Lần đầu tiên, những sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) được vinh danh và có cơ hội được quảng bá rộng rãi khi tham gia cuộc Bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu do UBND tỉnh tổ chức.
Hưởng ứng nhiệt tình
Vì là lần đầu tiên tổ chức nên kế hoạch cuộc bình chọn đã được chuẩn bị cách đây hơn 6 tháng. Đến nay, ban tổ chức đã tiếp nhận hồ sơ, sản phẩm tham gia của 14/18 huyện, thành phố. Một số địa phương vì nhiều lý do đã không đăng ký tham gia như Tam Kỳ, Bắc Trà My, Phước Sơn và Hiệp Đức. Để cuộc bình chọn đảm bảo chất lượng, yêu cầu của ban tổ chức khá khắt khe như sản phẩm tham gia phải là sản phẩm đang được sản xuất tại cơ sở CNNT, không phải là sản phẩm sao chép, không vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp. Đồng thời phải do chính cơ sở sản xuất đó đăng ký tham gia bình chọn.
Nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tham gia bình chọn bước đầu được đánh giá cao. Ảnh: C.T.A |
Theo ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương), với hy vọng tìm kiếm những sản phẩm CNNT thực sự nổi trội và tiêu biểu nên UBND tỉnh không giới hạn số lượng sản phẩm đoạt giải và cơ cấu giải thưởng như các cuộc thi khác mà căn cứ vào chất lượng sản phẩm tham gia. Tuy nhiên, sản phẩm đoạt giải không quá 50% sản phẩm đăng ký bình chọn. Những sản phẩm đoạt giải ngoài phần thưởng của ban tổ chức còn có cơ hội dự thi bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp vùng miền Trung - Tây Nguyên (dự kiến sẽ được tổ chức vào giữa tháng 8 tại Quảng Nam). Ngoài ra, sản phẩm CNNT tiêu biểu còn được bố trí một gian hàng giới thiệu sản phẩm tại hội chợ xuân thường niên. Những sản phẩm đoạt giải còn là cơ hội và tiêu chí quan trọng khi bình chọn nghệ nhân và thợ giỏi. “Có thể nói, lần đầu tiên tổ chức bình chọn nhưng đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của các ông chủ chân đất. Dẫu rằng, với chừng đó sản phẩm tham gia so với sản phẩm thực tế CNNT của tỉnh thì không thể nói là nhiều và phong phú” - ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công Thương nói.
Cần phát huy nét đặc trưng
Ngày 16.7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì cuộc họp Bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu năm 2014. Theo ban tổ chức, đến nay đã nhận được 48 sản phẩm thuộc 3 nhóm sản phẩm đăng ký bình chọn CNNT tiêu biểu từ 41 cơ sở CNNT trên toàn tỉnh. Trong đó, nhóm thủ công mỹ nghệ là 28 sản phẩm; nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và đồ uống là 11 sản phẩm; và nhóm sản phẩm khác có 8 sản phẩm. Qua hai ngày bầu chọn, Hội đồng bình chọn đã chọn ra 23 tác phẩm CNNT tiêu biểu trong tổng số 48 tác phẩm tham gia bình chọn. Trong đó, có 2 tác phẩm đoạt giải A, 5 tác phẩm đoạt giải B. Ngoài ra, Hội đồng bình chọn cũng đã chọn 12 tác phẩm CNNT tiêu biểu để tham dự Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây Nguyên 2014 dự kiến sẽ tổ chức từ ngày 21 - 26.8 tại Quảng Nam. |
Mục tiêu của cuộc bình chọn là khuyến khích, phát hiện, tìm kiếm các sản phẩm CNNT tiêu biểu có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng yêu cầu sử dụng và thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Theo Phó Chủ tịch UBND Đinh Văn Thu, việc tôn vinh sản phẩm CNNT tiêu biểu là hoạt động mang ý nghĩa lớn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Các sản phẩm đặc trưng mang tính thủ công, tính văn hóa, thẩm mỹ do các hộ gia đình, hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở vùng nông thôn, các bản có nghề truyền thống… được tạo cơ hội giới thiệu, quảng bá, thể hiện những giá trị, những nét riêng biệt của văn hóa và nghệ thuật của một địa phương hay vùng miền. Qua mỗi đợt tham gia bình chọn, những sản phẩm chưa đoạt giải cũng nắm được điểm yếu của sản phẩm để cơ sở tự đánh giá, hoàn thiện, tăng tính cạnh tranh hơn. Chính vì lý do đó nên thay vì tổ chức hai năm một lần như quy định theo Thông tư 35 của Bộ Công Thương, Quảng Nam sẽ tổ chức cuộc bình chọn thường niên bằng nguồn kinh phí khuyến công của địa phương.
Tuy nhiên, để sản phẩm CNNT tiêu biểu sớm thực sự là nguồn hàng hóa có giá trị cao, mang lại lợi ích về kinh tế - xã hội, các cơ sở sản xuất cần quan tâm hơn nữa việc xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, đồng thời chủ động cập nhật thông tin, tìm kiếm thị trường, đổi mới công nghệ, học hỏi kỹ năng và kiến thức quản lý, mạnh dạn đầu tư để sản phẩm CNNT tiêu biểu phát triển ngày càng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Nhà nước đã có chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm tiêu biểu, các địa phương cần phải có định hướng cho việc phát triển sản phẩm của địa phương mình gắn với sự phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện, của tỉnh với vùng miền và quốc gia, có như vậy mới thực sự là động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
CHIÊU THỤC ANH