Ký ức Xuân 68

THÀNH CÔNG 22/01/2023 08:15

(Xuân Quý Mão) - Cách đây 55 năm, một trận đánh vào giữa lòng thị xã Tam Kỳ cũ, lá cờ giải phóng bay trên tỉnh đường Quảng Tín trở thành biểu tượng sáng ngời về ý chí, sự mưu lược và cả niềm tin của cán bộ, chiến sĩ, cơ sở cách mạng. Quá nhiều ký ức bi hùng, những nhân chứng một thời, luôn khắc khoải nhớ về...

Ông Trần Chí Thành vẫn giữ nhiều kỷ vật liên quan đến trận đánh Xuân Mậu Thân 1968.Ảnh: T.C
Ông Trần Chí Thành vẫn giữ nhiều kỷ vật liên quan đến trận đánh Xuân Mậu Thân 1968.Ảnh: T.C

Tiến công vào Tỉnh đường

Ông dừng lại một lúc lâu, khi nhắc đến những người đã ngã xuống trong trận đánh Mậu Thân. Họ là chiến sĩ của ta, là những người chung chiến hào với ông suốt những năm tháng khắc nghiệt của chiến tranh, đã làm nên một trận đánh xuất thần vào giữa lòng thị xã, chiếm tỉnh đường Quảng Tín trong Tết 1968.

Ông là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Chí Thành - nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Trưởng ban An ninh thị xã Tam Kỳ năm 1968.

Xuân Mậu Thân năm ấy, Tỉnh ủy chọn thị xã là điểm tấn công và nổi dậy của tỉnh, với 4 mũi: Tiểu đoàn 70 đánh vào tỉnh đường và tiểu khu quân sự; Tiểu đoàn 74 đánh Đại đội biệt kích chiến lược Mỹ đóng ở gò Lóc trước Tỉnh đường; Liên đội đặc công V16 đánh vào Bộ chỉ huy Trung đoàn 6, Sư đoàn 2 và Đại đội pháo 105 ly của địch; Đại đội V18 đánh vào Chi đoàn thiết giáp. Phương châm được vạch rõ: sử dụng sức mạnh quần chúng phối hợp lực lượng quân sự, đưa quần chúng thị xã nổi dậy giành chính quyền.

Ông Thành cùng lực lượng an ninh thị xã đã sử dụng toàn bộ cán bộ, điệp báo nắm tình hình, âm mưu của địch; vẽ sơ đồ căn cứ, cấu trúc phòng thủ, ghi chú từng hàng rào, bãi mìn, trang bị vũ khí, quân số, quy luật hoạt động của địch.

Cơ sở cách mạng của ông là đồng chí Nguyễn Danh - lúc đó đang hoạt động trong vỏ bọc hợp pháp là thiếu úy quân Sài Gòn làm việc ở Tỉnh đường Quảng Tín, có nhiệm vụ vẽ sơ đồ phòng thủ của địch.

Đồng chí Huỳnh Hoài - Thị ủy viên, hoạt động hợp pháp trong vai trò liên trung đội trưởng nghĩa quân xã Kỳ Hương được giao kiểm tra, phúc tra hướng tiến công, giữ liên lạc báo cáo di biến động.

Mọi thứ đã sẵn sàng, các lực lượng vũ trang hành quân tiếp cận mục tiêu thì 21 giờ ngày 30/1/1968, lệnh tạm hoãn tấn công được ban bố. Mọi lực lượng được lệnh rút ra, “giờ G” chuyển sang tối 31/1 rạng sáng 1/2/1968 (mùng Một Tết theo lịch miền Nam lúc đó). Vừa rút, Thị ủy Tam Kỳ nhận tin Thăng Bình đã nổ súng. Địch lập tức tăng cường quân lên bố phòng.

Bà Hồ Thị Kim Thanh, một “chứng nhân” của sự kiện Mậu Thân 1968. Ảnh: T.C
Bà Hồ Thị Kim Thanh, một “chứng nhân” của sự kiện Mậu Thân 1968. Ảnh: T.C

“Không còn cách nào khác, tôi cải trang xuống cầu Ngã Ba đường sắt, gặp đồng chí Huỳnh Hoài. Thống nhất phải đổi hướng hành quân, ra ám tín hiệu, tôi giao nhiệm vụ cho đồng chí Hoài truyền đạt với đồng chí Nguyễn Bá Tuân - cơ sở cách mạng, là Xã trưởng Kỳ Hương điều động trung đội 2 nghĩa quân Kỳ Hương sang xóm ông Cửu Bình để địch không xua thêm thám báo ra phục trên đường tiến công.

Đồng chí Danh đã chuẩn bị kỹ lưỡng về đường thọc sâu đánh vào tỉnh đường, mở mìn, cảnh giới, cắt 2 đầu lưới B40 để lực lượng thọc sâu xung phong không gặp trở ngại. Lúc 22 giờ ngày 31/1, tôi và đồng chí Huỳnh Hoài gặp các đồng chí Lê Hải Lý - Chính trị viên Tiểu đoàn và Vũ Thành Năm - Tiểu đoàn trưởng cùng ban chỉ huy Tiểu đoàn 70 tổ chức đưa quân tiếp cận khu tỉnh đường” - ông Thành kể lại.

Trận đánh diễn ra khá nhanh. Sau khi nổ súng, tiểu đoàn 74 diệt gọn Đại đội biệt kích Mỹ đóng dã chiến ở gò Lóc. Tiểu đoàn 70 đánh chiếm tỉnh đường, cắm cờ của ta, V16 đánh chiếm Trung đoàn 6 và phá hỏng 6 khẩu pháo 105 ly, V18 diệt gọn Chi đội thiết giáp. Nhưng địch nhanh chóng phản kích. Quân giải phóng vừa đánh, vừa lùi, trong sự che chở, giúp sức của nhân dân. Sau trận đánh, hơn 300 chiến sĩ của ta đã vĩnh viễn nằm lại...

Trận đánh của niềm tin

Không khí trước trận đánh lớn Mậu Thân vẫn còn hằn in trong trí nhớ của bà Hồ Thị Kim Thanh - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Hội trưởng Hội LHPN tỉnh. “Càng gần đến Tết Mậu Thân, mọi thức càng khẩn trương hơn, bất kể trong vùng địch tạm chiếm hay vùng giải phóng, vùng ven.

Quần chúng nhân dân rất phấn khởi, chuẩn bị băng cờ, khẩu hiệu, gậy gộc, dây thừng, cả bánh tét, bánh khô để sẵn sàng chờ lệnh. Sau khi tiếng súng vang ở tỉnh đường, đội quân đấu tranh chính trị từ các ngả hướng về Tam Kỳ và các quận lỵ.

Địch ra sức đàn áp ở Thăng Bình, Quế Sơn, Tam Kỳ. Đạn của địch nã vào đoàn khởi nghĩa, nhiều người đã nằm xuống, nhưng đoàn khởi nghĩa vẫn giữ đội hình, đấu tranh suốt một ngày mới rút lui. Trong cuộc tranh đấu đó, tôi bị địch bắt cùng nhiều người khác.

Nhưng tất cả đã giữ vững khí tiết, một lòng bảo vệ cách mạng. Nhờ niềm tin vững chắc đó, trận đánh Mậu Thân trên cả chiến trường miền Nam đã mở ra cục diện mới cho cách mạng, làm lung lay ý chí của Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán ở Paris, đưa cuộc chiến đấu của ta dần đến ngày thắng lợi” - bà Thanh chia sẻ.

Tượng đàì chiến thắng Xuân Mậu Thân tại TP. Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Tượng đàì chiến thắng Xuân Mậu Thân tại TP. Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Nếu không có những cơ sở hết sức trung thành với Đảng, hết lòng với cách mạng, quân Giải phóng hoàn toàn không có cách nào tiếp cận được các mục tiêu trong trận đánh Mậu Thân 1968, ông Thành quả quyết như thế khi nhắc về những đồng đội, đồng chí của mình trong vai trò điệp báo ngay giữa lòng địch.

“Trong tình thế đã bị lộ việc tấn công, địch đưa quân phòng thủ nhiều lớp, vừa hành quân, vừa chuẩn bị các mũi, nếu không có cơ sở trong lòng địch dẫn đường, luồn lách giữa hệ thống đồn bốt của địch thì các tiểu đoàn không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Qua trận đánh, càng có cơ sở để đánh giá lòng trung thành, tận tụy với Đảng, trách nhiệm của lực lượng cán bộ, chiến sĩ an ninh, là thành quả công tác xây dựng an ninh điệp báo đô thị. Đó còn là niềm tin của nhân dân, sự chở che, bao bọc cả trước, trong và sau trận đánh. Rất nhiều thương binh được đưa ra khỏi vòng nguy hiểm, những người hy sinh được nhân dân an táng”- ông Thành kể.

Cuộc chiến nào cũng có những hy sinh. Trong câu chuyện của mình, ông Trần Chí Thành, bà Hồ Thị Kim Thanh đều nhắc nhớ đến nhiều cái tên, dành những khoảng lặng cho người nằm xuống.

Những người đồng chí, đồng đội của họ, đã gọi tên Đảng, tên Bác Hồ trước khi trút hơi thở cuối cùng, thầm lặng ngã xuống trong sự nghiệp giải phóng quê hương. Đó cũng là những mảnh ghép trong ký ức không quên mùa Xuân Mậu Thân 1968, những ký ức bi hùng, của họ...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ký ức Xuân 68
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO