Các anh trong Ban Tuyên giáo Phú Ninh gửi thư điện tử gợi ý tôi viết về “Chiến thắng Quán Rường và ga An Mỹ”. May quá, trong Lịch sử Tỉnh đội Quảng Nam có bốn dòng đề cập trận Quán Rường: “Tiểu đoàn 70 sau khi hoàn thành nhiệm vụ tác chiến ở cánh Nam, hành quân ra huyện Bắc Tam Kỳ. Đêm ngày 8.6.1965, tiểu đoàn tập kích diệt một đại đội Cộng hòa đóng dã chiến tại chợ Quán Rường, làm tan rã bọn dân vệ, giải phóng xã Kỳ Lý, mở rộng hành lang xuống vùng đông Thăng Bình - Tam Kỳ”.
Với tôi, người tìm hiểu lịch sử quê hương, người viết về cuộc sống, chiến đấu của chiến sĩ và nhân dân thì những dòng ấy rất quý song chưa đủ. Tôi quyết đi tìm hiểu xem sao. Trong bốn dòng nói về trận Quán Rường, nói đến Tiểu đoàn 70 nhưng không nhắc đến một chiến sĩ nào. Hy vọng Đại tá Trần Kim Anh biết về trận Quán Rường, bởi tháng 8.1959 ông về hoạt động ở Quảng Nam, làm Trưởng ban Quân sự nửa tỉnh phía Nam Quảng Nam, Phó Tham mưu trưởng Tỉnh đội Quảng Nam. Tôi tìm đến nhà Đại tá Trần Kim Anh ở Tam Kỳ, vừa để hỏi thăm sức khỏe vì khá lâu không gặp, kể từ ngày ông rời nhiệm vụ Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Nam, nhân dịp hỏi về trận Quán Rường. Ở tuổi tám lăm, đại tá đi lại khá nặng nề. Điều mà tuổi xế chiều khó tránh là yếu dần và quên dần. Trí nhớ của Đại tá Trần Kim Anh giảm sút nặng. Có quá nhiều trận đánh đã trải qua trong cuộc đời cho nên ông khó mà nhớ rõ trận “giáp lá cà” nào là ở trận đánh nào, diễn ra ở đâu, vào thời điểm nào, đánh giặc Pháp hay đánh quân xâm lược Mỹ. Tôi hỏi trận đánh nào nhớ nhất, đại tá nheo đôi mắt, nhìn lên trần nhà mô tả khá ấn tượng trận Ma Thiên năm 1948: “Tôi trèo lên bờ chiến hào, tay cầm cây súng trường, đánh một phát vào bộ dái thằng Tây làm hắn nhào xuống hào. Tôi chụp cây tam xông và 5 băng đạn, chạy... Tôi đi ba ngày thì gặp lại đơn vị. Tư lệnh Thiếu Sơn nghe tôi báo cáo đánh chết thằng Tây lấy được cây tam xông, ổng ôm tôi, khen tôi dũng cảm. Hồi đó cả tiểu đội mới có một cây súng trường mas mà lấy được một cây súng của thằng Tây thì quá sướng. Trận đó tôi được biểu dương toàn mặt trận…”.
Tôi phải chọn lúc đại tá nghỉ thở, ngắt lời để hỏi về trận Quán Rường, ông nói: “Trận Quán Rường ta bố trí đánh một đại đội Bảo An. Nhưng khi cho trinh sát đi kiểm tra lại thì phát hiện chiều đó chúng vừa đưa đến thêm một đại đội. Thấy chúng bố trí chung đội hình nên không chờ mà đánh ngay. Trận này ta diệt gọn 2 đại đội, bắt sống 30 tù binh, thu hơn 100 súng các loại. Sau trận phá ấp chiến lược cầu Quế Phương ở Tiên Phước và trận Quán Rường, khu V tổ chức Đại hội tuyên dương anh hùng chiến sĩ thi đua tổng kết rút kinh nghiệm. Sau đại hội tôi được ra Bắc và được gặp Bác Hồ...”. Không biết đã bao nhiêu lần đại tá kể về lần đầu gặp Bác Hồ và lần nghe tin Bác mất, nay lại kể, tôi thấy ông ngậm ngùi, dòng lệ ứa ra từ đôi mắt không còn nhìn rõ nữa.
Nhận thấy chưa rõ lắm về trận Quán Rường, tôi tìm gặp Đại tá Nguyễn Văn Tâm - nguyên Tỉnh đội trưởng Quảng Nam, từng là Huyện đội phó rồi Huyện đội trưởng Nam Tam Kỳ. Đại tá Nguyễn Văn Tâm khẳng định trận Quán Rường là do Tiểu đoàn 70 đánh. Nhưng để chắc ăn, đại tá điện hỏi Đại tá Châu Sa - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 70. Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Châu Sa, người chỉ huy trận đánh Quán Rường, từ Hà Nội, rất tiếc không có dịp quay lại với Quán Rường, với Chu Lai - Núi Thành và cũng khó mà nói rõ hơn về trận đánh Quán Rường đã diễn ra gần 50 năm. Qua điện thoại, Đại tá Châu Sa nói ngắn gọn: “Trong chiến dịch Hè - 1965, bộ đội ta đánh bọn thủy quân lục chiến Mỹ ở Núi Thành, đồng thời tiểu đoàn bố trí hai mũi tấn công phối hợp, một mũi đánh vào bọn lính chốt giữ ở đầu cầu Ông Bộ, một mũi đánh quân từ quận Lý Tín chi viện ra Khương Vĩnh, Khương Đại. Bị tổn thất nặng, trung đoàn ngụy đóng ở Núi Cấm cho một đại đội lên chốt cạnh đường sắt gần chợ Quán Rường nhằm ngăn chặn hành lang của ta từ vùng đông lên vùng trung, lên Tiên Phước. Thế là Tỉnh đội ra lệnh cho Tiểu đoàn 70 tổ chức đánh đại đội chốt ở Quán Rường… Đây là trận đánh rất hay, diệt gọn địch, ta tổn thất ít nhưng gây sức ép và uy hiếp phía Bắc Tam Kỳ - tỉnh lỵ Quảng Tín…”. Là một vị trí “yết hầu” vì vậy, sau đó ngụy quyền Quảng Tín đưa quân đến đóng đồn gọi là đồn Quán Rường.
Từ ngã ba Kỳ Lý đi về phía tây, qua chợ Cẩm Khê, hướng lên Eo Gió - ranh giới giữa Phú Ninh và Tiên Cẩm - Tiên Phước, chưa đầy mươi cây số thì đến chợ Quán Rường. Thời chống Mỹ, chợ Quán Rường ở dưới ga An Mỹ; năm 2000, chợ dời lên phía trên ga - nơi ngày xưa địch đóng đồn Quán Rường. Chợ đông vào buổi chiều. Tôi đi một vòng quanh khu chợ, chú ý đưa mắt nhìn những người lớn tuổi nhất với ý định, hỏi xem một vài ba người trong số họ liệu có ai biết chút gì về trận đánh Quán Rường. Tôi gặp Hai Tường, tức Nguyễn Văn Hữu tham gia du kích từ năm 1965, ở trong Ban chỉ huy xã đội Kỳ Mỹ, cùng Lịch sử Đảng bộ Tam Phước giúp tôi có thêm một số thông tin về trận Quán Rường. “Tháng 6.1965, Tiểu đoàn 70 về Kỳ An, đánh địch ở chợ Cẩm Khê. Ngày 8.6.1965, nhằm ngày mùng 9 tháng 5 âm lịch, từ Kỳ An, Tiểu đoàn 70 có sự hỗ trợ dẫn đường của du kích và nội tuyến trong nghĩa quân xã Kỳ Mỹ, tập kích diệt gọn trung đội Bảo an, do tên Dưỡng chỉ huy và trung đội nghĩa quân tại Quán Rường, do tên Quy chỉ huy, phá tan ấp chiến lược kiểu mẫu, giải phóng toàn xã Kỳ Mỹ...”. Hai Tường còn nhớ trận đánh diễn ra ngày 8.6.1965, Trung đội trưởng nghĩa quân Nguyễn Quy chết tại trận, trận đánh làm cháy chợ Quán Rường. Trận này tên Dưỡng, Trung đội trưởng Bảo An bị thương, bắt dân bỏ lên xe bò cùng với xác chết đồng bọn đưa ra khỏi khu vực quân giải phóng truy kích. Một năm sau, chúng kéo lên đồi Ông Thịnh, bị mìn của du kích, 7 tên thiệt mạng, trong đó có tên Dưỡng.
Giá như có một bài báo mô tả, tường thuật một cách chân thật, đầy đủ về trận đánh Quán Rường ngày ấy thì là những tư liệu quý giá để người đời sau hiểu hơn thế nào là ác liệt, là hy sinh, gian khổ của hôm qua! Và hiểu thế nào là một cuộc chiến tranh nhân dân để có ngày hòa bình. Giá như còn ai đó nhớ kể lại chuyện ngày xưa…
Sau gần 40 năm đất nước hoàn toàn giải phóng, đã viết, đã ghi lại, song, chưa nhiều những trang sử, trang văn viết về du kích và nhân dân anh hùng. Thời gian không ngừng trôi qua, những người trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu tử sinh lần lượt ra đi, giao tất cả lại cho lớp trẻ đang lo phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, hướng đến tương lai.
HỒ DUY LỆ