đến nhà ông Đỗ Viết Can ở thôn Vĩnh An, xã Tam Xuân. Ông Can lúc này đã 83 tuổi, người không khỏe nhưng đầu óc minh mẫn. Ông kể:
“Tui nói đây là trên tinh thần của một đảng viên, của một người đã từng vào tù ra tội thời sau 1954, lặn lội ở chiến khu từ 1959 đến 1975. Với bổn phận của một trong những người lãnh đạo ngành binh vận cấp tỉnh còn sống sót sau chiến tranh mà không bảo vệ được cho những cơ sở của mình, để họ phải chịu oan trái thì chết không nhắm mắt. Tôi rất biết anh Thông, tôi cũng nghe anh Thông báo trước về mục đích chuyến đi của các anh về đất Núi Thành. Tin anh Thông, tin các anh, tôi còn nghe anh Thông nói các anh vào đây là theo ý kiến của một đồng chí ở Trung ương. Như vậy đây là một nhân duyên tuyệt vời. Tôi nói hết, nói với tinh thần của một chiến sĩ đã từng vào sanh ra tử. Sống đến bây giờ, hưởng đầy đủ chế độ là quý quá rồi. Tội cho chị Út Phận, bao nhiêu công lao đều không được ghi nhận.
Năm 1972, tôi là Phó ban Binh vận tỉnh Quảng Nam về đứng điểm tại các huyện Bắc, Nam và thị xã Tam Kỳ. Ba đơn vị này trước cùng một huyện, giờ chia tách để phù hợp với sự chỉ đạo tổ chức phong trào cách mạng thời chiến. Đây là địa bàn tôi am hiểu nên cấp trên phân công.
Tôi gặp anh Nguyễn Lẫm - Bí thư, anh Lê Tư Đặng - Phó Bí thư kiêm Chủ tịch và Trưởng ban An ninh huyện Nam Tam Kỳ, nhờ các anh tìm người thích hợp cài vào các khu tập trung của địch làm công tác binh địch vận. Các anh giới thiệu chị Võ Thị Phận con ông giáo Quới ở Vùng 3, thôn 8, Kỳ Sanh. Vì chị Út có nhiều phẩm chất thích hợp với công tác này.
Ai chứ Út Phận thì tôi biết khá rõ. Cô út đẹp người, gái nông thôn nhưng con ông giáo nên có dáng thanh mảnh khuê cát, học đến lớp 4 hồi kháng chiến chống Pháp. Phụ nữ mà thời đó học như rứa là loại hiếm ở các làng quê, tạm gọi là có trình độ. Ông Quới, cô Út đã giúp đỡ chúng tôi ngay trong thời đen tối nhất. Các ông Mười Chấp, Hải Để và sau này có cả tôi cũng đã ăn cơm, ăn gạo, ăn mắm nhà ông Quới tiếp tế từ những năm 1958 - 1959. Họ là những người dân kiên trung.
Cô Út chính thức tham gia làm cơ sở của chúng tôi từ 1960; năm 1962 Kỳ Sanh giải phóng cô làm cán bộ phụ nữ thôn, xã... Nghe nói thời 1962 - 1964 cô hay đem đường sữa lên tiếp tế cho nhà văn Phan Tứ về Tứ Mỹ, Kỳ Sanh viết tiểu thuyết. Năm 1962 cô được cử đi học bồi dưỡng chính trị dành cho cán bộ cơ sở ở trong tận Ba Tơ, Quảng Ngãi. Mà hay thiệt, khi vào đó cô cũng thấy ông Phan Tứ đang làm công tác chi trong đó nữa. Làm cách mạng gian khổ đến thế mà được như họ cũng hết sức nên thơ. Hèn chi họ nói “tam tứ núi cũng trèo” là thế đó. Đây lại là trăm núi ngàn đèo. Thấy vậy, nghe vậy, nói vậy chứ biết chi mô. Chủ yếu là chứng minh tinh thần cách mạng và sự giác ngộ rất sớm của chị Út”.
(Còn nữa)