Nhớ ngày trao trả nữ tù binh

QUẾ HÀ 27/01/2023 07:13

Sau Hiệp định Paris ký kết ngày 27/1/1973, hơn 900 nữ chiến sĩ cách mạng từng bị giam giữ ở Trại giam Phú Tài, Bình Định, sau chuyển vào Cần Thơ, được trao trả tại Lộc Ninh, Bình Phước. Chúng tôi ghi lại câu chuyện của cựu nữ tù binh Trần Duy Phương, quê Quảng Nam, về những giờ phút hạnh phúc và tự do trong ngày được trao trả:

Quang cảnh nơi đón tiếp anh chị em tù binh trao trả tại sân bay Lộc Ninh. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)
Quang cảnh nơi đón tiếp anh chị em tù binh trao trả tại sân bay Lộc Ninh. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)

1. Trong chiến đấu, khi bị sa vào tay giặc, phải khoác lên người chiếc áo tù binh, chúng tôi đã xác định và chuẩn bị tư tưởng “trường kỳ nơi tù ngục”. Nhưng vào tháng 5/1972, trước việc địch di chuyển toàn bộ nữ tù binh ở Phú Tài vào Cần Thơ và những tin tức chiến thắng dồn dập từ bên ngoài như báo hiệu cho chúng tôi ngày toàn thắng của quân ta không còn xa nữa. Ngày được tin Hiệp định Paris ký kết, lòng chúng tôi phơi phới...

Chiều 14/2/1973, địch cho điểm danh sớm hơn thường lệ. Tên Thiếu tá Hoạt vào gặp chị em với vẻ trịnh trọng. Ông ta thông báo ngày mai chúng tôi sẽ được trao trả về với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, nhưng không cho biết địa điểm trao trả.

Sáng 15/2/1973, chúng tôi được gọi điểm danh sớm. Trong 105 người chúng gọi chuyến đầu tiên, có tôi. Từ trại giam chúng tôi được chở trên 4 chiếc xe GMC để ra sân bay. Đi giữa rừng cờ địch mà chúng tôi cùng hát vang những bài ca cách mạng. Những tên quân cảnh đi áp tải với nét mặt lầm lì, hậm hực nhưng chẳng tên nào dám mở miệng để nói lời cấm đoán chúng tôi.

Trong sân bay, chiếc máy bay vận tải C130 có cái bụng căng tròn đang đậu sẵn chờ đợi. Chúng tôi không quá lạc quan đến mức mất cảnh giác mà không nghĩ kẻ thù đê hèn có thể chở chúng tôi đến giam ở một nơi nào đó khác hoặc đưa đi thủ tiêu.

Nhưng ngồi trên máy bay chưa đầy nửa giờ chúng tôi nghe máy bay hạ dần độ cao rồi đáp xuống mặt đất. Khi cánh cửa lớn ở đuôi máy bay từ từ hạ xuống, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là lá cờ nửa đỏ, nửa xanh, sao vàng năm cánh đang phần phật bay trong gió được cắm trên nền đất đỏ au.

Không ai bảo ai, chúng tôi gần như nhất loạt reo lên trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Ôi cờ giải phóng, cờ giải phóng!”. Người nào cũng ràn rụa nước mắt trên những gương mặt tươi cười. Có vài chị em xúc động quá, ngất đi…

2. Những người đón tiếp chúng tôi đầu đội mũ tai bèo, tay đeo băng đỏ, ngực đeo ảnh Bác Hồ với những động tác cực nhanh, đã vào tận bên trong để dìu một số chị em đau yếu ra khỏi máy bay. Riêng tôi và một vài chị nữa nằm trên băng ca được khiêng ra...

Sân bay Lộc Ninh nhuốm vẻ hoang tàn, cây lá xác xơ phủ đầy bụi đỏ - dấu tích của trận chiến ác liệt cách đây chưa lâu lắm còn để lại. Chúng tôi được đưa vào tạm nghỉ trong những căn nhà lá sơ sài được dựng vội để đón tiếp “Những người chiến thắng trở về”.

Trong khu vực trao trả, người của ta và địch đứng xen lẫn nhau, đây là những người trong Ban liên hợp Quân sự bốn bên đến cùng với những người của Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát. Nhìn những đống quần áo tù còn vương vãi bên cạnh những căn lều, chúng tôi biết đã có nhiều chuyến trao trả nam tù binh trong những ngày trước đó.

Ban đón tiếp cấp phát tại chỗ mỗi người một bộ quân phục giải phóng. Chẳng hề câu nệ, chúng tôi xúng xính trong bộ quần áo nam mà sao lòng vẫn thấy vui sướng tự hào.

Sự việc diễn ra nhanh chóng quá, cứ ngỡ như đang nằm mơ. Chỉ mất chưa đầy một tiếng đồng hồ để chúng tôi “hóa kiếp”. Ôi, cái khoảnh khắc sao mà huyền diệu quá! Tuyệt vời quá! Chúng tôi không khóc mà sao nước mắt cứ chực tuôn trào. Hơn lúc nào hết mới thấy thấm thía câu nói bất hủ của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Mãi đến gần tối còn một chuyến bay cuối cùng vẫn chưa thấy về, mọi người phập phồng lo lắng cho số chị em còn lại. Nhưng rồi chuyến bay cũng kịp đến trước khi trời tối. Vậy là 904 chị em chúng tôi được trao trả hết trong ngày 15/2/1973.

Thị trấn Lộc Ninh rợp cờ xanh đỏ sao vàng và những băng rôn chào mừng “Những người chiến thắng trở về”. Chúng tôi như ngợp trong vòng tay săn đón đầy ắp tình dân, nghĩa Đảng.

Sau đó chúng tôi được chở về “ém” trong những lán trại bí mật sâu trong rừng cao su. Vài ngày sau một số chị em được chuyển ra Đoàn đón tiếp Dân chính Lộc Ninh, trong đó có tôi, vì chúng tôi vốn dĩ là những cán bộ dân sự trước khi bị bắt. Tôi được đưa vào bệnh viện Bình Phước để điều trị cùng với một số anh chị em thương bệnh binh khác.

*        * 
*

Đã 50 năm trôi qua, nhưng ký ức về ngày 15/2/1973 vẫn luôn tươi rói trong mỗi chúng tôi. Và ngày này được chúng tôi chọn làm ngày truyền thống nữ tù binh. Hàng năm cứ đến ngày 15/2 chúng tôi tổ chức họp mặt, cùng ngồi lại bên nhau để nhắc lại bao kỷ niệm buồn vui, sống chết có nhau nơi nhà tù của địch.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhớ ngày trao trả nữ tù binh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO