50 năm nhớ lại chuyện xưa

TIÊU ĐÌNH 05/06/2022 07:58

Trong thời gian này, huyện Quế Sơn tích cực chuẩn bị kỷ niệm 50 năm chiến thắng Cấm Dơi, giải phóng quận Quế Sơn (19.8.1972 - 19.8.2022). Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, nhưng nỗi khiếp hãi vẫn còn đó. Ôn chuyện cũ cũng là cách để thêm trân quý nền hòa bình hôm nay.   

Tượng đài chiến thắng Quế Sơn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Tượng đài chiến thắng Quế Sơn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Ký ức chạy loạn

Sau khi ta làm chủ các tiền đồn quan trọng dọc theo triền núi phía đông của dãy Hòn Tàu như Hòn Chiêng, Bàng Thùng…, chiến dịch tấn công khu căn cứ Cấm Dơi - ổ khóa phòng ngự then chốt nằm giữa thung lũng Quế Sơn rộng lớn - bắt đầu.

Từ mờ sáng ngày 17.8.1972, đạn pháo tới tấp bắn vào khu căn cứ Cấm Dơi. Tiếp theo là súng lớn súng nhỏ nổ như rang bắp ở xung quanh. Giữa bom đạn bắn nhau, người dân, nhất là dân ở các khu dồn, bắt đầu tháo chạy như ong vỡ tổ.

Người ngược vào núi, người xuôi về hướng quốc lộ 1. Về đâu, hướng nào cũng đều là đội bom đạn mà chạy. Mỗi lúc dòng người đi tìm sự sống càng đông hơn. Tay xách, vai mang, thần sắc bơ phờ, họ sẵn sàng bỏ lại phía sau tài sản một đời chắt chiu tích lũy, miễn sao được an toàn.

Ngày 18.8, chiến trận càng trở nên ác liệt hơn. Những đợt phản công bằng pháo binh, bộ binh và máy bay phủ khói lửa khắp “thung lũng tử thần’’. Tối 18 rạng ngày 19 thì quận lỵ Quế Sơn bị đạn pháo bốc cháy ngùn ngụt. Cán bộ và lính ở đây túa ra, bỏ chạy theo hai hướng chính là Hương An và Thăng Bình.

Tôi xuôi đường 105 (611 bây giờ) xuống Hương An bằng chiếc xe đạp cọc cạch chở theo cái túi xách cũ của cậu sinh viên 20 tuổi. Trên đầu là máy bay, dưới đất là súng đạn và khói lửa. Tiếng gọi nhau, la ré hay khóc thét lên từ đâu đó chìm nhanh vào hoảng loạn.

Khoảng hơn 2km từ ngã ba Chợ Nón đến cầu Chợ Đụn lúc đó là “hương lộ tử thần’’ mà tôi đã trải qua và trở thành nhân chứng may mắn còn sống để chiêm nghiệm. Từ chân núi Đá Tịnh dọc theo các sườn đồi đổ xuống gò Đồng Mặt thuộc xã Quế Thuận bây giờ là dòng người chạy bộ muốn tựa vào núi rừng để nương thân.

Súng nổ càng gần và rát hơn, dòng người bị cắt ra thành nhiều mảng vỡ khác nhau. Dồn lại, tản ra, nằm xuống… Số rượt được qua khỏi làn đạn, số rúc trú trong các hang đá, số chạy ngược trở lại phía sau.

Và số bị thương, số chết. Số bị thương không ai cứu, dù đã có nhiều bàn chân giẫm qua. Số chết nằm lại có thể là minh chứng cho lời một bài hát của Trịnh Công Sơn “người chết hai lần thịt da nát tan”. Lần bị đạn vừa nằm xuống có thể còn nhìn thấy lãng đãng  mây trắng trên cao, lần sau bị bom cày xác lại là lúc mây trắng nhìn xuống, đau lòng nhỏ lệ…

Lằn ranh sống - chết

Tôi trong dòng người di tản bằng xe đạp, xe máy nên nhập với trâu bò, trẻ con cứ đường chính cong người mà đạp. Lúc đầu còn hơi yên tâm nhưng khi đến đoạn gò Đồng Mặt thì gặp lúc đạn đại liên, trung liên từ trên Hòn Đụn, Hòn Giang… đồng loạt xả xuống veo véo.

Trên đầu, một chiếc máy bay L19 bốc cháy và rơi xuống chỉ cách chiếc xe đạp xẹp lốp của tôi chừng 100m. Nhiều máy bay khác đủ loại đang chao lượn, gầm réo. Có tiếng bom nổ nghe rất gần, rồi khói lửa phủ kín một xóm nghèo bên kia sông Chợ Đụn. Mọi người chỉ còn biết bằng mọi cách phải thoát nhanh ra khỏi vùng nguy hiểm.

Qua khỏi cầu Chợ Đụn là coi như chúng tôi vừa thoát khỏi tầm quơ của lưỡi hái tử thần. Có thể tạm thời hít thở cho nhẹ bớt hoảng sợ, nhưng không biết rồi thần chết sẽ còn ập đến từ những nơi nào nữa.

Đường 105 lúc ấy vẫn chật ních người xe. Xe chở lính tiếp viện từ căn cứ Núi Quế lên, dân từ Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ về tìm người thân, những bàn chân chạy bộ tươm máu nằm ngồi la liệt. Đau xót nhất là những ánh mắt đỏ bầm vì cha con, vợ chồng, anh em… lạc mất nhau.

Tôi tấp chiếc xe đạp như một thứ của nợ vào lề đường, ngồi vén ống quần xem chỗ đau rát ở bắp chân. Giật mình, hóa ra đây là một vết đạn vừa cọ xát vào da chân. Sự sống và cái chết đúng là chỉ cách nhau một sợi tóc thôi. Càng nghĩ, tôi càng đau lòng khi thẫn thờ nhìn về phía cha mẹ và những người thân đang còn kẹt lại với bom đạn...

Chiều 19.8 coi như chiến dịch giải phóng khu căn cứ Cấm Dơi và quận lỵ Quế Sơn đã hoàn thành. Tuy nhiên, một vài ngày sau đó các cuộc di tản vẫn tiếp diễn. Bom, đạn pháo nổ đì đùng suốt ngày đêm trên bầu trời nặng mùi tử khí của “thung lũng tử thần”.

Những người di tản sau vừa khóc vừa kể, “ôi chao, nhà của con trai tui cháy rồi, may mà cả nhà ra được ngoài hầm chìm trong vườn. Thằng Hạnh con ông Bốn không biết lạc mất ở mô, sống chết ra sao, cả nhà khóc tìm miết vẫn không thấy. Trên gò Đồng Mặt xác chết vẫn còn nhiều lắm…”.

Hai ngày sau đó, cha tôi dắt theo con bò Nu đi bộ 15km xuống Hương An để tránh bom đạn. Dáng cha bờ phờ, hốc hác, những bước đi rệu rã như không còn trụ vững thêm được nữa. Tôi cầm tay cha, nhìn con bò Nu cưng như cưng trứng mà không sao cầm được nước mắt.

“Nhà mình không sao, mẹ vẫn còn ở lại để giữ đồ đạc và lo heo gà…”, tôi không hỏi, cha vẫn muốn ve vuốt nỗi lo. Lúc này số người tản cư sống tạm tại Hương An tăng lên quá đông, mặc dầu đã phân tán bớt ra khu định cư Cẩm Hà.

Ăn có thể ăn tạm, sống có thể sống tạm, con trâu, con bò có thể cột tạm đâu đó dưới bóng cây. Nhưng rơm, cỏ cho trâu bò ăn thì chịu. Cha tôi khóc ròng khi phải bán con Nu với giá quá rẻ cho lái buôn.

Cha cầm mấy đồng tiền bán bò đưa cho tôi và nói: “Con cầm theo ra ngoài phố xem có mua được chi đó thì mua. Cha về lại trên đó biết sống chết khi nào mà giữ tiền”. Nhà tôi chấm dứt nuôi bò từ đó. Còn tôi thì lại bắt đầu cảm xúc đau xót không thể nào diễn tả nổi. Cảm xúc ấy đã theo tôi suốt 50 năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
50 năm nhớ lại chuyện xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO