Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khắc Phục

NGỌC KẾT 24/05/2016 15:32

(QNO) - Dẫu biết anh mang trọng bệnh nhưng nhận tin từ một đồng nghiệp gửi tới với nội dung: nhà văn Nguyễn Khắc Phục tạ thế vào rạng sáng ngày 20.5 tại Bệnh viện Quân y 103 (hưởng thọ 69 tuổi)... vẫn khiến tôi bàng hoàng, hụt hẫng. Gần một năm nay với sự giúp đỡ của người vợ - nhà thơ Trang Thanh, anh kiên cường từng phút, từng giờ đối mặt với bạo bệnh…

Tôi thuộc lớp hậu thế, quen biết và cùng làm việc với anh từ bộ phim tài liệu dài tập “Mẹ Thu Bồn” do Đài Truyền hình Quảng Nam sản xuất mà anh làm Tổng đạo diễn. Thời gian bên nhau không nhiều, nhưng nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã để lại trong tôi những ấn tượng khó phai nhạt. Trước hết là về một con người có tấm lòng nhân ái, một nhà văn có sức sáng tạo không mệt mỏi và đầy trách nhiệm với ngòi bút của mình. Sau nữa, anh là người rất sâu nặng ân tình xứ Quảng.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Ảnh: H.X.H
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Ảnh: H.X.H

Tôi còn nhớ rất rõ lần đầu được gặp nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Hôm ấy là một sáng mùa xuân, anh bước xuống khoảnh sân rộng và nhanh nhẹn đi vào tiền sảnh của Đài Truyền hình Quảng Nam với chiếc ba lô bình dị trên vai và mái tóc màu cước bồng bềnh đầy sương gió. Biết tên nhà văn Nguyễn Khắc Phục từ lâu qua nhiều bộ tiểu thuyết “nóng” và “lạnh” của anh, trong đó có “Học phí trả bằng máu” và “Bay qua cõi chết” lấy bối cảnh xứ Quảng, nhưng hôm đó anh lại khiến tôi nghĩ nhiều về một con người của công việc làm kịch bản lễ hội, phim truyện và truyền hình.

Anh nói chuyện với chúng tôi về dự án phim tài liệu “Mẹ Thu Bồn” với những tên phim, nhân vật, cảnh quay, bố cục, tên đất, tên làng, tên những sự kiện... hệt như đã ở sẵn trong tâm trí anh lâu lắm rồi. Anh bảo, Quảng Nam với anh như là quê hương thứ hai nên các bạn đừng có ngạc nhiên khi tôi rành rọt quá mức về xứ này.

Vậy rồi chúng tôi bắt tay vào thực hiện bộ phim theo sự cắt đặt đâu vào đó của anh. Những ngày làm phim với Nguyễn Khắc Phục, chúng tôi mới biết mình đã phí phạm quá nhiều thời gian trong đời làm nghề. Tốc độ làm việc của một nhà văn đi qua tuổi 60 mà vẫn tràn đầy sung mãn. Ban ngày anh đi cùng anh em, có khi chơi vơi, bồng bềnh trên không trung bằng máy bay trực thăng của Sư 372 trợ giúp để ngắm nghía bức tranh xứ Quảng đầy sắc màu và cung bậc từ trên cao. Có lúc anh bở hơi tai vì leo dốc, lội suối tìm về ngọn nguồn sông Mẹ... Vậy mà ban đêm con người ấy vẫn thức gần như trọn vẹn với chiếc máy tính, bình nước trà và gói thuốc lá để lặng lẽ làm việc. Nhiều đêm, tôi nhìn dáng anh cặm cụi bên chiếc máy tính mà tự hỏi, không biết anh lấy đâu ra sức khỏe để làm việc nhiều như thế.

Tôi không thể nào quên được chuyến đi mười ngày cùng nhà văn Nguyễn Khắc Phục ngược ngàn Trà My, tìm về ngọn nguồn dòng chảy của sông Mẹ Thu Bồn. Nhà văn Nguyễn Khắc Phục gọi chuyến đi ấy là  “Cuộc phiêu lưu cuối cùng” của anh. Bởi lẽ, ở tuổi gần kề 70, lại đã 3 lần vào bệnh viện phẫu thuật cùng nhiều bệnh trong người nên rất khó để có thêm một chuyến đi xa đèo dốc như thế nữa. Lần ấy, chúng tôi đi qua những bản làng heo hút trên sườn non, cảm nhận nét hoang sơ và cuộc sống quá nhiều thiếu thốn. Những ngôi nhà sàn xiêu vẹo, những cô bé, cậu bé Xê Đăng chân trần, tóc xoăn, rám nắng ngơ ngác nhìn khách lạ, những cụ già đầy khắc khổ chào chúng tôi bằng nụ cười như từ thuở hồng hoang... Tất cả điều này càng khiến nhà văn “Bay qua cõi chết” nặng trĩu tâm can. Cái cuộc đi mà anh gọi “cuộc phiêu lưu cuối cùng ấy” giờ đây hóa ra là thật. Nhà thơ Trang Thanh kể, khi biết mắc căn bệnh nan y, Nguyễn Khắc Phục đã chuẩn bị cho sự ra đi của mình. Anh cho in cuốn tiểu thuyết tâm huyết với tên gọi “Hỗn độn”. Gia tài tác phẩm đồ sộ được anh sắp xếp gọn gàng, chia file để lưu giữ với tâm nguyện in lại các tác phẩm của mình thành bộ Nguyễn Khắc Phục để lại.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục SN 1947 tại Sài Gòn, quê gốc làng Cổ Lễ, Trực Ninh, Nam Định.

Nguyễn Khắc Phục sớm bộc lộ khả năng viết văn từ ngày còn trẻ, cũng đồng thời có duyên với điện ảnh. “Người từ giã cuối cùng” - tác phẩm ông viết khi mới 20 tuổi, sau này đã được đạo diễn Đặng Nhật Minh chọn và chuyển thể thành kịch bản phim đầu tay "Những ngôi sao biển".

Ông được biết tới từ những truyện ngắn như “Hoa cúc biển”, “Ngã ba vô tình”… Tiểu thuyết của ông gây tiếng vang như: “Học phí trả bằng máu”, “Bay qua cõi chết”, “Ngôi đền”, “Thăng Long ký”… Nhưng điều làm nên danh tiếng Nguyễn Khắc Phục chính là gia tài kịch bản với 70 vở kịch sân khấu, 12 kịch bản điện ảnh, vài trăm tập phim truyền hình và nhiều kịch bản lễ hội. Phim “Bọn trẻ” do ông viết kịch bản đã được trao huy chương vàng cho kịch bản văn học trong Liên hoan phim quốc tế Á - Phi năm 1994.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục lớn hơn tôi hơn 20 tuổi, nhưng ngay từ lần đầu nói chuyện với nhau, ông đã bảo phải gọi bằng anh, không nên kêu bằng chú, vì rằng “cái từ chú khiến tao già lắm!”. Vậy là chúng tôi ai nấy đều gọi nhà văn bằng anh rất thân mật, tình cảm lại càng gắn bó nhiều hơn. Bây giờ anh đã đi xa, tôi biết, bao nhiêu công việc của anh vẫn còn dang dở, bao nhiêu cuốn tiểu thuyết đã và đang trên hành trình bản thảo. Bộ phim “Mẹ Thu Bồn” của chúng tôi cũng đã khép lại với mấy chục tập, ít nhiều gây được ấn tượng với khán giả xem truyền hình và đồng nghiệp. Riêng anh, đã kịp để lại trong lòng người dân xứ Quảng những hình ảnh rất chân tình, bình dị nhưng không kém phần lãng mạn, đẹp. Và hơn thế, với chúng tôi, anh mãi là người thầy trong nghề. Vừa là nghề làm kịch bản truyền hình, vừa nghề văn với lòng đam mê khám phá cuộc sống và tốc độ làm việc không ngừng nghỉ...

Xin vĩnh biệt anh, một con người nặng nợ ân tình với xứ Quảng, với cuộc đời. Cầu mong anh ra đi được phiêu bồng, thanh thản như mây trắng bay trong lời bài hát mà nhà thơ Trang Thanh đã sáng tác tặng chồng những ngày cuối cùng: "Kiếp này ta đã bên nhau/ Những đỉnh núi cao ngất, những vực sâu/ Và thời gian vắn vỏi, phận người cỏ lau, anh ơi!/ Về lại gần nhau đi, hãy nắm tay em/ Lời yêu quấn quýt nói với em như hôm nào/ Ân tình trao nhau ôi bao say đắm/ Còn tiếng thở sâu trên đất này, còn mây trắng bay”.

NGỌC KẾT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khắc Phục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO