Viết về "tam nông"

ĐĂNG QUANG 10/09/2018 03:48

Trong các hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam lần thứ VIII, một cuộc thi báo chí viết về nông nghiệp - nông dân - nông thôn (gọi tắt là “tam nông”) đã được tổ chức. Qua 3 tháng phát động, đã có gần 50 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả từ các cơ quan báo chí địa phương và trung ương tham dự cuộc thi.

Có lẽ do thời gian phát động quá ngắn, nhiều nhà báo chưa nắm bắt được thông tin, nên số lượng tác phẩm tham gia cuộc thi còn hạn chế. Bởi theo dõi trên nhiều tờ báo, câu chuyện về “tam nông” luôn là đề tài được quan tâm, nhiều chủ đề thời sự và thời thượng liên quan lĩnh vực này thường thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc. Nếu chọn lựa trong hàng trăm tờ báo, hàng nghìn tác phẩm, thì số lượng bài báo viết về “tam nông” chắc chắn sẽ nhiều hơn. Đặc biệt với một tỉnh như Quảng Nam đang trên đà công nghiệp hóa mạnh mẽ nhưng “tam nông” vẫn là câu chuyện đầy trăn trở, thao thức về sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xây dựng nông thôn mới… báo chí phải “hít thở” trong bầu khí quyển mà nông dân vẫn chiếm số đông.

Mừng thay với những lấp lánh trong những câu chuyện báo chí đề cập, thấy những vấn đề mới, diện mạo mới theo hướng tích cực của “tam nông”  trên vùng đất Quảng.

Đó là bước chuyển của tư duy từ nền nông nghiệp chủ yếu lấy hiện vật (sản lượng, lương thực) sang sản xuất hàng hóa lấy giá trị (chất lượng, hiệu quả thị trường) làm thước đo. Nhờ thế, trên đồng đất xứ Quảng đã xuất hiện những cánh đồng mẫu lớn sản xuất giống lúa hàng hóa; nhiều trang trại, gia trại ra đời với sản phẩm đặc trưng cho giá trị kinh tế cao; nhiều mô hình ứng dụng công nghệ để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn đưa vào chuỗi siêu thị, nhà hàng…

Đó là cuộc cách mạng về cơ giới hóa sản xuất, đầu tư hạ tầng sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu lao động… làm cho bức tranh làng quê nông thôn ngày càng khởi sắc.

Đó là sự kết hợp của sản xuất nông nghiệp với việc hình thành vùng nguyên liệu, dược liệu; hợp tác giữa nông nghiệp và du lịch để cho ra sản phẩm mới; phục hồi các giá trị tài nguyên bản địa của nông nghiệp truyền thống gắn với văn hóa nông thôn và nông dân Quảng Nam.

Và, như một lẽ tất yếu không có gì là hoàn thiện, hoàn hảo, có những vấn đề nảy sinh từ đời sống của nông dân trên bước đường hội nhập và phát triển còn lắm suy tư, trăn trở. Như có sự trôi dạt ít nhiều lực lượng lao động khiến cho ruộng đồng có nơi bị bỏ hoang; có sự “tổn thương” trong sản xuất nông nghiệp khi chưa nắm bắt nhu cầu thị trường lại bị đe dọa bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Như công cuộc giảm nghèo, vẫn là hành trình còn cam go nhất là với nông dân miền núi. Như sự “lạc trôi” của một bộ phận nông dân lớn tuổi phải vất vả tìm kiếm kế mưu sinh khi chưa kịp chuyển đổi nghề trong dòng chảy đô thị hóa…  

Như thế chủ đề “tam nông”, trong đó nông dân là nòng cốt - chủ thể sản xuất nông nghiệp, chủ nhân không gian sống ở nông thôn, sẽ còn đòi hỏi báo chí đồng hành. Báo chí cần làm tốt vai trò cầu nối đưa thông tin hữu ích (chẳng hạn về chủ trương chính sách mới, khoa học kỹ thuật mới,  nhu cầu thị trường…) đến nông dân, đồng thời cổ xúy cho thế hệ nông dân mới tự tin bước vào nền sản xuất xanh, sạch, an toàn. Báo chí cần làm chỗ dựa tin cậy cho nông dân khi cung cấp những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao hiệu quả để nhân rộng, biểu dương những gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, những hoạt động tương trợ chia sẻ của cộng đồng nhằm giúp những nông hộ còn nghèo được thoát nghèo bền vững.

Cuối cùng, trong khi phản ánh những bộn bề gian nan để bắt đất đẻ ra vàng và phòng ngày trời làm thất bát, làm sao báo chí tiếp thêm niềm tin cho nông dân hướng về ngày mai, về tương lai? Dù có thể khó đạt suy tưởng như bài thơ “Nông dân” của Nguyễn Sĩ Đại nhưng báo chí cũng cần làm cho cộng đồng xã hội hướng đích về nông dân, để thấy: “Nông dân sống lặng thầm như đất/Có thể hoang vu, có thể mùa màng/Xin chớ mất, chớ niềm tin sai lạc/Chín phần mười đất nước - nông dân!”. Ngày nay, có thể chỉ còn bảy phần mười nông dân, nhưng tâm thế những người con mang gốc gác nông dân khó thể quên nỗi lòng của cha mẹ mình: “Chân trời của cha xưa không quá một tầm làng. Nhưng cha đã đi, đã đi mải miết. Sau chân trời, chân trời khác mở ra…” (Đường chân trời – Nguyễn Sĩ Đại).

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Viết về "tam nông"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO