Lên đường từ tuổi trẻ thơ

PHẠM THÔNG 25/03/2020 11:23

Ngày 18.8.1945, nhân dân các làng Sung Mỹ, Phái Nhơn, Vĩnh Đại hưởng ứng lệnh bạo động của Việt Minh nổi dậy cướp chính quyền ở làng xã. Cậu bé 12 tuổi Đặng Đình Ngoạt mà bà con trong làng thường gọi là Bốn Ngoạt liền nhổ chân chạy theo đoàn quần chúng lao khổ, khí thế ngút trời kéo bộ về Phủ đường Tam Kỳ, cùng với nhân dân khắp nơi bắt tri phủ đương nhiệm Trần Kiêm Lý giao nộp ấn triện cho chính quyền cách mạng.

Bốn Ngoạt bắt đầu công việc từ một đội viên tự vệ không chính thức, sau những buổi luyện tập phải chạy về nhà ăn cơm của mẹ. Chàng thiếu niên Đặng Đình Ngoạt vừa công tác vừa lớn. Công việc gì anh cũng hoàn thành, góp phần vào công cuộc kháng chiến kiến quốc tại địa phương. Tháng 3.1950 Đặng Đình Ngoạt trở thành đảng viên, lúc này chưa tròn 18 tuổi.

Cuối năm 1953 đầu năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn tổng phản công. Bốn Ngoạt cùng với trai tráng trong vùng tự do Nam Quảng Nam đi dân công lên chiến trường Măng Đen, Măng Bút - Kon Tum. Sau hơn ba tháng trèo đèo lội suối, vượt bao ghềnh thác hiểm nguy, đoàn dân công của Bốn Ngoạt trở lại quê nhà, nhiều người ghẻ lở đầy mình, sốt rét trọc đầu, riêng anh lên cơn sốt ác tính, tưởng chừng vong mạng.

Chiến tranh cũng đến hồi kết thúc, nhưng đất nước phải chia đôi. Bốn Ngoạt lên đường tập kết. Lúc này là tháng 11.1954, địch đã tràn ngập hết vùng Nam Quảng Nam, Bắc Quảng Ngãi, chốt chặn mọi nẻo đường phía đồng bằng. Anh ra đi vào nửa đêm, tạm biệt cha mẹ, vợ trẻ, hôn nhẹ đứa con trai đầu lòng mới một tháng tuổi, lách mình vào đêm tối vượt đường núi vào Quảng Ngãi, Bình Định lên tàu vượt trùng dương ra miền Bắc.

Một hôm trên đường phố Hà Nội, Đặng Đình Ngoạt bất ngờ gặp ông Huỳnh Hòa người cùng quê, nguyên là Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ, ở lại miền Nam một thời gian mới tập kết ra Bắc. Lúc đó ông Hòa đang công tác tại Ban Tổ chức Trung ương, phụ trách vấn đề chọn lựa cán bộ đưa đi chiến trường B, anh đề đạt nguyện vọng cho được quay về miền Nam. Ông Hòa chấp nhận, hứa sẽ báo cáo với Trung ương. Vài tháng sau, Đặng Đình Ngoạt được đồng chí Bí thư Đảng ủy Công ty Lâm sản mời lên thông báo: “Trung ương điều động đồng chí đi nhận công tác tuyệt mật”...

Cuối tháng 5.1960, Bốn Ngoạt về tại P5 - một địa điểm bí mật ở Hà Nội - tập trung nhân sự chuẩn bị mọi điều kiện ra chiến trường. Sau 3 tháng luyện tập, Bốn Ngoạt được đổi tên là Nam Phong. Giữa đêm khuya tĩnh mịch, đoàn xe vận tải quân sự khởi hành, lặng lẽ đưa các anh ra đi. Cuối tháng 8.1960 Nam Phong đến vùng giáp ranh miền núi Quảng Bình. Trú chân tại đây một đêm, sáng hôm sau khởi sự leo dốc đến làng Ho, vượt Trường Sơn sang Lào. Đây là giờ phút cuối cùng, các anh rời xa đất Bắc, đi về phía rừng núi mênh mông, hiểm trở. 

Ròng rã mất 2 tháng 18 ngày xẻ dọc Trường Sơn, Nam Phong mới đặt chân tới vùng căn cứ địa Liên khu 5 - Mật khu Đỗ Xá ven sông Nước Là thuộc xã Mai, xã Cang... Đây vùng núi hiểm trở thuộc huyện Trà My, nằm ở phía đông bắc chân núi Ngọc Linh, cao nhất dãy Trường Sơn.

Theo phân công từ Trung ương thì Nam Phong tiếp tục đi vào chiến trường Ninh Thuận, cực Nam Liên khu 5, như vậy anh phải tiếp tục leo núi vài tháng nữa mới tới nơi. Nhưng tại đây, Ban Tổ chức Liên Khu 5 giữ lại, yêu cầu anh đổi tên là Lê Tư Đặng, phiên chế về Ban Tài mậu Liên khu rồi tiếp tục chuyển về công tác tại Khu 32A. Đây là mật danh của Ban chỉ đạo thí điểm phát động phong trào quần chúng nổi dậy giành chính quyền, giải phóng đồng bằng Liên khu 5 mới vừa được thành lập. Khu 32A là một vùng gồm các huyện Tam Kỳ, Tiên Phước, Bình Sơn, Sơn Tịnh mà chủ yếu là Tam Kỳ - Bình Sơn. Đến nhận công tác tại Ban chỉ đạo 32A, Tư Đặng được phân tiếp về đơn vị B28 chuyên thọc sâu xuống các vùng tranh chấp sát đồng bằng phía tây nam Tam Kỳ và tây bắc Bình Sơn mở các “cửa khẩu”, móc nối thu mua hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm cung cấp cho lực lượng kháng chiến tại căn cứ Liên khu 5.

Ngày 31.8.1961, ta giải phóng thôn 10 Tứ Mỹ, Kỳ Sanh. Các Đội công tác Kỳ Sanh, Kỳ Khương... hình thành, vùng giải phóng từng bước mở rộng xuống đồng bằng Nam Tam Kỳ, Bình Sơn. Tiếp đến là một dải liên hoàn giữa các xã nằm sát ranh núi Quảng Nam - Đà Nẵng vào tới Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... tạo thành vùng căn cứ liên hoàn miền núi Khu 5. Đến lúc phong trào cách mạng phát triển rộng lớn, vai trò thí điểm của Khu 32A không còn thích hợp, Khu ủy 5 quyết định giải thể Ban chỉ đạo 32A. Tư Đặng được chuyển trở lại Tiểu ban Thương nghiệp thuộc Ban Tài mậu Khu 5, tiếp tục làm làm công tác hậu cần thương nghiệp kháng chiến.

Năm 1963, Tam Kỳ chia thành 3 đơn vị: huyện Nam Tam Kỳ, huyện Bắc Tam Kỳ và thị xã Tam Kỳ. Ban Tài mậu Khu 5 cho mở thêm cửa khẩu Kỳ Quế, móc nối trực tiếp nguồn hàng từ nội ô thị xã Tam Kỳ, thông qua người buôn bán ở chợ Ngọc Nha - Kỳ Quế và chợ Cây Sanh - Kỳ Long chuyển tới. Tại đây Tư Đặng đã liên hệ được Nhà sách Nam Ngãi mua một cái máy in hiệu Mi-nét của Pháp, giao cho nhà in báo Cờ Giải phóng Khu 5. Đây là một máy in công nghiệp, thay thế những máy in thô sơ do ta tự tạo tại miền Bắc đưa vào, đáp ứng tốt hơn công tác tuyên truyền của Ban Tuyên huấn Khu 5.

Cuối năm 1964 vùng giải phóng của ta mở xuống tới duyên hải Tam Kỳ, Thăng Bình, Duy Xuyên.... Lực lượng cách mạng miền Nam lớn mạnh chưa từng có, đẩy chính quyền Sài Gòn đến bờ tan rã, sụp đổ. Các tuyến đường giao thông, nhất là quốc lộ 1 bị cắt khúc, việc vận chuyển gạo từ Nam Bộ ra miền Trung gián đoạn, làm khó cho địch mà cũng khó cho ta. Nguồn gạo đưa lên từ vùng địch khan hiếm. Tư Đặng theo lệnh của Tài mậu Khu 5 thọc xuống vùng Đông Thăng Bình móc nối với những đại bài lớn ở Đà Nẵng, Hội An mua gạo trực tiếp ở cảng Đà Nẵng. Những nhà buôn bằng nhiều cách bí mật vận chuyển gạo theo sông Trường Giang vào Bình Dương, Bình Giang, Bình Triều bán cho cách mạng.

 Từ tháng 5.1965, Lê Tư Đặng về Quảng Nam, phụ trách Phó Tiểu ban Thương nghiệp. Tư Đặng được phân công làm Cửa hàng trưởng T3 đứng điểm vùng Sơn Trung, Phú Thọ, Phú Diên, Phú Thạnh thuộc huyện Quế Sơn. Tư Đặng vào Nam đã hơn 5 năm, ngay từ đầu anh đã làm công tác tài mậu, giờ này cũng làm tài mậu nhưng khó khăn ác liệt hơn nhiều. Anh em đi công tác bị phục, bị pháo, bị tàu gáo, tàu rọ vây bắn thương vong quá đỗi. Nhiều chị em chết trên đường mà gùi hàng còn đè sấp trên lưng. Đau thương chồng chất. Từ năm 1965 đến 1967, Cửa hàng T3 có 27 cán bộ nhân viên nhưng hy sinh 5, bị thương 15 người. Tư Đặng cũng bị thương trong thời gian này.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lên đường từ tuổi trẻ thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO