Vinh danh những "ông chủ" trẻ

07/12/2012 02:17

Giải thưởng Lương Định Của hàng năm của Trung ương Đoàn nhằm vinh danh những thanh niên nông thôn tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chuyển giao kỹ thuật, nông thôn mới. Ngoài tấm gương tiêu biểu Huỳnh Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Nghệ thuật gỗ Âu Lạc đã được chuyên mục “Việc làm thanh niên” giới thiệu tuần trước, Quảng Nam còn có 5 thanh niên được trao tặng giải thưởng này.

alt
Góc sản xuất tại cơ sở trầm hương của anh Đỗ Hoàng Hưng. Ảnh: A.T

Những thanh niên được trao tặng giải thưởng Lương Định Của hầu hết thuộc thế hệ 8X, đầy sức trẻ và có những sáng tạo, khi thành đạt họ lại tiếp tục giúp đỡ cho nhiều người khác thoát nghèo. Hai gương mặt chúng tôi giới thiệu trong tuần này vừa 30 tuổi.

Nắm bắt cơ hội làm giàu

Đỗ Hoàng Hưng đang là Bí thư Chi đoàn thôn Trung Yên (xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn) và là thanh niên rất có đầu óc làm kinh tế. Khi được giao 25ha đất trồng rừng, Hưng chỉ trồng được 10ha cây keo lá tràm vì thiếu vốn. Chín năm sau, khi thu hoạch đợt một có lãi, Hưng lại tiếp tục đầu tư trồng keo kết hợp thêm 3.000 cây dó bầu và chăn nuôi tổng hợp. Từ 20 triệu đồng vay mượn cùng với sự hỗ trợ của gia đình, Hưng đã mạnh dạn gây dựng cơ sở sản xuất gỗ trầm hương mỹ nghệ. Anh cho biết, thời điểm năm 2010, nhiều người dân ở Nông Sơn sản xuất mặt hàng này có hiệu quả nên cũng muốn nắm bắt cơ hội. Hưng nói: “Mặt hàng này không ổn định, gần đây lại có nhiều hàng giả, ảnh hưởng lớn đến tâm lý khách hàng. Chính vì vậy tôi phải học hỏi nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đặc biệt giới thiệu và gầy dựng cho khách sự tin cậy”.

Từ những kinh nghiệm học được, Hưng mở rộng thị trường, tăng thị phần và thêm nguồn cung cấp từ các địa phương như Tiên Phước, Bắc Trà My, Quế Sơn, Thăng Bình… và tỉnh Thừa Thiên Huế. Với sản phẩm thô từ người dân khai thác, anh thu mua, sau đó thuê thợ có tay nghề chế tác lại thành sản phẩm mỹ nghệ, phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Các sản phẩm như cây trầm hương mỹ nghệ, các loại hương, xái trầm, mỗi sản phẩm bán ra lên tới hàng trăm triệu đồng, có khi lên đến tiền tỷ. “Để tạo nên sức hút cho sản phẩm, mỗi tác phẩm của làng nghề được tạo nên bằng tất cả sự chân thật của những tâm hồn dân dã, đây chính là điều thu hút nhiều khách hàng” - anh Hưng chia sẻ.

Để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, đặc biệt là tìm thương hiệu cho sản phẩm mỹ nghệ, Hưng đã mạnh dạn đưa sản phẩm đến các hội chợ trong toàn tỉnh và các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… và tiếp thị sang cả Trung Quốc, Thái Lan. Với cơ sở sản xuất của mình, anh đã tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho hơn 10 thanh niên với mức lương trung bình 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. So với các nghề thủ công khác, nghề này có thu nhập cao hơn, ít tốn công sức lao động, song đòi hỏi tay nghề cao và người làm nghề phải có sự đam mê, lòng kiên trì.

Triệu phú chân đất

Anh Nguyễn Lộc - Bí thư Chi đoàn thôn Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên) là điển hình của những “triệu phú” chân đất trẻ tuổi. Nghỉ học từ rất sớm, sau 5 năm bôn ba làm việc xa quê, anh quyết định trở về quê lập nghiệp với suy nghĩ “làm gì cũng không bằng làm chủ cho bản thân”. Khởi nghiệp với lưng vốn là 15 triệu đồng, nhưng Lộc lại chọn cách ăn chắc mặc bền đúng chất nhà nông: mua xe máy cày, đánh đất thuê cho bà con nông dân trong vụ mùa. Lộc theo học thêm nghề cơ khí để lúc máy móc trục trặc thì tự sửa chữa, cải tạo. Những lúc mùa vụ nông nhàn, Lộc đầu tư chăn nuôi với gần 500 con heo, gà, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng.

Cùng với hoạt động kinh tế, Lộc tích cực tham gia các phong trào hoạt động đoàn, hội của địa phương. Hiện anh là Bí thư Chi đoàn thôn. Từ kinh nghiệm tích lũy được, Lộc đã giúp đỡ nhiều thanh niên trong thôn biết cách làm ăn, góp phần thoát nghèo, làm giàu ngay trên đất quê hương. Theo Lộc, để trở thành chủ nhân giải thưởng Lương Định Của lần này, bản thân anh đã nhận được sự quan tâm của đảng ủy, chính quyền địa phương cộng với tinh thần luôn phấn đấu, học hỏi, vươn lên trong khó khăn để làm giàu cho mình và xây dựng quê hương. Anh tâm sự: “Được tham gia Festival cùng các bạn thanh niên nông thôn trong cả nước, tôi và mọi người đều mong muốn ngày càng có nhiều chủ nhân giải thưởng Lương Định Của hơn nữa trong lực lượng thanh niên nông thôn, để khích lệ các phong trào hoạt động Đoàn, phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và đất nước”.

Tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc, Trung ương Đoàn đã trao tặng 300 giải thưởng Lương Định Của cho thanh niên tiêu biểu trên toàn quốc. Thanh niên nông thôn trực tiếp sản xuất nông nghiệp được xét trao giải thưởng đều là những người có những sáng kiến, ý tưởng sáng tạo được ứng dụng vào sản xuất, giúp nhiều thanh niên có việc làm và tăng thu nhập, tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Bên cạnh đó, họ còn tích cực tham gia liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp), hỗ trợ các hộ gia đình trẻ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nhiều thanh niên địa phương. Ngoài ra, giải thưởng cũng trao cho những thanh niên trực tiếp điều hành câu lạc bộ thanh niên, các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ, phát triển ngành nghề, xây dựng nông thôn mới khẳng định được vai trò nòng cốt trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua câu lạc bộ khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư và tham gia bảo vệ môi trường nông thôn; có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phát triển cơ sở chế biến nông lâm sản sau thu hoạch hoặc phát triển các làng nghề truyền thống, nghề mới, hợp tác xã thanh niên góp phần nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm ổn định cho thanh niên ở nông thôn…

ANH TRÂM - QUANG QUỲNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vinh danh những "ông chủ" trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO