Xây dựng Đảng

Viết tiếp những kỳ tích xứ Quảng - Bài 2: Dám nghĩ, dám làm, đột phá trong tư duy mở

NGUYÊN ĐOAN - VINH ANH 26/03/2025 08:41

Trong dấu ấn phát triển của quê hương Quảng Nam, từ công trình đại thủy nông Phú Ninh đến việc chọn Chu Lai làm khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước… đều thể hiện ý chí, khát vọng, tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để đi lên của các thế hệ cán bộ lãnh đạo và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.

z6413696714492_71ec5d38902dc18306c35278dd8373be.jpg
Dòng nước hồ Phú Ninh dẫn về các làng quê hôm nay. Ảnh: HỒ QUÂN

Cho làng quê trù phú...

Ngày 29/3/1977, đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ hai Ngày giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình thủy nông Phú Ninh.

Phục vụ xây dựng công trình thủy nông lớn nhất của miền Trung sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng này, hàng nghìn hộ dân với gần chục nghìn nhân khẩu trong vùng lòng hồ thuộc các xã Tam Sơn, Tam Lãnh, Tam Thái, Tam Dân đã tự nguyện hy sinh tài sản, ruộng vườn, sẵn sàng di chuyển đến vùng tái định cư mới.

Nhân dân các xã không phải di dời thì tự nguyện hiến đất ruộng vườn để xây dựng kênh mương. Với khẩu hiệu “tất cả để xây dựng công trình Phú Ninh”, phong trào xây dựng hệ thống kênh mương được phát động trong toàn tỉnh, thu hút hàng chục nghìn lao động thuộc các thành phần trong xã hội cùng tham gia.

Công trình thủy lợi hoàn thành qua hơn 9 năm thi công, chủ động được nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, đưa Quảng Nam - Đà Nẵng từ một tỉnh thiếu lương thực triền miên đã vươn lên tự trang trải phần lớn nhu cầu lương thực. Đời sống người dân dần được cải thiện.

Hòa trong dòng nước hồ Phú Ninh mát lành chạy theo các tuyến kênh chính dẫn về tưới cho hàng chục nghìn héc ta đất nông nghiệp, phục vụ nước sinh hoạt của hàng trăm nghìn hộ dân hôm nay là minh chứng cho ý chí, khát vọng vươn lên, không chịu khuất phục nghịch cảnh của Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng.

Từ một tỉnh nằm trong nhóm nghèo nhất nước, đến nay, Quảng Nam đã trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung, có đóng góp ngân sách cho Trung ương.

Quy mô nền kinh tế (giá hiện hành) đạt khoảng 129 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người khoảng 84 triệu đồng. Khu kinh tế mở Chu Lai tiếp tục là điểm sáng, duy trì vai trò đầu tàu trong tăng trưởng, nổi bật là THACO Chu Lai - Trường Hải với nhiều sản phẩm được xuất khẩu ra các nước trên thế giới, hướng đến hình thành trung tâm cơ khí ô tô quốc gia.

Ông Trịnh Văn Trận - Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Phú Ninh quả quyết rằng, nếu không có công trình đại thủy nông Phú Ninh, sẽ không có những làng quê trù phú, ruộng đồng bị bỏ hoang vắng vì không chủ động được nguồn nước tưới.

Có nước, mạch nguồn sự sống nảy nở, người dân không phải dắt díu nhau tha hương mưu sinh, những toan tính làm giàu trên đồng đất quê hương tiếp nối thành hình.

Là quê hương của công trình đại thủy nông Phú Ninh, ngay sau thành lập huyện (5/1/2005), Phú Ninh mạnh dạn chọn hướng phát triển bằng con đường xây dựng nông thôn mới, trước khi Trung ương có quyết định.

Bí thư Huyện ủy Phú Ninh - Vũ Văn Thẩm cho biết, ngày 14/12/2007, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 4212 phê duyệt dự án quy hoạch xây dựng mô hình nông thôn mới huyện Phú Ninh giai đoạn 2007 - 2020.

Với chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân nên việc triển khai thực hiện khá thuận lợi, các khó khăn từng bước được khắc phục, diện mạo huyện dần thay đổi. Đến năm 2015, Phú Ninh đạt chuẩn nông thôn mới và đang phấn đấu về đích huyện nông thôn mới nâng cao vào cuối năm nay.

“Quyết sách của huyện và tỉnh ban hành đúng vào thời điểm cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương số 26 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thuận lợi hơn, năm 2009, xã Tam Phước của Phú Ninh là một trong 11 xã được Ban Bí thư Trung ương Đảng chọn xây dựng thí điểm mô hình xã nông thôn mới. Tiếp đến năm 2010, Ban Chỉ đạo Trung ương quyết định chọn Phú Ninh là một trong 5 huyện chỉ đạo điểm xây dựng huyện nông thôn mới của cả nước” - ông Thẩm chia sẻ.

Dám nghĩ, dám làm

Qua 6 nhiệm kỳ đại hội kể từ ngày chia tách đơn vị hành chính, sự thay đổi của quê hương Quảng Nam ngày càng khởi sắc, mang dấu ấn riêng.

z6413700288376_7ed45bd976dfdefe6c37450f0c6181fe.jpg
Một góc Khu kinh tế mở Chu Lai hiện nay. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

Ở nhiệm kỳ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh (1997 - 2000), lần đầu tiên Việt Nam có hai di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận cùng lúc đều thuộc Quảng Nam, đó là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn.

Đây được xem là điểm khởi đầu để lại dấu ấn hết sức quan trọng giúp Đảng bộ tỉnh xác định và tập trung triển khai thành công định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, dần trở thành một trong những trung tâm phát triển của cả nước, khu vực.

Đến nhiệm kỳ thứ hai (2000 - 2005), từ sự thành công của chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, với phương thức dân làm Nhà nước hỗ trợ đã trở thành phong trào mạnh mẽ rộng khắp trong toàn tỉnh; làm thay đổi tích cực diện mạo nông thôn Quảng Nam.

Dấu ấn đặc biệt đối với Đảng bộ tỉnh là năm 2003, Quảng Nam được Bộ Chính trị và Chính phủ quyết định thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai - khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước nhằm triển khai thí điểm những cơ chế, chính sách vượt trội, thu hút đầu tư trong và ngoài nước; bổ sung những kinh nghiệm khi đất nước mở cửa, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Đội ngũ cán bộ Quảng Nam thời mới tái lập đã phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm. Dám nghĩ dám làm là phải đặt mục đích phục vụ cách mạng, phục vụ Đảng, nhân dân. Cái gì có lợi cho cách mạng, lợi cho dân thì làm. Với nguyên tắc và suy nghĩ đó, nhiều quyết sách dù chưa có quy định nhưng anh em tập thể cấp ủy vẫn thống nhất làm. Bởi xét thấy làm vì cái chung, không vì lợi ích cá nhân. Nhờ đó, đã mạnh dạn mở ra những định hướng phát triển mới cho tỉnh.

Ông Nguyễn Hạnh Kiểm - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Điểm lại vài dấu ấn nêu trên, nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, Quảng Nam đã có những quyết sách phát triển... rất Quảng Nam! Đó là sự kết tinh của tinh thần vượt khó đi lên, dám sẵn sàng đương đầu thử thách, khó khăn, tìm mọi cách vượt lên để xây dựng Quảng Nam thành tỉnh phát triển như bây giờ.

Ông Quang kể, lúc chia tách, tỉnh thuộc vào nhóm nghèo khó nhất nước, hầu như chưa có gì. Khi Đảng bộ tỉnh đặt vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ tỉnh thuần nông sang cơ cấu kinh tế công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, có thể nhiều ý kiến cho rằng Quảng Nam rất ảo tưởng. Nhưng, Quảng Nam quyết chí lựa chọn, đưa tỉnh nghèo, thuần nông, cuộc sống người dân khó khăn bao năm trở thành tỉnh công nghiệp. Đó là tinh thần “dám nghĩ”.

Còn “dám làm”, theo ông Quang, ấn tượng nhất đó là việc thảo luận và suy nghĩ tìm cơ chế, mô hình phát triển của tỉnh. Quảng Nam mạnh dạn đặt vấn đề xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, gắn với tư duy lúc đó là phải “mở”, “mở” để thu hút, mời gọi đầu tư.

Ở thời điểm đó, khi bảo vệ với Trung ương, trong rất nhiều đề án cùng trình lên Chính phủ, Quảng Nam đã bảo vệ thành công đề án bằng sự thuyết phục, quyết chí, khát vọng phát triển, không cam chịu là tỉnh nghèo khó, lạc hậu.

Khi có được Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh đã tập trung xây dựng các đề án, chương trình để triển khai; trong đó đặc biệt là công tác xúc tiến đầu tư, đi tìm các dự án lớn, động lực và cơ chế chính sách vượt trội (nghĩa là thủ tục hành chính rút gọn nhất). Tức là khi đó, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai được Thủ tướng ủy quyền làm tất cả những gì mà thẩm quyền tỉnh, các bộ ngành không có.

“Câu chuyện Khu kinh tế mở Chu Lai có bài học thành công, có cái chưa thành công. Nhưng có thể nói, đó là điển hình để Đảng, Chính phủ tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm; để ở những năm tiếp theo, hàng chục khu kinh tế ven biển khác trong cả nước lần lượt ra đời, phát triển, góp phần quan trọng tăng nhanh năng lực các ngành công nghiệp, dịch vụ của đất nước với tầm vóc mới” - ông Quang bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Viết tiếp những kỳ tích xứ Quảng - Bài 2: Dám nghĩ, dám làm, đột phá trong tư duy mở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO