Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Hội An

PHÙNG TẤN VINH 10/01/2023 17:07

(QNO) - Cuối năm 1967, cách mạng miền Nam đã giành được những thắng lợi to lớn, quan trọng cả về chính trị, quân sự. Trên cơ sở đó Đảng ta quyết tâm “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định”. Bộ Chính trị quyết định về: “Chủ trương mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968”.

Thành phố Hội An tổ chức Kỷ niệm 50 cuộc tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 tại Nghĩa trang liệt sĩ . Ảnh tư liệu
Thành phố Hội An tổ chức kỷ niệm 50 cuộc Tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Nghĩa trang liệt sĩ Hội An. Ảnh tư liệu

Triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị, tháng 1/1968, Đặc khu ủy Quảng Đà, quyết định chủ trương các xã phía đông dưới đường quốc lộ 1 có nhiệm vụ tham gia trực tiếp cuộc tổng tấn công và nổi dậy tại thị xã Hội An, gồm có các xã Bình Giang, Bình Triều, Bình Đào, Bình Dương (huyện Thăng Bình); Xuyên Phước, Xuyên Thọ, Xuyên Nghĩa, Xuyên Long, Xuyên Tân, Xuyên An (huyện Duy Xuyên); Điện Thành, Điện Nam, Điện Phương, Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Hải (huyện Điện Bàn).

Tại Hội An, để chuẩn bị tốt cho cuộc tổng tiến công, ngày 25/1/1968, Tiểu đoàn 3 của Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 được tăng cường về phối hợp tác chiến. Ban chỉ huy Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa thị xã do đồng chí Ngô Xuân Hạ - Bí thư Thị ủy làm chính ủy, đồng chí Nguyễn Hoán - Tham mưu phó Mặt trận 4 làm tư lệnh.

Sau khi khảo sát địa bàn và kiểm tra tình hình chuẩn bị của các địa phương, đơn vị, ban chỉ huy thông qua phương án tác chiến: lực lượng chính trị tấn công vào nội ô theo 4 cánh bắc, tây, đông, nam và kết hợp đưa “tối hậu thư” vào các đồn bốt đề nghị địch đầu hàng, tiến sâu vào thị xã cùng lực lượng nội ô giành chính quyền.

Phụ nữ Hội An học tập chính trị chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968
Phụ nữ Hội An học tập chính trị chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

Lúc 2 giờ 40 phút ngày 31/1/1968 (đúng ngày mùng Một Tết), cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân Hội An bắt đầu nổ ra. Hai tiểu đoàn bộ đội tỉnh tấn công vào các vị trí địch ở hướng đông bắc nội ô. Chiến sự tại khu Công binh và Chi Lăng diễn ra quyết liệt, Tiểu đoàn Công binh 102 và Tiểu đoàn Bảo an địch dựa vào hệ thống bố phòng, công sự kiên cố dùng hỏa lực mạnh đánh trả các đợt xung phong của quân ta.

Đến 4 giờ 30 phút, sau khi phá được 11 lớp rào, quân ta mới mở cửa tiến vào khu Công binh và trại Chi Lăng nhưng quân số của 2 tiểu đoàn đã bị tổn thất 1/3 lực lượng, vũ khí cũng đã gần hết. Các đại đội bộ binh tiếp tục triển khai đánh địch trong các căn nhà, đến 5 giờ sáng quân ta mới hoàn toàn chiếm lĩnh trận địa, bắt sống 150 tù binh, nhưng lực lượng ta cũng thương vong gần một nửa.

Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng bộ đội vẫn tổ chức hai mũi phát triển về phía bắc đánh vào tiểu khu. Hỏa lực địch ở các vị trí phòng thủ tại khu vực nhà thờ, đồn công an và xung quanh tiểu khu đánh trả quyết liệt, đồng thời địch còn huy động trực thăng oanh tạc và xe tăng bắn pháo thẳng vào đội hình quân ta ở khu Công binh và Chi Lăng, gây cho ta nhiều thương vong lớn. Cùng  lúc, Đại đội 1 của thị xã đã hoàn toàn làm chủ xã Cẩm Nam, quần chúng nổi dậy phá banh khu dồn.

Truyền đơn của Thị ủy Hội An dùng để tuyên truyền binh lính Nam Triều Tiên phản chiến năm 1968
Truyền đơn của Thị ủy Hội An dùng để tuyên truyền đối với binh lính Nam Triều Tiên phản chiến năm 1968. Ảnh tư liệu

Lực lượng quần chúng hơn 11.850 người từ nhiều mũi, mang theo gậy gộc, dao rựa, cờ băng rôn tiến thẳng vào nội ô. Cánh quân phía Bắc chia làm 3 mũi. Mũi thứ nhất từ Cẩm An và Trà Quế, Cẩm Hà tiến vào hồ Bà Thiên, Xóm Mới, khi đến Trường Lệ, địch trong các lô cốt xả đạn như mưa vào đoàn quân nhưng đồng bào vẫn tiếp tục xông lên.

Mũi thứ hai với hơn 2.500 quần chúng của các xã Điện Dương, Điện Hải do đồng chí Đinh Ngọc Dũng - Phó Ban đấu tranh chính trị của Đặc Khu uỷ Quảng Đà trực tiếp chỉ huy, cùng với lực lượng quần chúng xã Cẩm Hà tiến vào nội ô theo hướng chùa Thanh Minh.

Đoàn quân vừa đến khu vực Tư Qườn thì địch trong lô lốt bắn xối xả vào bộ đội ta giữa cồn cát trống trải. Mũi thứ ba từ Cẩm Châu tiến lên đến Sơn Phô. Địch huy động lực lượng ra ngăn cản và xả đạn vào đoàn biểu tình. Lực lượng xung kích cầm đầu đoàn quân tiếp tục xông lên và hô vang các khẩu hiệu “Đồng bào ta cương quyết tiến lên”, “Yêu cầu anh em binh sĩ không được bắn vào đồng bào!”.

Cánh quân phía Nam gồm lực lượng các xã Bình Giang, Bình Đào, Bình Triều, Bình Dương (Thăng Bình), Xuyên Thái, Xuyên Thọ, Xuyên Long, Xuyên Phước, Xuyên An, Xuyên Tân (Duy Xuyên) và Cẩm Kim, Cẩm Nam sau khi đã hoàn toàn làm chủ tình hình xã Cẩm Nam tiếp tục dùng ghe vượt sông tiến sang nội ô. Đại đội biệt kích tại trại Tây Hồ đặt trung liên, đại liên nhắm vào các thuyền chở quân của ta xả đạn, pháo bắn tới tấp vào đội hình ta ở Xuyên Trung, Hà Trung (Cẩm Nam) làm cho cánh quân phía Nam bị chững lại bên kia sông dưới làn mưa đạn ác liệt của kẻ thù.

Cánh quân phía đông gồm lực lượng quần chúng Cẩm Thanh tiến theo đường Cồn Chài nổi trống, mỏ gây thanh thế cho bộ đội tiến công. Lực lượng biểu tình đã vượt qua khu vực kiểm soát của Trung đoàn 51 địch, đánh tan một trung đội dân vệ chặn đường.

Cánh quân phía Tây gồm lực lượng quần chúng xã Điện Thành do đồng chí Nguyễn Văn Châu - Thường vụ huyện uỷ Điện Bàn trực tiếp chỉ huy và lực lượng một số thôn phía tây xã Cẩm Hà.

Cả buổi sáng ngày 31/1/1968, quân ta vẫn giữ trận địa chiếm lĩnh khu Công binh và Chi Lăng, đẩy lùi các đợt phản kích, địch tiếp tục bắn pháo dữ dội vào đội hình ta và các khu vực xung quanh.

Cựu chiến binh Tiểu đoàn 2(V25) Quảng Đà thăm lại chiến tích Khu Công binh (nay là Công viên văn Hội An) trong cuộc tấn công Mậu Thân 1968
Cựu chiến binh Tiểu đoàn 2(V25) Quảng Đà thăm lại chiến tích Khu Công binh (nay là Công viên văn Hội An) trong cuộc tấn công Mậu Thân 1968

Trưa ngày 30/1/1968, lính Nam Triều Tiên dùng xe tăng từ Cẩm Hà tiến xuống khép dần vòng vây phía bắc, chuẩn bị mở cuộc phản kích tiêu diệt toàn bộ quân ta. Các tiểu đoàn biệt động quân 34, 37, 39 triển khai từ khu vực trường Cao Bá Quát xuống miếu Ông Cọp vào cây Da Kèn.

Chi đoàn thiết giáp M113 và xe tăng phòng thủ tại tiểu khu cũng chuẩn bị xuất kích phối hợp tấn công. Máy bay địch dội bom vào khu vực hồ Bà Thiên và Trường Lệ. Tình thế trở nên hết sức gây go, phức tạp.

Để bảo toàn lực lượng, đêm 31/1, Tiểu đoàn 2 cùng chỉ huy sở rút về Trà Quế, Tiểu đoàn 3 rút về Xóm Chiêu bố trí trận địa, chuẩn bị sẵn sàng đánh địch phản kích. Lực lượng quần chúng khởi nghĩa được lệnh chuyển sang làm nhiệm vụ tiếp tế hậu cần, tải thương, giải quyết chiến trường, phục vụ cho bộ đội rút lui.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ thị xã, quân và dân Hội An đã nỗ lực phi thường, đem hết tinh thần và lực lượng để thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Trong cuộc tiến công, ta tiêu diệt 625 tên địch, bắt sống 107 tên, thu 81 súng các loại, phá huỷ 3 pháo đài 105mm, bắn cháy 1 xe Jeep, 3 xe M113, phá huỷ 50 xe vận tải, chiếm giữ một số vị trí quan trọng của địch ở nội ô hơn 1 ngày. Với những thành tích trên, quân và dân Hội An được Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng khu Trung Trung bộ tặng Huân chương Quân công hạng Nhì.

Dù không giành được thắng lợi trọn vẹn do lực lượng quân sự giữa ta và địch quá chênh lệch, chưa đánh giá tình hình một cách chính xác, khoa học, mà phải tuân thủ tuyệt đối mệnh lệnh của cấp trên, cho đây là trận đánh quyết định và chắc thắng nên đưa phương án tác chiến chưa phù hợp, công tác chuẩn bị chiến trường chưa tốt, hiệp đồng chiến đấu giữa các mũi tiến công chưa chặt chẽ. Khả năng nổi dậy của quần chúng còn chủ quan, đơn giản, sử dụng bạo lực chính trị chưa đúng thời cơ, không tính toán kỹ sự chống trả tàn bạo của địch.

Những thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân Hội An đã chứng minh rằng sự lựa chọn chiến lược đó là cực kỳ nhạy bén, táo bạo và chính xác của Đảng ta. Quân ta đã có những nỗ lực thần kỳ và nét nổi bật nhất là đã tạo ra sự bất ngờ cao độ về cả hướng tiến công chính, thời điểm, quy mô, cường độ và chiến thuật tiến công.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 có ý nghĩa chiến lược, góp phần giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Mỹ, buộc chúng phải đơn phương “xuống thang chiến tranh”, khởi đầu cho một quá trình đi xuống về mặt chiến lược, tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi tới thắng lợi.

55 năm trôi qua nhưng tinh thần quật khởi, bài học lịch sử trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của Đảng bộ, quân và dân Hội An còn sống mãi, vang vọng hào khí cách mạng, về khát vọng độc lập dân tộc, tự do và hòa bình.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO