Ngày mai 6.9, huyện Tây Giang tổ chức Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II - 2014. Bao năm qua, lưu dấu trong mối tình đoàn kết của đồng bào vùng biên Tây Giang là những mốc son lịch sử rất đỗi tự hào. Tình yêu núi rừng, làng bản và tấm lòng của những người con Cơ Tu son sắt đã tạo nên sức mạnh cho tính cố kết cộng đồng.
Tình đoàn kết
Trong ký ức của già làng C’lâu Nâm (thôn Pr’ning, xã Lăng, huyện Tây Giang), những tháng ngày cùng đồng bào Cơ Tu vùng lên đấu tranh đánh giặc, bám đất giữ làng vẫn in sâu trong tâm trí. Những chiến công hiển hách được lập nên, vang vọng như tiếng trống của già làng, tạo thêm sức mạnh cho mối tình đoàn kết giữa các tộc họ vùng biên, giữa quân và dân, giữa đồng bào Cơ Tu bản địa và những người con miền xuôi “đồng cam cộng khổ” trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. “Tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, làng bản người Cơ Tu với nhau; giữa tình quân dân biên giới và con đường của Đảng, Bác Hồ đã giúp đồng bào Cơ Tu vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống, đấu tranh sinh tồn, bám đất giữ làng” - già Nâm bộc bạch.
Sức mạnh cộng đồng tạo lợi thế giúp Tây Giang bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Minh chứng cho sức mạnh của tình đoàn kết đã giúp đồng bào Cơ Tu huyện Tây Giang vượt qua khói lửa chiến tranh, tạo thế trận vững chắc, phát triển và xây dựng buôn làng. Đã có những câu chuyện đẹp được viết nên bởi tinh thần đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc thiểu số, giữa mối tình Kinh - Thượng, còn vang vọng cho đến hôm nay. Đó là những tấm gương trong phong trào nuôi giấu cán bộ; thi đua sản xuất, lập công; tham gia phong trào “ba sẵn sàng”; hay ngày đêm cùng nhau đào hầm trú ẩn tại các điểm địa đạo Axoò, Bh’nơm (xã A Nông)… của đồng bào vùng cao Tây Giang, phục vụ kháng chiến. Những cái tên như: anh hùng C’lâu Nâm, Alăng Bhuốch, Hồ Thị Thảo,… đã trở thành biểu tượng của tấm lòng kiên trung, bất khuất cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Cuộc sống đồng bào vùng cao Tây Giang từng ngày đổi mới từ những chủ trương hợp lòng dân. |
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho rằng, tinh thần cách mạng và lòng khát khao hòa bình đã cố kết bền chặt đồng bào các dân tộc huyện Tây Giang lại với nhau, để đi đến mọi thắng lợi. Tinh thần đó, nay tiếp tục được đồng bào giữ vững, xóa bỏ mọi hiềm khích, tập tục lạc hậu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống mới ổn định, bền vững. “Sự gắn kết cộng đồng dân cư đã phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo luồng sinh khí mới, khơi dậy nội lực và tiềm năng để Tây Giang phát triển toàn diện” - ông Blúi nói.
Bảo tồn bản sắc
“Phải lấy văn hóa làng làm trung tâm để nuôi văn hóa và lấy văn hóa để phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, đoàn kết dân tộc, cũng như thu hút đầu tư và du lịch. Những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa đa dạng như: rừng pơmu, cánh đồng Chuôr, cây đa trên 700 năm tuổi, địa đạo Axoò, các làng truyền thống Cơ Tu,… sẽ trở thành lợi thế và tiềm năng để Tây Giang phát triển các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái hấp dẫn trong tương lai”. (Ông Bhriu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang) |
Tự hào với những di sản văn hóa đa dạng được cha ông để lại, đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang nguyện chung tay bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, tạo cơ hội quảng bá, cũng như tôn vinh giá trị truyền thống độc đáo vốn có. Theo ông Nguyễn Chí Toàn - Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang, cùng với các hoạt động xã hội ý nghĩa, Tây Giang chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cho đồng bào bản địa. Qua đó, đã tạo sự lan tỏa, giúp bản sắc văn hóa truyền thống được bảo tồn nguyên vẹn. Những cái tên như C’lâu Nâm, Kêr Tíc, C’lâu Blao, Alăng Avel,... đã truyền lửa cho bao thế hệ, góp công gìn giữ văn hóa buôn làng trước những nguy cơ mai một. “Từ việc khôi phục gươl, moong ở hầu hết các thôn bản, cơ quan, trường học, sưu tầm và bảo lưu các loại nhạc cụ, văn hóa ẩm thực truyền thống, cho đến công tác bảo tồn các nghi thức, nghi lễ, các làn điệu dân ca, nói lý - hát lý... đều được bảo tồn với không gian văn hóa đa dạng có chiều sâu, mở hướng tiếp tục phát triển văn hóa, cũng như dạy học chữ viết của đồng bào Cơ Tu” - ông Toàn cho hay.
Qua 5 năm thực hiện quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Tây Giang lần thứ I - năm 2009, nhiều chính sách đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số đã được triển khai đồng bộ. Từ các nguồn vốn Chương trình 30a, Chương trình 134, 135, cùng các Chương trình mục tiêu giảm nghèo, huyện Tây Giang đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; xóa nhà dột nát; san ủi 64/70 thôn, khu dân cư bố trí chỗ ở ổn định; tổ chức mở hơn 40 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho gần 3.000 lượt người đồng bào miền núi... Địa phương còn thực hiện hỗ trợ cho hơn 3.600 hộ dân hưởng lợi, thông qua các mô hình chăn nuôi nhím, trồng chuối, song mây, ba kích, đậu phụng, bò, heo..., khuyến khích, hỗ trợ đầu tư các ngành nghề truyền thống; cấp hỗ trợ máy cày, máy xay xát, máy tuốt lúa, cuốc, xẻng... cho đồng bào khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tây Giang giảm từ 54,04% (năm 2009) còn 51,98% (năm 2013). Tây Giang phấn đấu đến cuối 2019 giảm tỷ lệ nghèo còn dưới 10%, xây dựng cơ bản các xã đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới và đề nghị công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2020. |
Tây Giang tự hào là vùng đất giàu truyền thống anh hùng cách mạng, “cửa ngõ” vùng biên với những sắc màu văn hóa đa dạng, phong phú. Vì thế, văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu bản địa trở thành thế mạnh riêng biệt, tạo nguồn lực để địa phương khơi dậy những tiềm năng vốn có, phát triển kinh tế, du lịch gắn với bảo tồn những giá trị di sản vùng miền núi. Cùng với công tác xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo tồn bản sắc và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Tây Giang đang nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới theo tinh thần “Các dân tộc huyện Tây Giang đoàn kết một lòng, quyết tâm xây dựng thành công nông thôn mới”. “Phương châm xây dựng nông thôn mới ở huyện Tây Giang là lấy thôn làm điểm, dân làm gốc, thôn nông thôn mới làm mục tiêu, tất cả vì Tây Giang phát triển. Tây Giang kêu gọi mỗi người dân địa phương phát huy sức mạnh đoàn kết, “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh”, tập trung hiến kế xây dựng địa phương sớm phát triển toàn diện và bền vững” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Arất Blúi cho biết thêm.
Về Tây Giang hôm nay, vang vọng trong những tiếng khèn, điệu abel, alắt... là những làn điệu dân ca, những điệu múa tâng tung, da dá, những câu nói lý, hát lý truyền thống của đồng bào Cơ Tu bản địa. Con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại uốn lượn qua bản làng vùng biên với những sắc màu trong nắng mới. Nhịp gùi nghiêng trên sườn núi đắm mình trong trời mây đại ngàn...
ALĂNG NGƯỚC