Chuyện những người lính tình nguyện Việt Nam - Bài cuối: "Phía ấy bạn tôi"...

QUẾ HÀ 06/01/2023 07:40

Sự trui rèn của chiến tranh, máu xương đồng đội luôn nhắc nhở các cựu chiến binh giữ vững phẩm chất của người lính. Họ luôn nhớ về nhau, giữa hai miền ký ức...

Trong không gian ngôi nhà ký ức của Trà Văn Châu. Ảnh: Q.H
Trong không gian ngôi nhà ký ức của Trà Văn Châu. Ảnh: Q.H

Với cựu chiến binh Trà Văn Châu (quê Đà Nẵng), bao hy sinh và mất mát của đồng đội thường hằn trong trí nhớ. Có nhớ sẽ có quên. Tại sao không lưu giữ ký ức và gợi nhớ ký ức từ những kỷ vật chiến trường? Từ câu hỏi cũng là tâm niệm này, cựu chiến binh Trà Văn Châu quyết tâm sưu tầm, tìm kiếm kỷ vật thời chiến, những hình ảnh, câu chuyện về đồng đội, cùng đồng đội.

Từ những cuộc gặp kỷ niệm ngày thành lập Trung đoàn Ba Gia, ngày Quân đội nhân dân Việt Nam, anh gặp đồng đội và bày tỏ tâm tư. Ý nguyện của anh lập tức được tán thành và đồng đội sẵn sàng trao tặng những kỷ vật còn giữ.

Đến nay hơn 300 kỷ vật được lưu giữ trong ngôi nhà nhỏ của cựu chiến binh Trà Văn Châu ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng - nơi đồng đội gọi là “Bảo tàng kỷ vật”. Ở bảo tàng này, mỗi kỷ vật mang tên bạn bè, tình đồng đội và câu chuyện “vào sinh, ra tử”, ghi rõ tên người tặng.

Những vị khách đặc biệt thường xuyên ghé đến “Bảo tàng kỷ vật” là cựu chiến binh Trung đoàn Ba Gia, bởi chính mỗi họ cũng là kỷ vật, là nhân chứng sống. Ở đây lưu giữ đầy đủ các loại quân trang, đồ dùng, kỷ vật của người lính, từ bát ăn cơm, ba lô, băng gạc y tế, máy đánh chữ, sổ liên lạc, đến những lá thư tay, bài thơ, bài văn đồng đội được sáng tác, chân dung Bác Hồ do các họa sĩ chiến trường vẽ, rồi thơ, nhạc về những chặng đường hành quân, có cả những mảnh bom, viên đạn...

Về tấm ảnh trắng đen chụp ở một nghĩa trang được lưu giữ nơi đây, anh Trà Văn Châu chia sẻ, bối cảnh trong ảnh là nghĩa trang Xà Em của tỉnh Prết-vi-hia, Campuchia. Người nằm dưới mộ là Từ Ngọc Hòa của Tiểu đoàn 3. Người quỳ bên mộ là em ruột Từ Ngọc Hòa - Từ Ngọc Hải, ở Tiểu đoàn 1.

Sau trận đánh biết anh trai hy sinh, người em ra nghĩa trang quỳ vái anh trong cảnh âm dương cách biệt. Cảnh bi thương này được nhà văn Nguyễn Chí Trung - phóng viên chiến trường tình cờ ghi lại bằng chiếc máy ảnh ông mang theo.

Tấm ảnh được rửa bằng phương pháp thủ công ngay tại Xà Em. Trung đội trưởng Nguyễn Lam Phương, quê Khánh Hòa, giữ tấm ảnh này hơn 30 năm, sau thông qua Ban liên lạc tặng lại cho anh Trà Văn Châu trưng bày ở “Bảo tàng kỷ vật”.

Còn có nhiều câu chuyện cảm động được lưu giữ nơi đây như cậu bé bán trà đá Nguyễn Hữu Dũng trốn trong thùng xe chở quân, sau này trở thành chiến sĩ và đã hy sinh thân mình vì đất nước. Hay chuyện bộ đội Việt Nam “nhặt” cậu bé người Campuchia trên đường hành quân, mặc dù phải mang vác nặng nhưng vẫn thay nhau chăm sóc chu đáo, bảo vệ đứa trẻ an toàn đến khi bàn giao cho phía bạn...

Ký họa của Nguyễn Hải Triều. Ảnh: Q.H
Ký họa của Nguyễn Hải Triều. Ảnh: Q.H

Trong những kỷ vật, có nhiều bức ký họa của Nguyễn Hải Triều (quê Đại Lộc), kịp ghi lại những người lính ôm súng xông lên rồi ngã xuống dưới chân Cao điểm 547. Những chiếc xe tăng T54, M113 cùng các chiến sĩ Ba Gia mờ mịt trong khói lửa chiến trường, những đường đạn pháo phòng không 37 li găm vào vách núi nơi có những ổ hỏa lực cối và DKZ của sư đoàn Pol Pot đang điên cuồng nhả đạn về phía các lực lượng ta.

Các chiến sĩ vận tải chuyển thương tải đạn ngược xuôi. Cảnh đoàn quân với chiếc mũ tai bèo hành quân dưới cái nắng chói chang của rừng khộp mùa khô đang cháy nham nhở đi về hướng rặng Đăng Rếch mờ xa, ruột tượng gạo quàng ngang vai cùng súng đạn, chiếc can vàng, bi đông 5 lít lặc lè sau lưng. Hình ảnh người lính dùng chiếc ca nhôm gạn từng giọt nước dưới suối cạn đầy lá mục...

Ở “Bảo tàng kỷ vật” có những bài thơ được viết bởi lính chiến trường K đầy ám ảnh với địa danh 547, Xa Em, Z1, 555, đồi Không Tên…. Trong bài thơ “Phía ấy bạn tôi” của Nguyễn Hải Triều có những câu: “Ngày bạn tôi không về/ Trái mìn KP2 băm nát đôi chân/ Máu cầu vồng đỉnh chốt/ Cỏ rừng biên lá úa quàng thân/ Bè bạn nương đêm vượt vòng vây/ Vượt cơn khát cháy khô về lại cứ trung đoàn”.

Còn trong bài “Nhớ đồng đội” của Trà Văn Châu viết về liệt sĩ Nguyễn Tuân (quê Điện Dương, Điện Bàn) - người con trai duy nhất của gia đình - có những câu khiến ai đọc cũng rưng rưng: “Tụi mình gặp nhau chung sống giữa rừng/ Ngụm nước nhịn nhường chiều nắng hành quân/ Nắm rau rừng mình dìu nhau qua cơn sốt/ Bạn ngã xuống đêm cận chốt/ Lời cuối cùng: Nhớ đến nhà tau…”.

Sự trui rèn của chiến tranh, máu xương đồng đội luôn nhắc nhở các anh giữ vững phẩm chất của người lính, họ đã sống rất đẹp giữa đời thường. Xạ thủ B40 Phan Hoàng Minh - người bắn cháy chiếc xe Hoàng Hà của Sư 801 Pol Pot trong trận Ngã Ba Biên 1985, trở về đời thường gia đình sống chật vật, bệnh tật nhưng vẫn giữ cho mình lối sống thanh tao. Thủ trưởng Đinh Ngọc Xước cuộc đời ông đi mòn cả dãy Trường Sơn, đánh đông, dẹp bắc, thương lính như con, gom góp những đồng tiền hưu ít ỏi để động viên người lính vượt qua nghịch cảnh…

Mẹ Ba Điệu ở xã Hà Ra huyện Mang Yang (Gia Lai) - mẹ nuôi của Nguyễn Hải Triều nhắn gửi với Trà Văn Châu: “Khi nào con có về Đại Lộc thì thắp giùm mẹ nén hương cho thằng Triều!”. Bốn mươi năm người mẹ nuôi vẫn nhớ về người lính quê Đại Lộc, nhớ về một thời “quân với dân như cá với nước”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện những người lính tình nguyện Việt Nam - Bài cuối: "Phía ấy bạn tôi"...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO