Những quyết định mang tầm lịch sử...

VÕ VĂN TRƯỜNG 02/09/2018 02:24

Để Cách mạng tháng Tám thành công, theo PGS-NGND. Lê Mậu Hãn, có nguyên nhân về những quyết định mang tầm lịch sử, trước hết là quyết định của Bác, Trung ương Đảng; với các tỉnh, thành thì đó là quyết định sáng suốt của những người lãnh đạo ở địa phương, sau này đều là những nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh chung với nhà cách mạng Cao Hồng Lãnh nhân dịp mừng thọ 100 tuổi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh chung với nhà cách mạng Cao Hồng Lãnh nhân dịp mừng thọ 100 tuổi.

1. Tham gia sản xuất những tập phim về đề tài chiến tranh cách mạng của tỉnh, tôi có được cơ duyên cùng PGS-TS. Ngô Văn Minh đến thăm, tiếp chuyện PGS-NGND. Lê Mậu Hãn - người trọn đời cống hiến cho nền sử học đương đại. Khi nói về cách mạng tháng 8.1945 ở Quảng Nam, PGS-NGND. Lê Mậu Hãn đưa ra một số điều lý thú. Khi đề cập, Quảng Nam là một trong số 4 tỉnh thành trong cả nước nổi dậy giành chính quyền thành công sớm nhất nước, PGS-NGND Lê Mậu Hãn nói ngay đến những quyết định mà ông cho rằng “mang tầm lịch sử và mang dấu ấn cá nhân của người lãnh đạo”. Và PGS.NGND. Lê Mẫu Hãn đã nhắc đến Võ Toàn - tức đồng chí Võ Chí Công.

Khi tìm hiểu vấn đề này tôi được biết PGS-TS. Ngô Văn Minh cũng đã có nghiên cứu và đề cập trong bài báo “Vai trò của đồng chí Võ Chí Công trong cách mạng Tháng 8.1945 ở Quảng Nam” đăng ngày 7.8.2012 trên Tạp chí Xây dựng Đảng. PGS-TS. Ngô Văn Minh cho hay, về bối cảnh đêm trước của cuộc Cách mạng Tháng Tám. Đó là, lúc đầu, Thường trực Ủy ban bạo động tỉnh Quảng Nam lên kế hoạch khởi nghĩa vào ngày 21.8 và dự kiến cấp phủ, huyện khởi sự trước, sau đó mới tập trung lực lượng kéo về cướp chính quyền ở tỉnh lỵ Hội An. Thế nhưng khi kiểm tra tình hình tại Hội An vào đêm 17.8.1945, đồng chí Võ Chí Công lấy danh nghĩa Thường trực Ủy ban bạo động tỉnh đã triệu tập khẩn cấp cuộc họp Ủy ban bạo động Hội An. Qua phân tích thấy tình hình ở đây có những chuyển biến thuận lợi (Đồn bảo an đã có cơ sở nội ứng; Tỉnh trưởng Tôn Thất Giáng thái độ lừng khừng không dám chống đối; quân Nhật đã rút ra Đà Nẵng, chỉ để lại chưa đầy 10 tên) nhưng số phản đế và số chức sắc trong đạo Cao Đài lại đang sắm cờ chuẩn bị tranh cướp chính quyền với Việt Minh, đồng chí Võ Chí Công khẳng định thời cơ khởi nghĩa ở Hội An đã chín muồi, cần nhanh chóng cướp chính quyền ngay trong đêm 17.8. Chỉ trong 4 tiếng đồng hồ, rạng sáng ngày 18.8 cuộc khởi nghĩa ở Hội An giành thắng lợi. Hiện nay ở Hội An có con đường mang tên 18.8, nhằm đánh dấu sự kiện trọng đại trên quê hương đất Quảng trong mùa thu lịch sử 1945.

Cần nói thêm là đúng 30 năm sau, trong cuộc tổng tấn công nổi dậy mùa xuân 1975, sau khi cơ bản giải phóng Đăk Lăk, Bộ Chính trị điện cho đồng chí Võ Chí Công lên Tây Nguyên họp với Bộ Tổng Tư lệnh tiền phương tại Buôn Mê Thuột bàn cách phát triển chiến dịch. Nhưng trên đường đi thấy chiến trường có lợi cho ta, cụ thể địch rút chạy khỏi Kon Tum, nên đồng chí Võ Chí Công đã điện Bộ Chính trị không đi họp nữa mà quay về giải phóng Đà Nẵng. Đó là quyết định lịch sử đúng đắn để Đà Nẵng giải phóng vào ngày 29.3.1975.

2. PGS-NGND. Lê Mậu Hãn cho rằng mảnh đất Quảng Nam đã sinh ra những con người kiệt hiệt, rất đúng câu nói: người có mặt khi lịch sử cần. Thêm một người mà PGS-NGND. Lê Mậu Hãn nói đến là nhà cách mạng Cao Hồng Lãnh. Ông tên thật là Phan Hải Thâm, sinh năm 1906 tại Hội An. Do yêu cầu của cách mạng, năm 1927, Phan Hải Thâm tham gia Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội tại Quảng Trị và chính ông là người thành lập tổ chức này tại thị xã Hội An.

 PGS-NGND. Lê Mậu Hãn và PGS-TS. Ngô Văn Minh (phải).
PGS-NGND. Lê Mậu Hãn và PGS-TS. Ngô Văn Minh (phải).

Trước thời kỳ chuẩn bị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm 1944, Cao Hồng Lãnh cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái... tham gia tổ chức tuyển chọn người. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, đồng chí Cao Hồng Lãnh được Bác Hồ giao trách nhiệm là thành viên của đoàn đại biểu Việt Minh đi từ Bắc vào Nam tiếp nhận chính quyền cách mạng và làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam, kiêm Khu ủy viên Khu V; đồng thời chuẩn bị cho công tác kinh tế và tổ chức tiếp viện từ bên ngoài vào Việt Nam ủng hộ công cuộc kiến quốc. Rõ ràng trong cách mạng Tháng 8.1945 ở Quảng Nam, đồng chí Cao Hồng Lãnh là người trực tiếp lãnh nhiệm vụ của Bác Hồ, các chủ trương Việt Minh về truyền đạt cho chính quyền cách mạng tỉnh Quảng Nam cũng như các tỉnh thành miền Nam đứng lên cướp chính quyền và sau đó là bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.

Còn nhớ khi trò chuyện với chị Cao Minh Hà - con gái của nhà cách mạng Cao Hồng Lãnh tại Hà Nội, chị Hà luôn bày tỏ niềm tự hào về quê hương đất Quảng, đặc biệt tại Hội An, chính quyền đã xây nhà lưu niệm cho cha chị tại số 129 Trần Phú. Hồi ức một lần về quê chị xúc động cho biết, nhà lưu niệm nhà cách mạng Cao Hồng Lãnh hiện là điểm di tích tham quan thu hút rất đông du khách. Đây chính là nơi cha chị tổ chức cuộc họp đầu tiên để thành lập Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Hội An vào tháng 10.1927. Đặc biệt, không chỉ là người rất gần gũi với Bác Hồ, được Bác tin tưởng giao nhiều trọng trách mà cha chị còn có mối tình thâm với một con người đáng kính nữa đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chị kể: “Hai ông không chỉ thường bàn bạc công việc với nhau mà đời thường lại cũng rất thân nhau, quý nhau, thường đi lại thăm hỏi khi có việc riêng tư… Đặc biệt cả hai cụ đều đại thọ”. Bức ảnh đại tướng đến thăm nhân lễ đại thọ 100 tuổi của cụ Cao Hồng Lãnh là kỷ niệm đẹp mà gia đình chị Cao Minh Hà trân trọng lưu giữ. Mở cuốn sổ lưu bút gia đình, chị Cao Minh Hà cho hay, cha chị - nhà cách mạng Cao Hồng Lãnh mất ngày 26.7.2008 tại Hà Nội, thọ 102 tuổi và có đến 82 năm tuổi Đảng. Tại lễ mừng thọ 100 tuổi của ông, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phát biểu: “Tôi và anh Lãnh từng hoạt động cùng nhau ở Trung Quốc, ở chiến khu Việt Bắc... Sau này lại là những người bạn tốt của nhau. Kỷ niệm giữa hai chúng tôi nhiều lắm, khó mà kể hết được. Điều tôi thích nhất ở anh Lãnh là đức tính kiên định: kiên định đi theo con đường cách mạng, đi theo Bác Hồ để giải phóng dân tộc, đem lại hạnh phúc cho đồng bào”.

3. Quay lại vấn đề nhìn nhận về cuộc Cách mạng Tháng Tám, có thể nói dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các nhà tiền bối cách mạng, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến 18.8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam. Quảng Nam vinh dự cùng với Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh là 4 tỉnh thành tổ chức giành chính quyền thắng lợi đầu tiên trong cả nước. Cách mạng Tháng Tám thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt trong lịch sử dân tộc Việt Nam: Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình.

Để cách mạng thành công, theo PGS-NGND. Lê Mậu Hãn, có nguyên nhân về những quyết định mang tầm lịch sử, trước hết là quyết định của Bác, Trung ương Đảng; với các tỉnh, thành thì đó là quyết định sáng suốt của những người lãnh đạo ở địa phương, sau này đều là những nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước.

VÕ VĂN TRƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những quyết định mang tầm lịch sử...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO