Người Quảng Nam

Vĩnh biệt anh Nguyễn Đình An!

HỒ DUY LỆ (Theo Báo Đà Nẵng) 19/02/2024 11:24

Học đại học ra trường, anh Nguyễn Đình An làm việc trong ngành giáo dục. Khi giặc Mỹ leo thang chiến tranh, tháng 11 năm 1965, anh rời Thủ đô Hà Nội, chia tay nghề nhà giáo, chia tay người yêu sắp cưới, vào chiến trường.

ng__i_qu_ng_trong_vi_c_x_y_d_ng_ch_nh_ph__vi_t_nam_d_n_ch__c_ng_h_a_trong_hai_n_m_1945___1946___s_ng_1682015.__nh_thanh_t_n.jpg
Ông Nguyễn Đình An (bên trái) phát biểu tại buổi tọa đàm “Đóng góp của người Quảng trong việc xây dựng Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong hai năm 1945 - 1946”, sáng 16-8-2015. Ảnh:THANH TÂN

Nói sắp cưới là vì chuẩn bị cưới thì có chuyến đưa một đoàn giáo viên vào Nam. Nếu cưới vợ thì sẽ không được đi theo đoàn chuyến đó! Hai người hẹn nhau, khi nào được về lại miền Bắc thì sẽ tổ chức đám cưới.

Vào đến Ban Tuyên huấn Khu 5, anh An được phân công đi công tác Quảng Đà. Anh về đến cơ quan Tỉnh ủy Quảng Đà đúng lúc Tỉnh ủy đang họp. Bấy giờ ông Hồ Nghinh làm Bí thư, ông Trần Thận làm Phó Bí thư kiêm Trưởng ban Tuyên huấn. Cơ quan Tỉnh ủy đóng ở một khu rừng trên núi Đại Lộc, rừng nhiều cây dầu rái lớn và ở tầng thấp là rừng cây lá nón. Rừng có vẻ thoáng chứ không rậm rạp, um tùm với các loại dây leo chằng chịt như ở căn cứ Khu 5 ở Trà My.

Được đi công tác là anh về Quảng Đà. Điện Quang, Gò Nổi - quê nội của anh, là một địa bàn để áp sát, tấn công Đà Nẵng, nên rất ác liệt. Đại bác từ các trận địa pháo Bồ Bồ, An Hòa, Cẩm Hà, thay nhau bắn. Bắn ngày, bắn đêm, bắn từng bầy, bắn từng đợt, bắn cầm canh... Máy bay Mỹ thả bom tọa độ một loạt 5 đến 6 quả, trước khi rơi xuống còn nghe tiếng máy bay o o trên trời xanh, kịp rúc hầm. Rợn người là pháo 406 ly, bắn từ tàu chiến USS New Jesey tận ngoài Biển Đông, bắn một lúc 16 quả, mỗi quả nặng 1.200kg, nổ như bom tấn, rung đất, rung hầm. Căn nhà anh chị Phụng, nơi anh Trần Văn Anh và Hồ Hải Học ở và hầm của nhà chị Bình, nơi anh Nguyễn Đình An và Hoàng Kim Tùng ở, cách nhau chừng 300 mét, mà muốn qua lại đưa bài vở, trao đổi công việc cũng phải chờ sau một loạt bom tọa độ rồi mới cắm cổ chạy sang.

Những ngày cuối năm 1968, chỉ cần dời cơ quan ra xa tọa độ bom, có thể bớt ác liệt, đỡ căng thẳng thần kinh, giảm bớt thương vong. Vậy mà, các xóm dân kiên cường vẫn còn những con người bám trụ, thế là, các nhà báo cũng bám trụ với dân, cùng đội ác liệt với dân, cho đến khi gia đình Sáu Khòm xã đội chết gần hết. Chị Bình, chị Xuân, chị Ngôn, chị Phụng, chị Hai Thinh, chị Bảy Ui, bà Bảy Giai, chạy ra vùng ven, vào khu dồn, ra Đà Nẵng.

Giữa tháng 12 năm 1968, cơ quan Báo Giải phóng Quảng Đà, từ Bảo An, Gò Nổi, dời về thôn Một xã Điện Thái, huyện Điện Bàn. Vừa đào được cái hầm chữ A chống phi pháo, ở chưa đầy một tuần, thì, vào lúc 9 giờ sáng, ngày 29 tháng 12 năm 1968, máy bay phản lực Mỹ ném bom trúng miệng hầm, anh Trần Văn Anh vừa vọt lên chạy được mươi mét thì trúng bom, hy sinh. Hôm ấy, anh An đang núp cùng hầm với báo. Bí thư Đặc khu ủy Hồ Nghinh trao đổi với Bí thư Khu ủy, Năm Công, cho anh An ở lại Quảng Đà, thay vị trí anh Trần Văn Anh.

Để chủ động mọi tình huống, cơ quan, đơn vị nào cũng phải tổ chức sản xuất tự túc để tăng thêm nguồn lương thực. Chúng tôi qua đèo Đòn Gánh xuống Đồng Lùng, Nghi Sơn, tìm đất trồng rau, chúng tôi băng rừng, vượt đèo Le, lên Sơn Phúc - nơi một thời là “Đồng Nai con” của Quế Sơn, tìm đất dân làng bỏ hoang cuốc đất trồng khoai, cấy lúa. Chúng tôi xuống Đồng Lùng, Phú Diên, Gò Dê, Núi Đất, Xuyên Trà, Duy Ninh, Bà Rén… mua gạo, mắm, sữa, đường.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 82 ngày sinh Bác Hồ, Ban Tuyên huấn Quảng Đà tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, củng cố tinh thần cán bộ, đảng viên, khẳng định tư tưởng tiến công, dù cho đế quốc Mỹ ngoan cố không chịu ký Hiệp định Paris về Việt Nam. Vào đêm 21, rạng ngày 22-5-1972, ba chiếc pháo đài bay B.52 của Mỹ, ném ba loạt bom xuống khu vực khe đá, nơi Ban Tuyên huấn đóng cơ quan. Một quả bom tấn làm sập cái hang đá Điện Đài, nơi có 5 người, một loạt bom quét trúng ngay trước hang đá Văn phòng, làm cho 14 trong số 15 người trong hang chết và bị thương và sức ép của loạt bom như muốn hất tung tôi và anh An ra khỏi hang đá cạn của Báo Giải phóng Quảng Đà…

Sau bao mùa nắng mưa bão bùng, tất cả dấu vết của một thời làm báo, làm công tác chính trị - văn hóa - tư tưởng, đã trở thành quá khứ, còn chăng ở trong ký ức, là những kỷ niệm về một thời làm báo, lo công tác chuyên môn thì ít mà lo cho cái ăn luôn thiếu đói, lo cho chỗ ở để tránh đạn bom thì nhiều. Nhớ chiều chiều lội dọc theo những con suối cạn ghập ghềnh đá, nước trong veo, háo hức một bữa canh ngọt khi dõi theo những con cá con con, những con ốc đá to bằng đầu ngón tay út, và rau ranh, rau má…

Hồi ở Núi, anh là thủ trưởng, vừa là quản gia - có chút chi tươi là anh xắn quần quá đầu gối, xắn tay áo, lo cho bữa ăn ngon miệng… Anh em lội rừng hái được mấy mụt măng, anh không cho xào, trộn đậu phụng, ngồi xắt nhỏ, luộc chín, dầm muối, để chua chua, ăn được ba bốn bữa… Nai lưng cõng được một gùi cải xanh từ đồng bằng lên, anh không cho ăn tươi, đem phơi vài nắng cho héo rồi dầm muối để dành nấu canh với cá hộp. Ăn hết dưa cải, nước muối dưa cũng nấu được mấy bữa canh chua!

Nhắc lại là nhớ về, những cán bộ chiến sĩ, phóng viên đếm trên đầu ngón tay trong cơ quan ngày gian khổ ấy: các anh Trần Văn Anh, Hồ Hải Học, Nguyễn Đình An, Đoàn Xoa, Vũ Thành Lê, Hồ Duy Lệ, Dương Tấn Nhường, Đỗ Nhung, Nguyễn Trọng Định, Hoàng Kim Tùng, Trần Mậu Tý… Khi tôi viết những dòng này, tất cả các anh vừa nhắc đến, đều đã ra đi. Và anh...

Sau 8 năm gian khổ, gầy, yếu, tháng 10 năm 1973, vừa có Hiệp định Paris, trên cho anh Nguyễn Đình An ra Hà Nội an dưỡng và cưới vợ. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, anh đưa vợ và con gái về quê, trở lại với nghề nhà giáo, làm Trưởng ty Giáo dục, làm Phó Chủ tịch tỉnh, phụ trách văn - xã, làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh - là thời gian luôn bận rộn công viêc. Thỉnh thoảng anh vẫn viết bài cho báo. Anh không dùng vi tính, thường viết hơi dài. Anh viết xã luận, diễn văn, tùy bút, bút ký… Thời đại vi tính nên Tòa soạn báo ngại nhận bài viết tay. Biết vậy, gửi bài, anh liền gọi điện cho Tổng Biên tập. Đôi khi, viết bài xong, anh mang đến tận Tòa soạn báo, ngồi đọc cho mấy em vi tính gõ. Xong, in cho anh một bản, đọc lại. Thấy bài cần cho báo nào, thì gửi.

Lần gặp mặt tháng Ba, năm 2018, anh triệu tập. Khi anh em đến đông đủ - 120 người, anh bảo tôi phát biểu chào hỏi thăm thay anh! Hôm đó có cựu Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà Trần Thận chống gậy đến dự. Từ hôm đó, có chuyện chi cần, anh gọi điện cho tôi: Lúc nào, ghé anh, có chút việc. Như là, anh em nào đang liệt giường, trích quỹ gửi cho anh em. Anh em nào vừa nhập viện, ghé thăm. Nghe nói Lê lại bị tai biến, lần này có qua được không!

Từ ngày về hưu, anh còn giữ một cái chức, không quyền, không lương: Trưởng ban liên lạc Ban Tuyên huấn Quảng Đà! Hơn một năm nay anh bị một cái bệnh khó chịu - Parkinson - tay run. Nói được, ăn lưng chén cơm như tự hồi nào, đầu óc vẫn tỉnh táo, còn nhớ tên nhiều người, nhớ nhiều chuyện vui, buồn. Từ khi anh bị run tay, sức khỏe suy giảm, anh muốn viết một baì báo cũng chịu! Và, là lúc các thành viên trong Ban liên lạc bắt đầu kiệt sức: Hải Học từ biệt mọi người. Nguyễn Sỹ Hiền bị xe tông, phải nhập viện đi xe lăn, Ngô Gia Lầu trượt ngã, quẹo chân, nhập viện, rồi đi xa, trong lúc trên có lệnh ‘‘không ai được ra khỏi nhà’’, còn Trường Hoàng, đi lại khó…

Lần này, nghe anh gọi, tôi lên liền. Như dự đoán, anh trao đổi với tôi việc chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 45 ngày giải phóng. Có mấy việc: Viết thư xin tiền. Ba bản, gửi cho ba nơi: Thường trực Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng. Có lẽ đây là lần gặp mặt cuối cùng! Xin kha khá, ngoài cho bữa liên hoan nhẹ, no, còn để cho số anh chị em già quá, yếu quá.

Dự trù, có thể là dịp 29-3-2020. Có thể là 30-4-2020. Nhưng Covid-19 hoành hành, anh không gửi thư xin tiền! Vừa đẩy lùi được dịch Covid-19, thì đến ngày Nhà báo 21-6 -2020. Lại thăm anh. Tay anh vẫn run run!

Dịp 29-3-2021, Covid-19 vẫn chập chờn. Đến 30-4-2021, một số anh chị em của Ban Tuyên huấn Quảng Đà tự tổ chức một chuyến về nguồn. Đang ở trên hang đá Căn cứ Hòn Tàu, các anh gọi điện cho tôi: Về đây, bỗng nhớ anh chị em mình, ba bốn năm rồi không gặp. Làm sao tổ chức một cuộc họp mặt anh em Tuyên huấn Quảng Đà? Tôi nói, đi về, rồi tính. Ngày hôm sau, tôi mời anh Mãnh, anh Lý, anh Bậc, anh Tám, anh Bảy, chị Hương cùng tôi quyết định sáng ngày 29-4-2021, vào lúc 9 giờ: gặp mặt. Tôi báo lại cho anh An quyết định này. Anh rất vui, nói: Tổ chức cho anh em gặp nhau là quý quá!

Sau cuộc gặp mặt khá đông đủ, một số anh em đến thăm, anh rất vui. Hỏi anh ngủ được không, ăn ngon miệng không. Anh bảo ăn còn thấy ngon là vui rồi! Biết anh yếu, nhiều anh chị em còn lại của Ban Tuyên huấn Quảng Đà muốn đến thăm anh, nhưng Covid-19 không chịu rút quân, phải chấp hành cái Chỉ thị 16 nghiêm khắc quá!

Cuối năm Tân Sửu, ở tuổi tám mươi tám, anh tập đi. Anh đi thật chậm từ phòng ngủ lên phòng khách, đoạn đường lát gạch men dài chừng 7 thước tây, cố đi để đừng cúm giò, để đón thêm một mùa xuân - Xuân Nhâm Dần. Nhưng vẫn bị trượt chân ngã, gãy chân, phải bó bột nằm một chỗ. Và, anh nằm một chỗ hơn hai năm trời! Thương cho chị và cô con gái rượu hết lòng vì anh. Cho đến trưa nay, mồng Chín Tết Giáp Thìn, nhằm ngày 18 tháng 2 năm 2024, vào lúc 11 giờ 20, sau bữa trưa con gái rượu mớm cho, anh vĩnh biệt tất cả, ngủ giấc ngủ ngàn thu!

HỒ DUY LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vĩnh biệt anh Nguyễn Đình An!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO