“Ba mũi giáp công” của đất và người Sơn Trung

TRUYỆN KÝ CỦA PHẠM THÔNG 26/02/2020 09:14

(Tiếp theo kỳ trước)Thời khắc sôi động nhất, gấp gáp, cam go và khí thế nhất là những ngày tranh đấu cắm cờ giành đất, giữ đất giữa ta và địch ngay sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực. Nhận chủ trương của Huyện ủy, Đảng ủy Sơn Trung tập trung huy động lực lượng quân dân chính tại xã nhà, chia làm bốn tổ: Hai tổ cắm cờ; một tổ sẵn sàng đánh địch khi chúng phản bội tấn công; một tổ làm công tác tuyên truyền binh địch vận. Phân công là vậy, nhưng các tổ đều có thể kết hợp làm tất cả các khâu công tác khi cần thiết.

Du kích đào công sự ở các vùng xung quanh Hòn Giang, sẵn sàng đánh địch dùng vũ lực lấn chiếm; du kích triển khai cối, đại liên lên Động Cỏ, một ngọn núi khá cao tại Nghi Trung. Nơi đây, trước Mỹ đóng quân nay đã rút bỏ, công sự vẫn còn nguyên, ta lợi dụng thế lính Mỹ đã tạo sẵn bố trí người trụ tại đó để đối địch với ngụy đóng ở Hòn Giang. Lính ở Hòn Giang cũng thèm cái Động Cỏ ni lắm nhưng không dám mò tới, xuống đồn đi được một đoạn bị ngay sự kháng cự của du kích Sơn Trung, thế là lui. Cũng tại điểm cao này Đội tuyên truyền binh vận tỉnh Quảng Nam phân công lính trẻ Đinh Hữu Vinh dùng loa máy ngâm thơ, đọc tài liệu tuyên truyền kêu gọi binh sĩ ở Hòn Giang, lúc vắng mặt thì dùng máy gài băng ghi âm phát liên tục.

Việc tổ chức mua vải, may cờ, làm cán cờ, đào hố chôn cột cờ, cắm cờ được chỉ đạo chuẩn bị từ trước. Đúng giờ phát lệnh, trong đêm tối tất cả bí mật tiếp cận các mục tiêu định trước. Du kích lặng lẽ tiếp cận đồn Hòn Giang. Sáng ra bất ngờ đập vào mắt địch lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng bay phất phới sát hàng rào thép gai vây quanh đồn. Chân ướt chân ráo mới đến chiếm giữ Hòn Giang, địch chưa kịp phản ứng gì, sau mấy ngày im lặng chúng nổ súng bắn rách cờ, nã cối pháo gãy cột cờ của ta. Nhưng các đồng chí Bí thư Võ Quốc Dĩnh, Phó Bí thư kiêm Trưởng ban Binh địch vận Đinh Thị Thanh Doanh, Chủ tịch xã Phạm Đình Ba cùng với Trần Sâm Banh - Phó ban Binh địch vận huyện được phân công đứng điểm Sơn Trung, Võ Thiểu - Đội trưởng Đội Tuyên truyền binh địch vận tỉnh vẫn kiên trì chỉ đạo các lực lượng thực hiện nghiêm các điều khoản của hiệp định tại địa phương. Ta không gây hấn trước, chỉ triển khai những biện pháp tự vệ chính đáng, vừa đánh vừa đàm.

Đang hung hăng, địch tại Hòn Giang đột ngột có sự thay đổi thái độ. Theo tin mật báo từ cơ sở trong lòng địch chúng đã có sự thay đổi chỉ huy tại Hòn Giang. Trung úy Cao Xuân Thành đến thay thế đồn trưởng cũ. Thành bắt đầu đối thoại trở lại với phía cách mạng. Trong những ngày này không khí đối thoại, tranh luận giữa hai phía thật sôi động và quyết liệt. Các đồng chí nữ binh vận Sơn Trung cùng với Đội tuyên truyền của tỉnh hết gọi loa thương lượng lại hát vang lên những bài ca khơi dậy tình dân tộc, nghĩa đồng bào, trách nhiệm đối với gia đình quê hương để thuyết phục binh sĩ. Đồng chí Đinh Thị Thanh Doanh có giọng ngâm thơ quyến rũ lòng người. Nhiều lần bọn địch lắng nghe rồi lên tiếng hỏi: “Người ngâm thơ ấy tên là gì?”. Ta đáp lại: “Cô ấy tên là Mỹ Hoa”. Họ trầm trồ khen ngợi có pha chút trêu chọc “mỹ nhân”. Ờ mà giọng nói, giọng đọc, giọng ngâm của người Sơn Trung giống Nam Bộ, khác hẳn tiếng Quảng Nam, rõ ràng, êm tai các binh sĩ có quê gốc Đồng bằng sông Cửu Long.

Được đà, các ông Trần Sâm Banh, Võ Thiểu cùng Võ Quốc Dĩnh, Phạm Đình Ba, Đinh Thị Thanh Doanh họp quyết định tổ chức hẹn gặp Cao Xuân Thành tại một địa điểm nằm trên điểm võng giữa Hòn Giang và đồi Động Quả. Động Quả là một quả đồi thấp hơn nằm liền kề, án ngữ trước mặt Hòn Giang hướng về phía Đồng Lùng - Nghi Hạ, khoảng giữa hai đồi võng xuống và bằng phẳng. Đây là vùng nằm ngoài, thấp hơn và cách xa đồn vài trăm mét, thuận lợi cho cả hai bên có hậu bị quân chiến đấu nếu có một bên phản bội lời hứa. Đó là một địa điểm giao hòa giữa hai ý tưởng có bề chân thành.

Nhưng để gặp được Cao Xuân Thành đâu phải là chuyện dễ. Trước tiên cán bộ động viên, bố trí bà Đây, bà Thức mang bánh, mang thơm lên đồn cho bọn lính; lựa lời nói năng chiếm cảm tình binh lính... Bà Đây trúng pháo địch bắn mất một tay, vô cùng khó khăn nuôi ba con nhỏ, khi đi bà dặn lại cán bộ: “Tui đi như thế này rủi có việc chi thì xin gửi lại ba đứa con cho các chú các cô”. Ông Banh, bà Doanh, ông Thiểu, ông Dĩnh nhận lời của bà Đây trong rưng rưng nước mắt. Hai bà công phu lắm, kiên trì lắm, không kể chết sống lên xuống đồn hoài. Mấy hôm sau có thêm bà An, chị Tú trẻ người, cán bộ giả dân cùng đi. Sự bất quá tam, nhưng ở đây trong cái vụ hệ trọng này các chị các mẹ đi đến lần thứ năm thứ sáu, Trung úy Thành mới động lòng tin ở sự chân thành, đồng ý gặp mặt cán bộ cách mạng trực tiếp đối thoại. Tất cả lời nhắn gửi của hai bên đều thông qua các mẹ chị Sơn Trung, họ quả thật là những “sứ giả” chân đất và cũng mọc lên từ đất giữa thời binh loạn...

Đoàn ta 12 người, gồm cán bộ binh vận như ông Banh, ông Thiểu, bà Doanh cùng với các mẹ chị là dân trụ bám trung kiên, bước từ chân đồi lên dốc. Phía địch có Trung úy Cao Xuân Thành và một đoàn tháp tùng cũng tương đương quân số như đã thỏa thuận trước, hạ độ cao lần xuống điểm võng kia. Ở phía xa, tất nhiên có lực lượng sẵn sàng ứng phó một khi có sự lật lọng. Hai bên vừa giáp mặt, bà Đây liền lên tiếng: “Thưa cán bộ ông kia có súng”. Cao Xuân Thành cuối xuống nhìn bên hông có mang khẩu rulo. Hắn bước qua bên tháo xanh-tơ-rông, bỏ súng xuống một cục đá bên đường: “Xin lỗi tôi quên, tôi quên tác phong nhà binh, lính không hiểu ý, ngại không nhắc...”. Ông Banh, bà Doanh nghe những lời lịch sự đó bỏ bụng mừng: “Cuộc gặp hy vọng sẽ thành công”.

Hai bên chào hỏi xã giao rồi trao đổi thỏa thuận nhanh những giao ước. Cụ thể là địch ngừng bắn cối, pháo vào làng; không tấn công lấn chiếm; để nhân dân hai vùng do ta và địch kiểm soát đi lại, quan hệ mua bán hàng hóa thiết yếu; tự do ra đồng sản xuất... Ta cũng thực hiện một số điều khoản do địch yêu cầu như không pháo kích, bắn tỉa vào đồn; không chặn đường tiếp viện lương thực, thực phẩm đến Hòn Giang...

Từ đó không khí chiến tranh tại Sơn Trung tạm thời lắng xuống. Nhân đà, một số bà con trụ bám đánh bạo tụ tập tại xóm Váy, sát chân Hòn Giang để mua bán, trao đổi hàng hóa với nhân dân sống trong vùng địch chiếm đóng. Một cái chợ thời chiến mọc lên tại đây. Cái khoảnh khắc bình yên này thật vô cùng quý hiếm đối với người dân Sơn Trung đã phải liên tục đội bom đạn suốt cả chục năm trời. Họ cảm thấy sự sống như được hồi sinh.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Ba mũi giáp công” của đất và người Sơn Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO