Chu Cẩm Phong, cầm bút với tư thế xung phong

PHAN CHÍ ANH 20/06/2020 11:19

Chu Cẩm Phong là một trong số các nhà báo - nhà văn từng làm báo, chiến đấu và hy sinh trên chiến trường Quảng Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhắc đến anh, người ta nghĩ ngay đến tập “Nhật ký chiến tranh” đầy đặn, được xuất bản lần đầu vào năm 2000, sau gần 30 năm kể từ ngày anh hy sinh. Và hơn hết, nhắc đến anh, những người cùng thời đều khẳng định đó là một nhà báo - nhà văn - chiến sĩ quả cảm, xông xáo, dám hy sinh và cống hiến...

Nhà văn - nhà báo - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Chu Cẩm Phong. Ảnh tư liệu
Nhà văn - nhà báo - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Chu Cẩm Phong. Ảnh tư liệu

1. Sinh năm 1941 tại Hội An, đến năm 1954 Chu Cẩm Phong theo cha tập kết ra Bắc. Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông tại trường học sinh miền Nam, anh theo học Ngữ văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Năm 1964, Chu Cẩm Phong tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, được chọn cử đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Tuy nhiên, anh đã khước từ cơ hội đáng mơ ước ấy để tình nguyện trở về miền Nam chiến đấu...

Trong các cuộc hội thảo về Chu Cẩm Phong được tổ chức sau này, nhiều nhà nghiên cứu đã nhìn nhận: Chỉ riêng việc từ chối đi học nước ngoài để về Nam chiến đấu và cầm bút đã cho thấy ở Chu Cẩm Phong một phẩm chất cách mạng tuyệt vời.

Trở lại quê nhà, Chu Cẩm Phong làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại khu 5 một thời gian rồi chuyển sang Tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ. Dù làm báo chí thông tấn hay báo chí văn nghệ, anh vẫn giữ tinh thần xung kích của một nhà báo - chiến sĩ. Mỗi khi vãn việc cơ quan, anh lại xung phong đi thực tế tại những khu vực ác liệt nhất của chiến trường.

Anh không ở tuyến sau để nghe kể rồi viết mà xông thẳng vào nơi hiểm nguy nhất: “Ngày hôm qua căng thẳng đến mệt mỏi. Suýt chết hai lần, lại thêm nỗi đau đớn vì cái chết của các em. Buổi tối mình ngủ cách chỗ bọn Mỹ đóng dã chiến chừng 500 mét” (Nhật ký ngày 2.3.1969). Hễ nghe địa phương nào tình hình căng thẳng, ác liệt là anh muốn đến ngay. Nhật ký ngày 2.8.1969, anh viết: “...Tình hình ăn ở dưới đó gay go. Nhưng anh em vẫn rất dũng cảm. Mình muốn được về công tác dưới đó một lần nữa...”.

Nhà báo - nhà văn Chu Cẩm Phong tên thật là Trần Tiến, sinh ngày 12.8.1941 tại Hội An. Năm 1954, Trần Tiến theo cha ra Bắc tập kết. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1964, Trần Tiến xung phong vào Nam chiến đấu, làm phóng viên Thông Tấn xã Giải phóng khu 5, rồi làm phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý tại Tiểu ban Văn nghệ Khu ủy khu 5. Ngày 1.5.1971, trong một cuộc chiến đấu không cân sức với địch, Trần Tiến cùng 3 chiến sĩ khác đã anh dũng hy sinh tại thôn Vinh Cường, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên. Năm 2010, nhà báo - nhà văn Trần Tiến - Chu Cẩm Phong được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Là Bí thư Chi bộ, vừa chỉ đạo và trực tiếp chiến đấu và sản xuất, vừa là biên tập viên lại vừa phải làm công việc của phóng viên nên lịch làm việc hằng ngày của Chu Cẩm Phong dày đặc. Anh viết bài, biên tập không kể giờ giấc, ở bất cứ đâu - trong hầm trú ẩn, giữa giao thông hào, trong vòng vây của địch.

“Về đến hầm 2 giờ 30 sáng. 4 giờ tiếp tục chống càn. Ngày hôm sau có một lúc căng. Địch sang Phú Thọ đốt phá, xăm kiếm dữ, khói mù mịt cả bầu trời... Mình ra công sự nhưng vẫn ngồi trên nóc viết được” (Nhật ký ngày 27.4.1971). “Mình lấy cửa hầm làm phòng viết, bàn là một tấm ván, một đầu kê vào bậc lên xuống của cửa hầm, một đầu bắc lên một đoạn tre” (Nhật ký ngày 11.5.1968).

2. Là nhà văn - nhà báo chiến trường, Chu Cẩm Phong tranh thủ từng - phút - sống để đi thực tế trên các mặt trận và viết. “Viết cái ký chưa được, buổi sáng mình chuyển sang viết một bài báo gửi về báo Cờ Giải phóng miền và tờ Giải phóng của tỉnh (...). Buổi chiều đang ngồi làm việc thì bị oanh tạc” (Nhật ký ngày 21.5.1968). Anh có thói quen ghi chép gần như hằng ngày và rất chi tiết, về mọi việc mà anh chứng kiến. Có lúc, một ngày anh ghi chép tới hơn 10 trang giấy. Thậm chí nhiều hôm bị sốt rét hành hạ vật vã anh vẫn viết vào sổ tay, dù chỉ với một chữ: “Sốt!”. Với người cầm bút nói chung và người làm báo nói riêng, duy trì được việc ghi chép tư liệu như thế là một phương cách lao động rất hiệu quả.

Đặc biệt, ghi chép tư liệu rất nhiều, nhưng mỗi khi cầm bút, Chu Cẩm Phong không “trút hết ra để viết”. Anh luôn đắn đo, cân nhắc nên viết cái gì, viết như thế nào để có lợi nhất. Trong chuyến đi thực tế về đồng bằng giữa năm 1968, được sống giữa lòng quê mẹ Hội An trong tâm trạng “sôi nổi, tha thiết của một người lâu ngày về lại quê hương”, muốn viết lắm nhưng anh phải nén lòng mình lại, chỉ vì nơi đây “địa bàn nhỏ, những cái có thể viết hay thì lại dễ lộ”.

Ngay cả khi viết bài về hoạt động sản xuất anh cũng tính toán phải viết thế nào để có tính tư tưởng: “Lúc đầu định viết một bài báo về sản xuất công kích khoảng 1.500 chữ để gửi cho báo Cờ Giải phóng, viết thế nào hẳn không ra bài báo nữa, dễ đến 3.000 chữ (...). Chủ đề không còn nêu một gương sản xuất mà là suy nghĩ về cuộc sống, cuộc chiến đấu, về trách nhiệm của những người còn sống...” (Nhật ký ngày 8.6.1968).

3. Theo lời kể của những người từng sống, làm việc và chiến đấu cùng nhà báo - nhà văn Chu Cẩm Phong thì trong mọi hoàn cảnh, anh luôn làm việc không chỉ với tư cách của một người cầm bút mà còn với tư thế xung trận của một chiến sĩ quả cảm. Anh viết không chỉ bằng những kiến thức có được mà chủ yếu là bằng trải nghiệm, bằng hiện thực sống động và khắc nghiệt của chiến trường. Bởi vậy, từ bút ký đầu tay “Chuyện làng trụi” đến “Rét tháng Giêng”, “Gió lộng từ Cửa Đại”, “Mặt biển - mặt trận” và cuối cùng là “Nhật ký chiến tranh”, tác phẩm nào của anh cũng tươi ròng, chân thật, sinh động và nóng hổi...

Không chỉ vậy, mỗi bài báo, bút ký của anh còn thể hiện được tinh thần cách mạng say sưa, quên mình như anh hằng tâm niệm: “...dầu thế nào mình cũng không xê dịch cái phương châm sống của mình. Dũng cảm say sưa quên mình như những chiến sĩ cộng sản chân chính đi trước. Dẫu ngã xuống một giờ, nửa giờ trước khi ta giành thắng lợi hoàn toàn cũng HẠNH PHÚC lắm thay!” (Nhật ký ngày 8.1.1970). Chữ HẠNH PHÚC được anh viết hoa, chắc hẳn không phải là ngẫu nhiên!...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chu Cẩm Phong, cầm bút với tư thế xung phong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO