Viết thêm trang sử hào hùng

HÀN GIANG 09/05/2013 08:35

Trong ký ức của nhiều cán bộ lão thành cách mạng, các thời điểm thành lập huyện Phước Sơn và diễn ra chiến thắng Khâm Đức - Ngok Ta Vat là những mốc son lịch sử quan trọng, góp phần vào sự nghiệp chung của cách mạng tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng.

Tượng đài chiến thắng Khâm Đức - biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân Phước Sơn.Ảnh: HÀN GIANG
Tượng đài chiến thắng Khâm Đức - biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân Phước Sơn.Ảnh: HÀN GIANG

Bước ngoặt lịch sử

Ông Hồ Văn Điều - nguyên Bí thư Huyện ủy Phước Sơn kể: Tháng 6.1946, để vận động cách mạng ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và xây dựng miền núi thành hậu phương của cuộc kháng chiến, theo chủ trương của Xứ ủy Trung kỳ và Tỉnh ủy Quảng Nam, Phòng Quốc dân thiểu số Quảng Nam được thành lập để chỉ đạo phong trào cách mạng miền núi của tỉnh. Sáu tháng sau, Phòng Liên lạc quốc dân thiểu số 2 vùng Trà My - Phước Sơn được thành lập. Số đảng viên của phòng họp thành một tổ đảng, do đồng chí Phan Trấp phụ trách, sinh hoạt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chi bộ Phòng Quốc dân thiểu số tỉnh.

Cán bộ ở Phước Sơn đã đến tận các thôn, làng tìm hiểu đời sống và phong tục tập quán của nhân dân. Họ cùng ăn, cùng ở, cùng làm và từng bước giác ngộ giữa bạn và thù, được nhân dân tin yêu đùm bọc, dần hiểu rõ đường lối, chính sách kháng chiến của Đảng, của Cụ Hồ. “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên chỉ một thời gian ngắn sau đó, người dân đồng bào miền núi đã biết đứng lên đòi quyền lợi cho mình thông qua các yêu sách như đòi được cấp muối, được cấp giấy mực để học tập… và quan trọng là được phía bên kia chấp thuận. Đây được xem là những thắng lợi bước đầu, củng cố niềm tin của nhân dân miền núi vào Đảng, vào đường lối kháng chiến của Bác Hồ” - ông Điều chia sẻ.

Theo ký ức của ông Hồ Văn Nhun - nguyên Bí thư Huyện Đoàn Phước Sơn, lúc bấy giờ, các luật tục lạc hậu, vấn đề hận thù giữa các dòng họ, các làng… ở Phước Sơn cũng còn ảnh hưởng khá lớn, phức tạp. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu tiến hành vận động cách mạng ở miền núi, Phòng Quốc dân thiểu số Trà My - Phước Sơn đặc biệt coi trọng công tác vận động đoàn kết dân tộc, đoàn kết Kinh - Thượng. Để giải quyết vấn đề phức tạp nêu trên và tập hợp sức mạnh đoàn kết của đồng bào các dân tộc trong vùng, Phòng Quốc dân thiểu số Trà My - Phước Sơn đã tổ chức Đại hội Đoàn kết dân tộc tại bãi cát Bà Huỳnh, với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu của các làng ở vùng cao: Cà Đhoạt, Xà Riếng, Ra Gầm, làng Luôn, làng Xe, Xuân Mãi và 100 đại biểu của các làng ở vùng thấp: Công Vang, Gia Ngàn, Gia Sé, Cà Nâng cùng một số đồng bào kinh ở Vinh Quang, Liên Giang. Đại hội đã học tập 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh và học tập “Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku”. Đại hội thành công tốt đẹp, các đại biểu đã cùng ngồi ăn chung mâm, cùng nêu quyết tâm tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế để đóng góp cho cách mạng… “Giải quyết được vấn đề hận thù trong cộng đồng cư dân miền núi là một thắng lợi quan trọng của những người làm cách mạng tại Phước Sơn. Đồng bào các dân tộc đã cùng nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất chĩa mũi tên, hòn đạn vào kẻ thù xâm lược” - ông Nhun kể.

Chuẩn bị đủ điều kiện, trước đòi hỏi của tình hình cách mạng mới và thời cơ đã chín muồi, ngày 15.10.1948, cán bộ của Ủy ban Kháng chiến - hành chính Phước Sơn đã họp nghe thông báo Quyết định thành lập huyện Phước Sơn và xây dựng chương trình hành động: vận động tăng cường khối đoàn kết nhân dân, củng cố, xây dựng chính quyền nhân dân cấp thôn xã; hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”… Huyện Phước Sơn được thành lập, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng tại chiến trường Quảng Nam, đưa Phước Sơn trở thành một trong những tuyến hành lang phục vụ chiến trường phía bắc Tây Nguyên.

Trang sử hào hùng

Ông Hồ Văn Điều kể, sau khi đế quốc Mỹ đổ bộ vào đánh phá nước ta, tại Phước Sơn, thực hiện chủ trương của Thường vụ Khu ủy, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ban cán sự miền Tây, Huyện ủy Phước Sơn tiến hành hội nghị đánh giá lại phong trào toàn huyện, soát xét thực lực chính trị và tổ chức đợt học tập thư Đảng cho cán bộ đảng viên, nhân dân. Đồng thời phát động phong trào thanh niên yêu nước, quyết tâm thắng Mỹ. “Nhân dân hăng hái tăng gia sản xuất, tích lũy lương thực, thực phẩm; hình thành các tổ tương trợ trong sản xuất, có điều kiện đóng góp nhiều hơn sức người, sức của cho cách mạng. Khắp các tuyến đường trên địa bàn, nhân dân trồng sắn để khi đói, bộ đội, cán bộ cách mạng nhổ nấu ăn. Nhân dân còn đóng góp hàng nghìn ngày công để đào hầm, dựng phòng tuyến đánh giặc. Có thể nói, tinh thần căm thù giặc của người dân Phước Sơn dâng cao đến đỉnh điểm, chỉ cần châm ngòi là sẽ bùng lên ngọn lửa đấu tranh quét sạch kẻ thù xâm lược” - ông Điều xúc động. Ông Hồ Văn Nhun cho biết thêm, khi ấy tại Phước Sơn nêu cao khẩu hiệu “Đói ăn rau, đau ăn cháo, còn lúa gạo dành cho bộ đội, cho cách mạng”. Dự cảm về một trận chiến quyết định để giải phóng quê hương nên toàn quân, toàn dân Phước Sơn háo hức chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho cuộc chiến, một kịch bản tranh đấu hoàn hảo đã được vạch ra, sẵn sàng đè bẹp bọn Mỹ - ngụy tại cụm cứ điểm Khâm Đức.

Đêm 30 rạng sáng 31.1.1968, cùng với cả miền Nam, quân và dân Phước Sơn đã bao vây cụm cứ điểm Khâm Đức. Tuy nhiên, do tình hình chiến trường gặp nhiều khó khăn, Huyện ủy quyết định lui quân ra khỏi vị trí của địch nhằm bảo đảm an toàn lực lượng và chờ lệnh tiếp theo của trên. Đầu tháng 5.1968, mệnh lệnh của trên được ban bố. Đêm mồng 9.5.1968, quân ta bắt đầu tấn công Ngok Ta Vak. Đến chiều 12.5, ta làm chủ hoàn toàn cứ điểm Khâm Đức. Chiến thắng Khâm Đức đã làm nức lòng quân dân Quảng Nam, củng cố thêm lòng tin của Đảng bộ và nhân dân Phước Sơn vào ngày toàn thắng, thống nhất non sông, viết thêm trang sử cách mạng hào hùng của chiến trường Quảng Nam.

HÀN GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Viết thêm trang sử hào hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO