Viết thêm câu chuyện về chị Út Phận (tiếp theo kỳ trước)

PHẠM THÔNG 07/09/2020 07:22

Theo ông Đỗ Viết Can, lúc đó chọn Út Phận còn vì chị Út mới ra tù được non một năm, nghe nói ở tù Quảng Tín chị giữ vững khí tiết, không khai báo gì có hại cho cách mạng. Trước đó chị bị bắt tại một địa điểm ở Kỳ Khương, sát nách quận lỵ Lý Tín. Hôm mùng 2 Tết Mậu Thân, khi đoàn biểu tình cánh tây Lý Tín từ Kỳ Sanh giương cờ, biểu ngữ kéo xuống cùng lực lượng vũ trang nổi dậy cướp chính quyền, địch xả đạn thẳng giết chết tại chỗ 13 người. Sau đó vây bắt hàng trăm người. Chúng tra tấn thanh lọc, nhưng mọi người không khai ai là cán bộ...

Ông Vũ Hồng Sơn cùng bà Võ Thị Phận với trang tiểu thuyết “Mẫn và tôi” (bản photo) trong ngày ông Sơn về Núi Thành tìm hiểu sự việc. Ảnh: V.H.S
Ông Vũ Hồng Sơn cùng bà Võ Thị Phận với trang tiểu thuyết “Mẫn và tôi” (bản photo) trong ngày ông Sơn về Núi Thành tìm hiểu sự việc. Ảnh: V.H.S

Ông Can kể tiếp: “Út Phận có quá trình công tác, lại được thử thách trong nhà tù đế quốc, tôi giao nhiệm vụ ngay cho chị. Chị ở lại trong khu dồn, làm ăn nuôi con như dân thường; tìm cách giao dịch, bắt nối liên lạc những binh lính có biểu hiện cảm tình với cách mạng, kiểm tra kỹ lai lịch, nắm chắc tư tưởng của đối tượng, thử thách dần dần, thấy chín muồi thì cài cắm làm cơ sở trong lòng địch... Tôi với chị là đơn tuyến và chị với tất cả họ cũng đơn tuyến, một người giao nhiệm vụ một người biết, đường dây từ Ban Binh vận tỉnh xuống tận cơ sở. Báo cáo với ai về việc làm của các anh chị là do tôi phụ trách. Chị đã làm được khá nhiều việc, cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng.

Có lần tôi nhận từ chị một bản đồ Chi khu Tiên Phước và một bản đồ Tỉnh đường Quảng Tín do một người tên là Hùng, cảnh sát trắng ngụy vẽ khá tỉ mỉ. Hùng có cha tập kết, con bà chi đó ở thôn 5, Kỳ Sanh. Chị bắt nối được với Hùng thông qua mẹ Hùng, điểm liên lạc cũng tại nhà bà ấy. Một lần khác, chị sai thằng Huẩn mới 9 tuổi dẫn hai lính nghĩa quân mang súng về giao cho cách mạng. Hình như hai người đó còn sống, hỏi chị Út thì biết... Chuyện của chị khá nhiều... Có điều này là quan trọng nè: Chị Út là cơ sở chính thức của Ban Binh vận tỉnh, được hưởng phụ cấp hàng tháng. Tôi trực tiếp đưa cho chị. Của ít nhưng đó là sự ghi nhận. Đồng tiền ít ỏi đó là để phụ cho chị nuôi thằng Huẩn. Thằng Huẩn nhỏ rứa nhưng làm theo lời mẹ. Tôi đã nhiều lần ăn cơm do thằng Huẩn mang tới chỗ vắng giữa trưa...

Đùng một cái, tôi nghe tin như sét đánh: Út Phận bị ta bắt giải về trại cải tạo huyện Nam Tam Kỳ vào ngày 28 tháng 2 năm 1975. Từ Bắc Tam Kỳ, tôi tức tốc băng núi vào Trại cải tạo do anh Bá phụ trách, can gián. Anh Lê Tư Đặng nhanh tay hơn. Anh Đặng lệnh thả chị ra. Nhưng rồi cái vết đen đó bám theo chị mãi mấy chục năm, chúng tôi gỡ không ra. Ừ thì tôi giao nhiệm vụ, nhưng làm sao biết được chị Út có bắt cá hai tay hay không. Chị làm cho ta thời gian rất dài, có thể nói xuyên suốt cuộc chiến, nhưng có hay không sự lầm lỡ, tôi không xác định... Thương chị quá mà đành chịu. Cách mạng miền Nam ai làm nấy biết là ở chỗ này đây. Oan hay không là chỗ này đây. Đơn tuyến mà các anh! Đơn tuyến hay chịu nỗi oan cô đơn. Nỗi oan cũng là cái giá của cuộc chiến khốc liệt năm xưa...”.

Trên gò má ông Can bỗng lăn dài những giọt lệ.

Cám ơn và tạm biệt ông Can, chúng tôi đi vào thị trấn Núi Thành gặp ông Lê Tư Đặng. Ông Đặng lớn hơn ông Can vài ba tuổi nhưng còn phong độ, cười nói vang vang như trước đây 35 năm, một thời làm Chủ tịch huyện Nam Tam Kỳ cũ. Cũng được tôi báo trước, ông Đặng ngồi ở phòng khách đợi. Sau khi thăm hỏi, giới thiệu, ông Đặng vừa mừng, vừa xúc động vào cuộc:

“Anh Thông đã giới thiệu nên chúng ta mới có cuộc gặp mặt hôm nay. Nói gần nói xa không qua nói thiệt, người Quảng tui hay nói thế. Thì giờ của các anh không nhiều, các anh có lòng mới vào tới đây, tôi xin phép đi thẳng vào vấn đề. Năm nay tôi đã gần 70 tuổi Đảng, tập kết ra miền Bắc rồi trở lại chiến trường Quảng Nam từ cuối năm 1960, có một thời gian công tác tại huyện Nam Tam Kỳ cho mãi tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Thời đó tôi làm Chủ tịch Ủy ban kiêm Trưởng ban An ninh huyện. Nói như vậy để các đồng chí biết tôi có những mối liên quan chính trị gần đối với những người hoạt động cách mạng trên địa bàn, kể cả những đồng chí hoạt động đơn tuyến trong vùng địch chiếm. Vì thế lời nói của tôi hôm nay đối với thân phận chính trị của đồng chí Võ Thị Phận là có cơ sở thực tế lịch sử.

Những ngày hạ tuần tháng 2 năm 1975, được sự phân công của Ban Thường vụ Huyện ủy, tôi đứng điểm ở các xã phía bắc huyện Nam Tam Kỳ chuẩn bị cho chiến dịch mùa xuân 1975 tại địa phương. Được tin ở nhà (ở căn cứ của huyện) ta bắt một số cơ sở cách mạng hoạt động hai mặt giải lên cứ, tôi băng núi về ngay. Với linh cảm của một người có chút từng trải, tôi cảm nhận ta có thể sụp bẫy bôi đen của địch. Bọn địch ranh ma lắm, đơn giản là mắc mưu ngay. Về tới nơi, tôi thấy chị Út Phận đã có mặt ở Trại cải tạo huyện. Tôi có ý kiến với anh Nguyễn Lẫm - Bí thư Huyện ủy:

- Anh khoan kết luận, để thời gian cho tôi xuống Kỳ Sanh thẩm tra. Bởi Út Phận là cơ sở binh vận theo đường dây của Ban Binh vận tỉnh, chính tôi và anh giới thiệu. Một con người đã được chọn lọc, kết luận không đúng là tổn hại cho cách mạng, điều này anh quá biết, tôi không dám nói thêm. Linh cảm của tôi Út Phận không thể là gián điệp. Dầu ở dưới đó có căng thẳng, có nguy hiểm mấy tôi cũng đi. Vụ này anh em mình phải trực tiếp nghe, trực tiếp khảo sát tình hình mới được...

Tôi mang gói xuống Kỳ Sanh, nằm ở đó 3 ngày nắm bắt tình hình thực hư ra sao. Út Phận làm công tác binh vận phải gần gũi với lính, nên dân thấy sinh nghi. Chị làm thì cấp trên biết chứ dân làm chi biết được, thậm chí các đồng chí ở xã cũng không biết. Họ nhìn hiện tượng suy bản chất. Chị Phận ở khu dồn, thỉnh thoảng ra vùng giải phóng liên hệ công tác, họ lại càng nghi: “Bà này đi nắm tình hình để chỉ điểm chứ đi đâu”. Rồi một hôm chị về vùng giải phóng có gặp các đồng chí du kích, tối hôm đó pháo bắn trúng chỗ các anh ấy nằm, chết mấy người. Rồi hôm khác, các đồng chí đi công tác bị phục chết mấy người, trong đó có một huyện ủy viên, dân cũng thấy chị Út thoáng về thôn Tám. Rứa là họ kết luận Út Phận chỉ điểm. Trong chiến tranh tình hình quá gấp gáp, chết sống như trở bàn tay, đâu có thì giờ nghiên cứu cho kỹ, dễ nhầm lẫn lắm các đồng chí ạ. Nghiệt nỗi vỡ lở là chết cả đám. Buộc phải xử lý nhanh, nhưng nhanh quá thì không chín...

Tôi điều tra, đối chiếu mọi hành xử, mọi hành động thấy Út Phận hoàn toàn ngoại phạm. Chị Út ra vùng giải phóng, chớp nhoáng trở lại khu dồn, địch quản lý dân vô cùng nghiêm ngặt, ở lâu chúng sinh nghi. Với thời gian ít ỏi như vậy chị làm sao biết tối đó anh em ta đi đường nào, ngủ ở đâu. Thời đó anh em du kích, cán bộ xã di chuyển liên tục, đầu tối ở chỗ này khuya ở chỗ khác, hôm nay đi đường này mai đi đường khác, chị Út không thể biết được. Kiểm tra trong khu dồn, cơ sở báo chị Út hai hôm đó 5 giờ chiều đã có mặt. Đối chiếu mọi lý lẽ, tôi lập tức về căn cứ, xin ý kiến anh Lẫm thả ngay chị Võ Thị Phận.

Nhưng chị Phận ở trong khu dồn, nay bỗng mất tích mười ngày, nửa tháng, nếu trở lại thì địch nghi chị thoát ly ra vùng giải phóng. Về lại là chúng chụp ngay. Rất nguy hiểm. Tôi có ý kiến chuyển chị sang bộ phận lương thực huyện, đi khai thác lương thực phục vụ chiến dịch đang trên đà mở ra với khí thế hừng hực. Phóng thích vô điều kiện chị là có giấy tôi ký đàng hoàng, không biết có còn lưu trữ hay không. Chiến tranh, lưu trữ ở cấp huyện sơ sài, đến cái ảnh cá nhân mà không giữ nổi, có lẽ là lệnh không còn. Một điều trăn trở, chị Út một mẹ một con, thằng Huẩn con chị sẽ ra sao. Nhưng có thể yên tâm, trong khu dồn mấy người chị ruột của Út Phận sẽ cưu mang cháu. Chị Út cũng hy vọng như thế.

Anh Can và tôi đã nhiều lần lên tiếng về Võ Thị Phận, nhưng không bảo vệ được. Chuyện cũng đã quá lâu, chuyện xảy ra lúc Út Phận mới ba mươi tuổi nay đã gần tám mươi, tôi ba lăm nay đã trên tám mươi. Thời gian trôi hun hút, ký ức đứt gãy, phai nhòa. Nhưng cái chi liên quan hệ trọng đến đồng chí, đồng đội, chúng tôi không bao giờ quên. Tóm gọn những nét chính về vụ Võ Thị Phận, tôi trực tiếp xử lý là vậy. Các đồng chí đi đợt này sẽ gặp nhiều nhân chứng, đồng thời có sự hỗ trợ của cấp trên, may đâu trả lại được thân phận cho chị Út”.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Viết thêm câu chuyện về chị Út Phận (tiếp theo kỳ trước)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO