Văn hóa - Văn nghệ

Vịn câu thơ mà hát

HỨA XUYÊN HUỲNH 13/10/2024 09:25

Đôi khi có những tình huống “nhầm lẫn” thú vị trong trích dẫn, để rồi thôi thúc người yêu thơ truy nguyên, mong đến gần hơn với bản gốc.

KAHLIL GIBRAN
Một vài thi phẩm của Kahlil Gibran trên giá sách độc giả Việt Nam (ẢNH: H.X.H)

Ngược ca từ, tìm về câu thơ

“…Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta/ Mà tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”, điệp khúc trong “Khát vọng tuổi trẻ” của nhạc sĩ Vũ Hoàng vẫn thường vang lên vào mỗi mùa hè xanh của tình nguyện viên trẻ Việt Nam.

Mỗi khi nghe ca từ này, không ít người lại nhớ đến diễn văn của Tổng thống Hoa Kỳ John F.Kennedy đọc trong ngày nhậm chức hồi năm 1961: “Ask not what your country can do for you, but ask what you can do for your country” (Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước). Và đấy không hẳn là “bản quyền” của Tổng thống John F.Kennedy.

Bởi ý thơ này xuất hiện trong một bài thơ văn xuôi viết bằng tiếng Ả Rập đã đăng báo từ hơn nửa thế kỷ trước đó của Kahlil Gibran (1883-1931), thi sĩ, triết gia, họa sĩ người Li Băng. Khi biên soạn hợp tuyển thơ Kahlil Gibran dưới tựa “Gương soi linh hồn” năm 1965, Joseph Sheban khẳng định bài thơ đăng báo đó có thể dịch sang tiếng Anh là “The New Deal” (Ứng xử mới) hoặc “The New Frontier” (Biên cương mới).

Tôi lần theo thi phẩm “Biên cương mới”, đếm kỹ thấy ý thơ ấy nằm trong khổ thứ 11 và 12:

“Có phải bạn là kẻ làm chính trị đang hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn, hay bạn là người nhiệt tình đang hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước?

Nếu là kẻ thứ nhất, thế thì bạn là ký sinh trùng; nếu là người thứ hai, thế thì bạn đang là ốc đảo trong sa mạc”.

Chỉ dừng ở phần trích dẫn đó (của dịch giả Nguyễn Ước), có thể bạn đọc sẽ không cảm nhận hết suy niệm của Kahlil Gibran. Hãy thử đọc thêm 2 khổ thơ ngắn ngay trước đó của “Biên cương mới”, để hình dung rõ hơn ngữ cảnh:

“Ở Trung Đông ngày nay, có hai loại người: một của quá khứ và một của tương lai. Bạn là con người nào trong hai loại đó? Hãy tới sát bên tôi để tôi nhìn bạn, và hãy cho tôi được bảo đảm, bằng diện mạo và hạnh kiểm của bạn, rằng bạn là người cất bước tiến về nơi ánh sáng hay là kẻ đang đi vào chốn tối tăm.

Hãy tới sát bên tôi, nói cho tôi biết bạn là ai và bạn làm gì”.

Nhầm xuôi, nhầm ngược

Thật bất ngờ khi một ý thơ khác của Kahlil Gibran lại “lạc” vào đề thi lớp 10 hồi năm 2011 tại một tỉnh miền Trung. Nhầm lẫn bắt nguồn từ cuốn sách ôn thi do NXB Giáo dục ấn hành.

Câu số 3 trong đề thi môn văn năm đó yêu cầu thí sinh dựa vào ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương) để viết bài văn ngắn trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của tình yêu thương. Nhưng ngay lập tức, nhiều người nhận ra Kahlil Gibran mới chính là tác giả hai câu vừa trích dẫn, in trong tập “The Prophet” xuất bản từ năm 1923.

“The Prophet”, tức “Nhà tiên tri” hay “Ngôn sứ (Kẻ tiên tri)”, từng được dịch hơn 40 thứ tiếng và tái bản 200 lần với hơn 100 triệu ấn bản. Thậm chí, theo nhiều nhà nghiên cứu, chính tuyệt phẩm này đã nâng Kahlil Gibran lên vị trí tác giả đứng thứ ba được đọc nhiều nhất, chỉ sau William Shakespeare và Lão Tử. Vậy ý thơ đó có nguyên văn thế nào?

Ngay phần đầu “Prophet”, nhân vật Almustafa chờ đợi con tàu quay lại đón ông rời thành Orphalese để quay về hòn đảo nhỏ nơi ông chào đời. Dân chúng trong thành không muốn Almustafa lìa xa và đặt nhiều câu hỏi để ông trả lời. Với câu hỏi “hãy nói cho chúng tôi về tình yêu”, Almustafa liệt kê một trong số các điều mà bạn nên khát vọng:

“Được thức dậy lúc rạng đông với con tim chắp cánh, đưa lời cảm tạ vì có thêm một ngày yêu thương nữa”.

Sau này, khi viết đề từ cho tập sách “Anh bồ câu trò chuyện với tình yêu” của mình, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã “chuyển ngữ” câu thơ văn xuôi đó thành 2 câu vần điệu và hình ảnh hơn: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta được thêm ngày nữa để yêu thương”. Vậy mà, bằng cách nào đó, nhiều người nhầm sang ca từ của Trịnh Công Sơn, rồi in lên sách ôn tập và “vào” cả đề thi.

Đó là “nhầm xuôi”, từ danh tác nước ngoài. Nhưng trong lịch sử văn chương hiện đại, từng có chuyện “nhầm ngược”: thơ của tác giả Việt lại tưởng của Heinrich Heine - thi sĩ Đức được phổ nhạc nhiều nhất trên hành tinh này với gần 10.000 nhạc phẩm.

Chuyện rằng, nhà thơ Bế Kiến Quốc từng viết bài thơ “Bóng đen” dài 10 câu, từng đọc cho bạn bè nghe quãng năm 1967. Sau ông tự rút còn 6 câu và đặt tựa khác là “Hoa huệ”, mãi đến năm 1990 mới chính thức đăng báo.

Thế rồi, năm 1992 có người tình cờ đọc cuốn Almanach “Người mẹ và phái đẹp” (NXB Văn hóa), thấy trong phần tuyển chọn những bài thơ tình hay của thế giới và Việt Nam có bài “Bóng đen” với tên tác giả Heinrich Heine, dẫn nguồn từ tuyển thơ Heinrich Heine năm 1970 hẳn hoi.

Dĩ nhiên thi sĩ danh tiếng người Đức mất từ năm 1856, nên không thể “đọc” thơ Bế Kiến Quốc. Nhưng truy trong cuốn tuyển thơ Heinrich Heine (được dẫn nguồn năm 1970) không thấy bài “Bóng đen”. Mãi rồi nghi án nhầm thơ cũng được làm rõ.

Hóa ra, khi tham gia tuyển chọn thơ cho cuốn “Người mẹ và phái đẹp” năm 1990, có nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Vậy là bài “Bóng đen” của Bế Kiến Quốc sau lần “xuất bản miệng” đã được các thế hệ sinh viên chép tay rồi tam sao thất bản, kể cả tên tác giả.

*
* *

Mượn cách nói của thi sĩ Phùng Quán, những lúc ngã lòng từng biết cách “vịn câu thơ mà đứng dậy”, giờ đây đôi khi người yêu thơ yêu nhạc phải truy nguyên, phải biết tự vịn câu thơ mà… hát, nếu không muốn tiếp tục nhầm lẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vịn câu thơ mà hát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO