Trong khi nhu cầu được sử dụng thực phẩm sạch, ít dư lượng các loại hóa chất của người tiêu dùng ngày càng cao, thì ở vùng nông thôn, người dân lại không mặn mà với mô hình sản xuất rau VietGap.
Tốn kém, không có đầu ra, giá thành cao… là những lý do người dân đưa ra khi không tiếp tục tham gia quy trình sản xuất rau VietGap. Trong khi đó, những cửa hàng rau sạch, thực phẩm sạch mở ra ở các trung tâm thành phố, thị trấn, sau một thời gian hoạt động đành lặng lẽ đóng cửa, bởi mô hình này không dễ để thành công. Ngay cả những hợp tác xã nông nghiệp được hỗ trợ máy móc, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap cũng than thở rằng rất khó để kiếm tìm đầu ra ổn định sản phẩm. Ông Nguyễn Ngô Quyền - Phó Giám đốc Hợp tác xã Đại An cho biết, năm 2013, cả vùng rau Bàu Tròn được quy hoạch theo tiêu chuẩn VietGap, nhưng đến hiện tại, các sản phẩm được đưa vào danh mục theo tiêu chuẩn VietGap lại không có thị trường tiêu thụ. “Trước đây một vài siêu thị ở Đà Nẵng đến ký hợp đồng nhưng sau đó không đảm bảo được đầu ra nên phải chấm dứt hợp đồng” - ông Quyền nói. Hiện tại, sau một thời gian đưa vào hoạt động, do bí đầu ra, nên nhà sơ chế rau củ quả Bàu Tròn dù được đầu tư xây dựng với tổng giá trị hơn 1,1 tỷ đồng, đành ngậm ngùi “đắp chiếu”. Với diện tích rộng đến 47ha với 1.100 xã viên của Hợp tác xã Đại An, Bàu Tròn hội tụ đủ điều kiện để trở thành vùng chuyên canh rau sạch, an toàn lớn nhất, nếu được đầu tư và đảm bảo đầu ra sản phẩm cho nông dân. Tuy nhiên, theo chia sẻ của các hộ dân, chi phí sơ chế rau theo tiêu chuẩn VietGap khá cao nên giá thành sản phẩm buộc phải cao hơn, nên không thể bán cho thương lái trong khi các siêu thị, cửa hàng rau sạch lại hủy hợp đồng.
Vùng sản xuất rau Bàu Tròn, xã Đại An. Đại Lộc. Ảnh: T.HIÊN |
Cách đây không lâu, người dân vùng Lang Châu Bắc (Duy Phước, Duy Xuyên) cũng ngậm ngùi nhìn cảnh rau quả rớt giá thê thảm. Phá sản mô hình sản xuất rau VietGap do không tìm được đầu ra. Quay về sản xuất theo kiểu truyền thống, người nông dân lại đối mặt với cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Vụ hè thu vừa rồi, vựa rau Bàu Tròn cũng rơi vào cảnh thua lỗ vì giá cả rất bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Cũng như các năm, thời tiết năm nay ít mưa lũ nên dự kiến giá rau tết sẽ giảm. Hiện tại, nông dân vẫn phải “tự bơi” với các sản phẩm của mình. Một nông dân ở thôn Lang Châu Bắc cho biết, trước đây được tuyên truyền vận động nên cũng có tham gia quy trình sản xuất rau VietGap. Tuy nhiên, sau một thời gian đầu tư, mặc dù công cán và chi phí tốn kém hơn, nhưng giá thành lại không thể bán cao hơn cho thương lái nên buộc phải trở về với trồng rau theo kiểu truyền thống.
Giải pháp nào cho rau VietGAP? Việc tìm giải pháp để người nông dân gắn bó với các vùng chuyên canh rau an toàn là vấn đề đặt ra hiện nay. Điều này nhằm trả về chất lượng thực sự cho rau an toàn, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Từ thực trạng đã được nhìn thấy, điều đầu tiên, cần quy hoạch các vùng sản xuất rau an toàn tập trung và ổn định, đảm bảo đủ sản lượng rau cung cấp cho nhu cầu của thị trường; xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ chi phí phân tích mẫu và chi phí chứng nhận VietGAP và chi phí xúc tiến thương mại cho nông dân trồng rau. Bên cạnh đó, việc chọn giống rau năng suất cao, chống chịu sâu bệnh… cũng là khâu quan trọng nâng cao chất lượng rau an toàn. Đồng thời người trồng rau phải được nâng cao hiểu biết về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, biết cách ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thế hệ mới, nắm rõ thời gian cách ly ngắn đối với sản phẩm khi thu hoạch để đảm bảo chất lượng nông sản.(B.T) |
Nhiễu loạn thông tin về rau sạch, rau an toàn khiến một bộ phận người tiêu dùng mất niềm tin vào các sản phẩm VietGap. Thực tế, việc quản lý thiếu chặt chẽ vấn đề thực phẩm tại các khu chợ đã làm cho các sản phẩm rau lẫn lộn với nhau làm người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là rau VietGap, đâu là rau thường. Trong khi đó, hầu hết người tiêu dùng khi đi chợ đều chung quan điểm là thấy thực phẩm tươi, xanh, non thì chọn mua mà không rõ về nguồn gốc, xuất xứ của các loại thực phẩm. Chị Huỳnh Trúc Ly, đường Trần Hưng Đạo, phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) chia sẻ rằng, lâu nay không biết về rau VietGap, thường ngày đi chợ thấy rau tươi, non thì chọn mua... Ngay cả khi biết rằng sản phẩm rau quả nếu bắt mắt thì dư lượng thuốc trừ sâu, hóa chất rất nhiều, nhưng đành “nhắm mắt cho qua”, bởi họ không thể xác định được đâu là rau sạch, rau an toàn. Công tác tuyên truyền về các thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng chưa được chú trọng và quan tâm, trong khi đó chủ các cửa hàng buôn bán thì nắm bắt được tâm lý “đánh lừa” thị giác của người tiêu dùng đã làm cho rau VietGap trở nên “yếu thế” hơn trên thị trường hiện nay. Chuyện “bí” đầu ra của rau VietGap, muốn gỡ được, có thể cần rất nhiều sự chung tay, nhất là công tác truyền thông và kiểm soát thực phẩm.
Giấc mơ được dùng rau sạch hàng ngày của nhiều người dân Quảng Nam, có lẽ còn rất xa.
THƯ HIÊN