Nhân chứng và những bài học sinh động - Kỳ 1: Nhân chứng được lịch sử gọi tên

NGUYỄN ĐIỆN NAM 21/10/2021 08:24

Chiến dịch Vượt sông Tranh (tháng 10.1961) rồi tiếp nối Chiến dịch Vượt sông Tiên (tháng 9.1962) là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ đó tổ chức đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang theo Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, mở ra bước ngoặt với khả năng tiến về giải phóng đồng bằng, ghi dấu sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng cách mạng cùng sự ra đời của các đơn vị vũ trang Tiên Phước, Quảng Nam và Khu 5.Đã có quá nhiều tài liệu được phổ biến về các chiến dịch kể trên. Vì vậy, bài viết này chỉ tập trung vào câu chuyện của một nhân chứng và những bài học sinh động với góc nhìn riêng về sự kiện Chiến dịch Vượt sông Tranh diễn ra cách đây 60 năm.

Đại tá Quách Tử Hấp dự lễ kỷ niệm Chiến dịch Vượt sông Tranh năm 2011. Ảnh: Đ.N
Đại tá Quách Tử Hấp dự lễ kỷ niệm Chiến dịch Vượt sông Tranh năm 2011. Ảnh: Đ.N

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Quách Tử Hấp (1925 - 2012) là nhân chứng quý giá mà chúng tôi có dịp được tiếp cận một thời gian dài để trợ bút xây dựng cuốn hồi ký cho ông khi còn tại thế - cuốn “Lên đàng - Hành trình vạn dặm” (NXB Văn học, Hà Nội - 2012).

Trong cuốn sách này ghi lại nhiều sử liệu của cuộc đời một người anh hùng, từ lúc thiếu niên ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam đến khi trưởng thành, tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền rồi chiến chinh qua nhiều vùng đất.

Đặc biệt như một cơ duyên lịch sử, Quách Tử Hấp là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Quân chính Khu 5, Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 1 Ba Gia anh hùng, Tỉnh đội trưởng đầu tiên của Quảng Nam - Đà Nẵng hồi đầu kháng chiến chống Mỹ.

Khi Chiến dịch Vượt sông Tranh, rồi Vượt sông Tiên diễn ra, Quách Tử Hấp là một trong những cán bộ lãnh đạo cốt cán của lực lượng vũ trang Quảng Nam, với vai trò Tỉnh đội trưởng kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1.

Nói Quách Tử Hấp là cán bộ cốt cán là vì khi Trung đoàn 1 ra đời (gọi là Công trường 1), ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 kiêm Tỉnh đội trưởng, không có tỉnh đội phó mà chỉ có tham mưu, gồm Đinh Châu (Nguyễn Hữu Đức) làm Tham mưu trưởng, Trần Kim Anh là Tham mưu phó.

Sau này, khi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách cuối năm 1962, Đinh Châu về làm Tỉnh đội trưởng của Quảng Đà. Trong giai đoạn này, trên địa bàn Quảng Nam, Trung đoàn 1 có Tiểu đoàn 60, sau thêm Tiểu đoàn 90 từ Bắc vào (đây là tiểu đoàn gồm các chiến sĩ đi tập kết, nên nhiều người được gọi là thượng sĩ Đông Dương); Tỉnh đội có các đại đội độc lập như H21, H30 và sau sáp nhập hình thành Tiểu đoàn 70. Tỉnh đội và Trung đoàn 1 lấy vùng sông Tranh giáp Tiên Phước, Hiệp Đức làm nơi đứng chân chủ yếu.

Trong hồi ký “Lên đàng - Hành trình vạn dặm”, Đại tá Quách Tử Hấp kể lại Chiến dịch Vượt sông Tranh với nhiều tình tiết sống động mà ông tổng hợp từ nhiều nguồn, đặc biệt là đã nắm bắt kỹ từ Đại tá Trần Kim Anh (nguyên Tỉnh đội trưởng Quảng Nam), người trực tiếp chỉ huy cánh quân chủ lực của tỉnh trong chiến dịch này. Có thể tóm tắt về lực lượng tham chiến cũng như diễn biến chiến dịch cô đọng như sau:

“Tháng 10.1961, ta mở chiến dịch đánh vào tây Tiên Phước, giải phóng Lãnh - Ngọc. Trước khi Chiến dịch Vượt sông Tranh diễn ra, về toàn cục tôi được biết lúc ấy, Quảng Nam - Đà Nẵng có ban phụ trách quân sự, chia làm 3 cánh, phía bắc là Quảng Đà có các anh Châu (Đức), anh Thọ và Khánh (Tốc) phụ trách, cánh trung do anh Thái (tục danh Thái đầu bạc) và anh Song phụ trách, cánh nam do anh Trần Mười (tức Trần Kim Anh) phụ trách.

Mỗi cánh có một vài đại đội gọi là H, như H21, H22, H29, H30... Do địa bàn cánh nam có tầm quan trọng là cửa ngõ thông lên căn cứ của khu, nên có ban cán sự do Bí thư Tỉnh ủy Mười Khôi (Phạm Tứ) cùng Hồ Truyền - Bí thư Tiên Phước chỉ đạo về mặt quân sự.

Vào ngày 28.10.1961, Đại đội H21 do đồng chí Trần Kim Anh chỉ huy từ căn cứ Nước Oa - Trà My tiến về bờ tây sông Tranh. Tại đây, đội công tác Tiên Lãnh do đồng chí Huỳnh Văn Đào phụ trách đã sẵn sàng phối hợp tác chiến tiến công giải phóng 2 xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc. Lễ xuất quân diễn ra hết sức cảm động, mệnh lệnh từ đồng chí Mười Khôi - Bí thư Tỉnh ủy vừa truyền xuống đã có hàng loạt cánh tay giơ cao thể hiện quyết tâm đánh thắng, giải phóng cho đồng bào Lãnh - Ngọc.

Bìa cuốn hồi ký “Lên đàng - Hành trình vạn dặm” của Đại tá Quách Tử Hấp.
Bìa cuốn hồi ký “Lên đàng - Hành trình vạn dặm” của Đại tá Quách Tử Hấp.

Chiều 29.10, Trung đội 39 và 17 áp sát bờ sông sẵn sàng chi viện hỏa lực cho Trung đội 45 vượt sông trước. Đúng 19 giờ ngày 29.10, tại bến đò Nà Ráy, khu vườn Du, 5 chiếc thuyền dưới sự chỉ huy của cô Ba Sừng (tức cô Trịnh Thị Kim Lan) bắt đầu xuất kích đưa bộ đội sang sông.

Mưa càng lúc càng nặng hạt, trời tối như mực, nước mỗi lúc một chảy xiết, đơn vị phải dùng dây rừng căng qua sông để làm điểm tựa cho các chiến sĩ níu. Vừa áp bờ bên kia, 30 chiến sĩ của Trung đội 45 đã chia thành 2 mũi, một mũi tiến về thôn 9, mũi thứ hai tiến chiếm khu vực Hòn Giẻo ở thôn 4, hình thành thế bao vây, áp đảo quân địch, đồng thời giữ vững đầu cầu cho hai Trung đội 39 và 17 tiếp tục vượt sông.

Trước thế bao vây áp đảo của ta, tổng đoàn dân vệ do hai tên Hóa, Vui chỉ huy đã rơi vào thế bị động, binh lính địch hoảng loạn bỏ chạy về hướng các thôn 8 và 9 để thoát thân. Ta truy kích và đánh thẳng vào hội đồng tề các thôn này. Đến 2 giờ sáng ngày 30.10, lực lượng ta áp sát hội đồng hương chính địch ở thôn 3.

Sau mươi phút nổ súng, các lực lượng ta đã tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân địch ở Tiên Lãnh. Tên cảnh sát và xã trưởng có nhiều nợ máu với nhân dân phải đền tội. Tên Võ Nghi cùng một số đồng bọn tháo chạy về quận lỵ Tiên Phước. Tuy nhiên, lực lượng tề ngụy còn lại khá đông, phản ứng mạnh. Khi vượt sông Tranh, Quảng Nam dùng mũi nhọn H21, do đồng chí Trần Kim Anh chỉ huy.

Sau khi sắp giải phóng Phước Lãnh (nay là Tiên Lãnh) thì địch phản ứng mạnh ta mới điều thêm H30 từ cánh trung vào. H30 do đồng chí Ngô Văn Sành (tức Minh Dồ) làm Đại đội trưởng, đồng chí Sam làm Chính trị viên. Hai tên Hóa, Vui, chỉ huy của tổng đoàn dân vệ, sau khi bị truy kích đã tập hợp lại lực lượng, tổ chức phục kích hòng tiêu diệt quân ta trên đoạn sông đơn vị H30 đổ bộ mà theo chủ quan chúng cho rằng ta sẽ rút ra khi trời sáng để trở về căn cứ.

Song, cùng thời điểm này, một đơn vị do Ban Quân sự tỉnh điều động từ Trà My tiến xuống để đón và phối hợp với H30 đã bày sẵn trận địa. Tám giờ sáng 31.10, lực lượng tổng đoàn do Hóa, Vui chỉ huy đã phải tháo chạy khỏi trận địa rút về Hội đồng thôn 2 Tiên Ngọc. Tại đây hai tên này đã phải đền tội.

Trong khí thế chiến thắng, ngày 2.11, đơn vị H30 chia thành 2 mũi tiến công vào Hội đồng xã Tiên Ngọc, khiến bọn địch ở đây hoảng loạn rút chạy về quận lỵ, Tiên Ngọc hoàn toàn giải phóng. Ta chủ trương trụ lại, tổ chức lực lượng bảo vệ vùng mới giải phóng, với thế trận: Trung đội 45 chốt chặn tại dốc Đá Chẹt, Trung đội 39 và 17 trấn giữ địa bàn trọng yếu hai thôn 8 và 10 Tiên Lãnh. Lực lượng của tỉnh và khu sau đấy tiếp tục về tăng cường, tạo thành thế liên hoàn, bảo vệ dân và sẵn sàng đánh địch phản kích. Lúc này, H21, H30 ở lại hình thành nòng cốt để thành lập Tiểu đoàn 70 vào ngày 3.2.1962”.

--------------------

Kỳ cuối: Đúc kết những bài học giá trị

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân chứng và những bài học sinh động - Kỳ 1: Nhân chứng được lịch sử gọi tên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO