Một thời không quên

PHẠM THÔNG 07/05/2022 20:53

(QNO) - Cánh mạng tháng Tám thành công là một bước ngoặt của dân tộc, đồng thời là bước ngoặt của từng số phận con người. Từ đây, thanh niên trí thức cả nước nói chung, cũng như Quảng Nam - Đà Nẵng có cơ hội tự khẳng định vai trò, trách nhiệm đối với Tổ quốc, quê hương.

Trong lớp thanh niên trí thức nêu trên có các anh Trương Đình (Trinh Đường), Phạm Văn Kỳ, Trương Văn Thông, Huỳnh Lý, Hồ Huyễn, Phan Xuân Hỹ, Hồ Giãy, Phan Huỳnh Điểu, Hồ Thấu... Họ đem hết tuổi thanh xuân để làm mọi công việc mà Đảng, Mặt trận và nhân dân cần - tuyên truyền vận động nhân dân ủng hộ, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được từ tay thực dân phong kiến; diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; viết báo, sáng tác văn học nghệ thuật, trực tiếp biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân...

Nhà văn Vũ Hạnh. Ảnh: thanhnien.vn
Nhà văn Vũ Hạnh. Ảnh: thanhnien.vn

1. Sau khi Pháp tái chiếm lại TP.Đà Nẵng, có một số anh chị được phân công ở lại đấu tranh hợp pháp hoặc bất hợp pháp trong nội thành, một số giãn ra vùng tự do ở phía nam Quảng Nam, tất cả đều tiếp tục kiên trì kháng chiến. Vì nghĩa lớn, họ đã tập hợp dưới ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận Việt Minh do lãnh tụ Hồ Chí Minh đứng đầu để phục vụ lợi ích dân tộc. Các anh chị lên đường tham gia cách mạng với tấm lòng trong trắng và mơ ước chân chính, giản đơn như nhà thơ Hồ Thấu đã nói: “Lên đường như đứa trẻ thơ/ Quản gì nguy hiểm bụi bờ chông gai”.

Trong số trí thức, có những trường hợp đặc biệt mà ở Quảng Nam những người hoạt động cùng thời không thể nào quên. Đó là cụ Tú Thiện tuổi cao nhưng đã tham gia làm Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh, cùng chia ngọt sẻ bùi, nằm gai nếm mật với đồng chí, với nhân dân.

Hay như anh Lê Đình Luân, con trai cụ Lê Đình Thám vào Vệ quốc Đoàn, làm đến Đại đội trưởng. Khi hành quân qua Tam Kỳ, địch dội bom phá hoại, anh nhường hầm trú ẩn cho đồng đội, đã hy sinh. Một số quan lại, chức sắc tôn giáo như nhà sư Thích Trí Luân, cụ Lê Đình Thám cũng đã tự nguyện đứng ra gánh vác trách nhiệm. Đặc biệt, cụ Lê Đình Thám được Chính phủ mời làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính miền Nam Trung Bộ.

Năm 1952, sau Đại hội lần thứ II của Đảng và Chiến thắng biên giới, cuộc kháng chiến chống Pháp chuyển sang giai đoạn cao hơn về chất và tính quyết liệt ngay càng tăng. Đảng đã phát động cải cách ruộng đất tại các vùng tự do ở miền Bắc. Ở Khu 5 cũng thực hiện chính sách giảm tô, gắn nghĩa vụ đóng góp kháng chiến đối với những gia đình địa chủ, phú nông với mức đóng góp bắt buộc cao hơn trước.

Mâu thuẫn giai cấp vốn đã có, đến giai đoạn này do yêu cầu của cách mạng, cuộc đấu tranh giai cấp lại được nâng lên một bước, cũng chính từ đó lại nảy sinh sự mặc cảm thành phần xuất thân. Có một sự thật là quyền lợi của chính giai cấp xuất thân bị động chạm, một số trí thức có diễn biến tư tưởng phức tạp, giảm niềm tin đối với cách mạng. Nhân cơ hội, thực dân Pháp và bọn Việt gian trong vùng bị chiếm tìm mọi cách bắc nối với những người bất mãn, những người vốn có tư tưởng chống đối ta từ trước, đang sống ở vùng tự do. Họ bắt đầu tập hợp lực lượng thông qua những tổ chức hợp pháp. Ở Tam Kỳ, có một số người đứng ra vận động thành lập trường Trần Văn Dư. Một số người bí mật tập hợp lực lượng thành lập lại Quốc dân đảng trong vùng tự do, chờ cơ hội Pháp tái chiếm đứng ra bắt tay với chúng.

Trước tình hình đó, Đảng cần đặc biệt quan tâm công tác tư tưởng đối với tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo.

2. Tỉnh ủy xác định, công tác tư tưởng phải gắn chặt với công tác tổ chức. Trước tiên, chọn lựa những đồng chí có học vấn cao trong Tỉnh ủy, trong cán bộ, đảng viên chuyển sang trực tiếp làm công tác thông tin, tuyên truyền, báo chí, giáo dục. Bao gồm đồng chí Trần Phát - Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy sang kiêm Trưởng Ty Văn hóa - Thông tin; ông Hồ Huyễn làm Hiệu trưởng Trường cấp II Phan Châu Trinh, sau này là Trưởng Ty Văn hóa - Thông tin; ông Phan Xuân Hỹ làm Hiệu trưởng trường Trần Văn Dư cùng một số đồng chí khác có chí hướng tốt như anh Vũ Minh Đức làm hiệu phó... Như vậy, ta đã đưa người trí thức có quan điểm vững vàng để cùng công tác, gần gũi giúp đội ngũ quan trọng này giữ vững lòng tin đối với Đảng, với cách mạng, tiếp tục tham gia kháng chiến. Đồng thời giúp ta nắm chắc được tình hình, phân biệt rõ đối tượng để vừa tranh thủ lực lượng vừa phân hóa các đối tượng cố tình chống đối ta.

Những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Vũ Hạnh. Ảnh: thanhnien.vn
Những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Vũ Hạnh. Ảnh: thanhnien.vn

Cùng thời điểm này, tỉnh đưa một đoàn nhà báo, văn nghệ sĩ đi bộ từ nam Quảng Nam ra vùng giáp ranh giữa địch và ta tại Hòa Vang, tiếp cận thực tế kháng chiến để sáng tác. Các anh, chị phải leo đèo, lội suối qua Trung Mang, Đèo Le, vùng tây Đại Lộc đến Hòa Vang. Sau vài tháng hòa mình trong nhân dân, các anh chị đã có những sáng tác hay, phục vụ nhu cầu công tác tư tưởng văn hóa kháng chiến. Trong dịp này, anh Phạm Văn Kỳ đã có bài “Mì bắp” nói lên được sự gian khổ, hy sinh nhưng đầy tính lạc quan trong sinh hoạt đời thường của nhân dân vùng giáp ranh giữa hoàn cảnh chiến trường ở đỉnh điểm gay go, ác liệt nhất.

Ty Thông tin - Văn hóa cũng đã cử một đoàn văn công đi dọc Quảng Nam - Đà Nẵng tiếp cận thực tế và biểu diễn phục vụ nhân dân. Đoàn này cũng ra đến vùng giáp ranh ở Hòa Vang. Tuy gọi là đoàn văn công, nhưng thực ra chỉ có anh Phan Huỳnh Điểu, Văn Cận, Phan Bá Cung... với chiếc đàn măng đô lin, vài bộ sanh sứa, đàn cò, đàn nhị... Không có trống, chỉ mang theo một miếng bạt, đi đến đâu mượn soong, nồi của dân, bịt lại làm mặt trống. Thế nhưng các anh chị hết sức hăng say sáng tác và biểu diễn, nội dung bám sát tình hình thực tế kháng chiến, dễ đi vào lòng người.

3. Bằng sự nhạy bén, Tỉnh ủy đã nhận định đúng tình hình tư tưởng trong hàng ngũ trí thức của ta, biết được âm mưu của địch. Từ đó có biện pháp làm công tác tư tưởng hết sức tế nhị, hài hòa, gần gũi và tự nhiên, chân thành nên vừa bảo vệ được khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ được từng số phận con người. 

Một dấu ấn đáng nhớ nữa là sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Đảng đã tập trung làm công tác tư tưởng cho anh em trí thức, văn nghệ sĩ, giáo viên ở lại miền Nam. Tỉnh ủy triệu tập các anh em này vào những lớp đặc biệt để học tập đường lối chính sách của Đảng. Với những bài học chính trị ngắn gọn, mang tính chiến lược và thực tế cách mạng đã để lại dấu ấn tư tưởng, tình cảm sâu sắc trong lòng các đồng chí.

Qua thử thách của thời gian, với nhiều biến đổi thời cuộc, các anh chị trí thức Quảng Nam ở lại miền Nam đều giữ được lòng chung thủy với Đảng, với Mặt trận Việt Minh. Nhiều đồng chí tiếp tục bắt liên lạc hoạt động cách mạng, vào tù ra tội. Trong đó, có một trường hợp rất đặc biệt là anh Nguyễn Đức Dũng (nhà văn, nhà báo Vũ Hạnh), trong những năm 1957 - 1958 đã dám nêu công khai lên tờ Bách khoa (Sài Gòn) 9 quan điểm về văn học. Những quan điểm đó được anh Vũ Hạnh tiếp thu từ những năm tháng tham gia kháng chiến chống Pháp.

Sau ngày 30.4.1975, các đồng chí tập kết ra Bắc về miền Nam có dịp gặp lại nhau. Những kỷ niệm đẹp được cô đọng trong lời thơ của Hà Kiều (Trương Khả Liệu) đăng trên tờ Tin văn (Tạp chí công khai của đặc Khu ủy Sài Gòn): "Tôi nhớ anh là... tôi nhớ tôi/ Nhớ hồi cơm vắt cắn chia đôi/ Kề bên thép súng, nhìn trăng núi/ Cười với nhau rằng: Khổ cứ vui".

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một thời không quên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO