Từ trận đầu đánh Mỹ đến Chiến dịch Hồ Chí Minh - Kỳ 4: Chiến dịch Trị - Thiên, đường đến Hiệp định Paris

PHAN THANH HẬU 23/04/2020 08:59

Chiến dịch tiến công Quảng Trị - Thừa Thiên, diễn ra từ ngày 30.3 đến 27.6.1972, tại hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Chiến dịch do Thiếu tướng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Quang Đạo làm Chính ủy.

Quân Giải phóng tiến vào cứ điểm Đầu Mầu, tỉnh Quảng Trị trưa 31.3.1972.
Quân Giải phóng tiến vào cứ điểm Đầu Mầu, tỉnh Quảng Trị trưa 31.3.1972.

Ngày 23.3.1972, Bộ Chính trị thông qua quyết tâm và phê chuẩn kế hoạch tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam, lấy Trị - Thiên làm hướng tiến công chủ yếu (Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là hai hướng phối hợp quan trọng) nhằm tiêu diệt lớn quân địch, mở rộng vùng giải phóng, làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho ta.

Lực lượng tham chiến

Ngày 15.3.1972 tại Bãi Hà (Vĩnh Linh, Quảng Trị), Ðảng ủy Bộ Tư lệnh chiến dịch Trị - Thiên họp bàn triển khai kế hoạch tác chiến. Thiếu tướng Lê Trọng Tấn thay mặt Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến dịch báo cáo kế hoạch trong đó xác định: Chiến trường Trị - Thiên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng trong hệ thống phòng ngự chiến lược của địch. Trong những năm qua mặc dù bị thua đau, bị hao tổn binh lực nhưng địch vẫn tăng cường phòng thủ chắc chắn. Ðịch bố trí lực lượng thành ba tuyến: Tuyến ngoài cùng (giáp ranh giữa ta và địch) kéo dài từ Biển Ðông đến sát biên giới Việt - Lào, có nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn, phá hoại sự chuẩn bị của ta từ xa. Lực lượng bảo vệ tuyến này là không quân, pháo binh, biệt kích, khẩn cấp lắm thì dùng một bộ phận nhỏ chủ lực hành quân càn quét. Tuyến giữa là tuyến phòng thủ cơ bản quan trọng nhất trong hệ thống phòng thủ của địch. Nhiệm vụ của tuyến này là ngăn chặn cuộc tiến công của ta, bảo vệ các thị xã, thị trấn, các căn cứ, đường giao thông quan trọng và các vùng đã “bình định” của địch. Trên tuyến này địch tổ chức thành từng khu vực phòng thủ cấp trung đoàn, tiểu đoàn hoặc tương đương, vừa liên kết phòng giữ vừa có thể độc lập tác chiến. Tuyến trong cùng - còn gọi là tuyến phòng thủ dự bị  - từ đường số 1 kéo ra Biển Ðông gồm các thị trấn, thị xã đông dân: Ðông Hà, Ái Tử, Quảng Trị, lính ngụy ở tuyến này có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với bảo an dân vệ, kìm kẹp, đánh phá các phong trào đấu tranh, hoặc nổi dậy của quần chúng.

Về tương quan lực lượng, phía ta có 3 sư đoàn (304, 308, 324) và 4 trung đoàn bộ binh, 7 trung đoàn pháo mặt đất (390 khẩu), 2 trung đoàn xe tăng - thiết giáp (136 xe), 3 sư đoàn phòng không hỗn hợp (2 trung đoàn tên lửa, 8 trung đoàn pháo phòng không), 3 trung đoàn công binh, 16 tiểu đoàn đặc công, thông tin, vận tải; cùng lực lượng vũ trang địa phương hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên (11 tiểu đoàn, nhiều đại đội, trung đội) và nhân dân trên địa bàn chiến dịch. Về phía địch, chúng lập hàng trăm cứ điểm, cụm cứ điểm có công sự kiên cố và bố trí ở đây những đơn vị thiện chiến: 2 sư đoàn bộ binh (3, 1), 2 lữ đoàn thủy quân lục chiến (147, 258), 3 thiết đoàn (20, 11, 17), 13 tiểu đoàn và 5 đại đội pháo binh (258 khẩu) cùng với lực lượng địa phương ngụy có 4 tiểu đoàn, 94 đại đội bảo an và 302 trung đội dân vệ, 5.000 cảnh sát.

Ba đợt triển khai chiến dịch

Đợt 1, từ 30.3 - 9.4.1972: Ta đồng loạt tiến công vào hầu hết căn cứ địch, phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài, giải phóng 2 huyện Gio Linh và Cam Lộ tỉnh Quảng Trị; buộc địch phải co cụm, bố trí lực lượng phòng ngự thành 3 cụm Đông Hà, Ái Tử, La Vang.

Đợt 2, từ 26.4 - 2.6.1972: Ta tiếp tục tiến công tiêu diệt các cứ điểm Đông Hà, Ái Tử, La Vang, giải phóng toàn bộ Quảng Trị; quân ngụy điều lực lượng tổng dự bị chiến lược ra Huế, Mỹ dùng máy bay và pháo hạm đội bắn phá quyết liệt.

Đợt 3, từ 20 - 27.6.1972: Ta tiếp tục tiến công tuyến phòng thủ nam sông Mỹ Chánh của địch; nhưng lúc này bắt đầu mùa mưa, việc vận chuyển vật chất cho chiến dịch gặp nhiều khó khăn, sức chiến đấu của bộ đội giảm sút, Bộ Tư lệnh quyết định kết thúc chiến dịch ngày 27.6.1972.

Sau 3 đợt tiến công (chủ yếu là đợt 1 và 2) ta đã tiêu diệt và làm rã ngũ hơn 27.000 quân địch, bắt 3.386 tên; thu và phá hủy 636 xe tăng - thiết giáp (thu 56 xe), 419 khẩu pháo (thu 194 khẩu), thu gần 3.000 súng bộ binh, 310 máy vô tuyến điện; phá 1.870 xe quân sự, 19 tàu chiến, bắn rơi và phá 340 máy bay, giải phóng tỉnh Quảng Trị và 3 xã thuộc huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ta đã hoàn thành xuất sắc 3 nhiệm vụ chiến lược đề ra là phá vỡ tuyến phòng thủ bên ngoài để nhanh chóng đưa lực lượng vào tiến công Đông Hà, Ái Tử, Mai Lộc; phá vỡ hệ thống trận địa pháo binh địch và đánh quân địch cơ động ứng chiến cỡ tiểu đoàn, trung đoàn.

Thắng lợi của chiến dịch tiến công Trị - Thiên có ý nghĩa chiến lược về quân sự và chính trị: Lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, ta đã tiến hành thắng lợi một chiến dịch tiến công binh chủng hợp thành quy mô lớn, tiêu diệt nhiều trung đoàn, đánh bại Sư đoàn 3 ngụy, đưa nghệ thuật chiến dịch Việt Nam lên một bước phát triển mới; góp phần tạo ra cục diện mới trên chiến trường có lợi cho ta trong cuộc tiến công chiến lược 1972. Trong đó, trực tiếp là tạo thế và lực cho ta tiến hành chiến dịch phòng ngự Quảng Trị (28.6.1972 - 31.1.1973) thắng lợi, góp phần làm thất bại hoàn toàn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”; tạo bước ngoặt buộc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn phải ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

-----------

Kỳ 5: Mở  toang “cánh cửa thép” Thượng Đức

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ trận đầu đánh Mỹ đến Chiến dịch Hồ Chí Minh - Kỳ 4: Chiến dịch Trị - Thiên, đường đến Hiệp định Paris
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO