Viết tiếp trang sử mở của đất Quảng

VŨ NGỌC HOÀNG 08/03/2019 09:52

Năm 1997, sau khi chia tách tỉnh, để thoát nghèo và phát triển làm giàu, Quảng Nam quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế. Với ý đồ chiến lược là chuyển Quảng Nam thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp sạch, du lịch và dịch vụ. Cùng với chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cần xây dựng một đặc khu kinh tế ở phía đông của tỉnh; coi đó là giải pháp đột phá. Và Khu kinh tế mở (KKTM) Chu Lai ra đời.

Đóng góp quan trọng

Theo ý tưởng ban đầu, tại khu vực Chu Lai sẽ phát triển một trung tâm kinh tế công nghiệp và du lịch, dịch vụ lớn nhất của Quảng Nam, đủ sức thúc đẩy mạnh mẽ cả tỉnh chuyển đổi căn bản cơ cấu kinh tế, đồng thời tác động lan tỏa ra các vùng lân cận; xây dựng một sân bay trung chuyển quốc tế (sân bay Chu Lai) và một thương cảng hàng hải quốc tế (vịnh An Hòa), có một khu thương mại tự do cách không xa và nối liền với cảng biển và sân bay. Đối với cơ chế chính sách, sẽ thực hiện theo 2 nguyên tắc: vượt trội về khuyến khích đầu tư, với mức độ ưu đãi nhất Việt Nam; và được cấp lại 100% nguồn thu trên địa bàn Chu Lai để xây dựng hạ tầng. Cơ chế chính sách ấy được áp dụng trong 20 năm, sau đó sẽ hòa chung như cả nước. Các đề xuất đó đã được Bộ Chính trị và Chính phủ ủng hộ, cho phép thực hiện ở Chu Lai là KKTM đầu tiên.

Tư tưởng chỉ đạo chung để xây dựng khu kinh tế là “mở”: Tư duy mở, văn hóa mở, cơ chế chính sách mở, thủ tục hành chánh mở, mở để phát huy nội lực, mở để thu hút các nguồn lực chất xám, công nghệ và tài chính vào đầu tư phát triển, mở sân bay quốc tế, mở cảng biển quốc tế, mở khu thương mại tự do.

Đến nay, sau hơn 15 năm thực hiện kể từ ngày chính thức được thành lập theo quyết định của Chính phủ, KKTM Chu Lai, dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Quảng Nam đã vượt qua và đạt được một số thành tích đáng kể. Khá nhất là công nghiệp. Đã có mấy chục nhà máy hình thành và hoạt động hiệu quả. Mới đây du lịch dịch vụ cũng đang bắt đầu. Gần 3 vạn lao động có việc làm ổn định, trong đó xuất hiện một bộ phận có tay nghề cao, bước đầu hình thành và hoạt động của một cảng biển và một sân bay dù còn nhỏ bé nhưng đây là việc sẽ có ý nghĩa quan trọng về sau. Đã góp phần quyết định việc phát triển nguồn thu ngân sách của Quảng Nam tăng hơn hàng trăm lần so với 20 năm trước, từ một tỉnh nghèo nhất nhì cả nước về thu ngân sách phải nhờ sự trợ cấp hầu hết từ Trung ương đã trở thành một tỉnh tự cân đối được ngân sách và có đóng góp cho ngân sách Trung ương, tạo ra năng lực mới của nền sản xuất, một bước chuyển biến đáng kể của kinh tế trên địa bàn. 

Góc nhìn khác

Tuy nhiên, với cách tiếp cận khác, có thể nói, KKTM Chu Lai chưa thành công so với những ý định ban đầu. Lợi thế lớn nhất của khu vực này là tiềm năng phát triển du lịch, nhưng đến nay mới bắt đầu được vài dự án lớn. Công nghiệp tuy phát triển khá mạnh nhưng chủ yếu cũng mới có vài tập đoàn xuất hiện. Cảng biển thương mại quốc tế chưa có dự án. Sân bay trung chuyển quốc tế vẫn còn xa vời. Khu thương mại tự do chưa có kế hoạch triển khai…

Lý do nào làm trở ngại việc thực hiện theo kế hoạch ban đầu? Nguyên nhân chính thuộc về chủ quan. Đó là sự thiếu quyết tâm chiến lược và không nhất quán về nhận thức, chỉ đạo. Ngay từ đầu, mặc dù đã nhất trí về chủ trương, nhưng sự chỉ đạo từ trên lúc đó không quyết liệt. Về cơ chế, cấp trung ương đã phê duyệt cho phép thực hiện trong 20 năm theo 2 nguyên tắc là sự vượt trội về chính sách và được cấp lại nguồn thu trên địa bàn để xây dựng hạ tầng. Nhưng sau đó, các cơ chế ấy chỉ được thực hiện hơn một năm, thay vì 20 năm như chủ trương lúc đầu. Một năm sau, Chính phủ đã cho thành lập thêm 10 khu nữa với cơ chế ưu đãi hơn Chu Lai. Vậy là nguyên tắc vượt trội đã không còn. Cơ chế cấp lại 100% nguồn thu ngân sách trên địa bàn để xây dựng hạ tầng KKTM không còn hiệu lực sau hơn 1 năm thực hiện. Như vậy, nguyên tắc thứ 2 cũng bị bãi bỏ.

Khu kinh tế mở Chu Lai. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Khu kinh tế mở Chu Lai. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Việc phát triển sân bay quốc tế trung chuyển, khi xúc tiến đầu tư thì không giải quyết được sự khác nhau giữa hai ý kiến của nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Một bên muốn Chu Lai là sân bay dân dụng 100%, khi nào có tình trạng chiến tranh thì giao cho quân đội sử dụng, hết chiến tranh thì trả về cho dân sự; còn một bên thì yêu cầu phải là sân bay lưỡng dụng, dùng chung giữa quân sự và dân dụng. Địa phương rất muốn triển khai được dự án sân bay nhưng không đủ thẩm quyền. Thế là cuộc thương thuyết để triển khai dự án phải dừng lại từ đó đến nay. Cảng quốc tế và khu thương mại tự do theo đó cũng tạm dừng. Về khung pháp lý, các cơ chế mới không thể ra đời vì bị các luật liên quan khống chế.

Chu Lai cần gì?

KKTM Chu Lai cần gì cho những năm tiếp theo? Việc phát triển công nghiệp và du lịch là 2 lĩnh vực chủ yếu của KKTM, sẽ vẫn tiếp tục là nội dung cần thiết và lâu dài. Tất nhiên đó là công nghiệp sạch và được bố trí quy hoạch không gian theo nguyên tắc không ảnh hưởng đến du lịch. Hết sức khuyến khích công nghiệp công nghệ cao, nhất là các nhóm sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và có giá trị gia tăng cao. Khi thành lập KKTM đã có dự tính sẽ xây dựng khu công nghệ cao, nay cần triển khai nội dung này. Trong cơ cấu du lịch thì ưu tiên hơn cho du lịch chất lượng cao và trước nhất đối với đầu tư trong nước.

Sân bay Chu Lai có lợi thế lớn về địa kinh tế, về không lưu và mặt bằng, lại nằm gần các đường bay quốc tế; vịnh An Hòa có lợi thế về kín gió, có thể tạo độ sâu cần thiết mà không bị bồi tích, bể quay tàu và neo đậu rộng rãi, lại nằm trên hành lang của đường hàng hải quốc tế. Cần kiên trì theo đuổi việc phát triển sân bay trung chuyển quốc tế và cảng hàng hải quốc tế.

Cần bảo vệ môi trường, nhất là chất thải và rác thải. Hiện tại ở Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng đang xử lý rác thải bằng hai cách chủ yếu là chôn và đốt. Chôn rác kiểu của ta thì chắc chắn các chất độc hại thải ra từ rác sẽ thấm xuống mạch nước ngầm rồi lan ra cho cộng đồng sử dụng hằng ngày. Cần phải sử dụng công nghệ hiện đại trong xử lý rác thải. Đây là việc rất lớn, chứ không phải là chuyện “rác” (nhỏ), vừa xử lý môi trường, vừa tạo ra một ngành công nghiệp “sinh thái” có thể mang lại hiệu quả rất cao.

Cần chú ý bảo vệ mạch nước ngầm ở vùng ven biển vì nó liên quan trực tiếp và trước tiên đến môi trường sống. Từ vấn đề này dẫn đến việc phải tiết kiệm tối đa nguồn nước ngọt ở hồ Phú Ninh và các hồ đập khác, các dòng sông. Theo đó liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm lúa nước, tăng cây trồng cạn và thay đổi cách tưới tiết kiệm nước, đưa công nghệ cao vào nông nghiệp, cũng như việc bảo vệ và tăng vốn rừng ở khu vực phía tây.

Chất lượng đời sống dân cư là một vấn đề lớn tại KKTM. Trước đây việc này chưa được đặt ra một cách đầy đủ, nay cần nghiên cứu giải quyết thấu đáo cho trước mắt và lâu dài. Phát triển các cơ sở giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và chăm sóc sức khỏe không chỉ là nội dung cần thiết mà còn là lĩnh vực dịch vụ đẳng cấp và sang trọng cần được ưu tiên phát triển; vừa là để chuẩn bị con người cho chính mình, vừa là dịch vụ cho các nơi khác trong và ngoài nước.

Cơ chế để thực hiện KKTM cho đến nay đã giảm dần tác dụng. Thủ tục hành chính sau một số quy định mới từ các cấp ngành đã làm cho sự gọn nhẹ và nhanh chóng như lúc đầu không còn nữa, mà ngược lại đã trở nên rườm rà, trở ngại cho môi trường đầu tư. Sự chồng chéo về công việc giữa Ban Quản lý KKTM và chính quyền địa phương, nhiều đầu mối, nhiều tầng nấc, các cơ quan đùn đẩy hoặc trở ngại lẫn nhau là một thực tế đáng quan tâm giải quyết, nếu không thì KKTM sẽ không còn động lực.

Trong giai đoạn đến, công việc của KKTM dù đã có đà do bước đi ban đầu tạo nên nhưng khó khăn vẫn còn rất lớn, vì cần phải có nhiều chất xám cho phát triển theo chiều sâu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Viết tiếp trang sử mở của đất Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO