Với văn chương, Vĩnh Quyền được bạn đọc biết đến từ hơn 30 năm nay và gần đây ông tiếp tục gây tiếng vang với các tập truyện ngắn, tiểu thuyết cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Nhưng với nhiếp ảnh, Vĩnh Quyền là “tay máy trẻ”. Và “tay máy trẻ” này mới đây đã khiến không chỉ người trong nghề sững sờ với cuốn sách “Sơn Trà - Rừng trong phố biển” (NXB Hội Nhà văn), thể bút ký và ảnh chưa từng có trong lịch sử nghề xuất bản sách ở Việt Nam.
Có thể khẳng định, trong số các nhà văn đương đại Việt Nam, không nhiều người làm mới mình và gây được tiếng vang từ hình thức, nội dung, ngôn ngữ và cả thể tài như nhà văn Vĩnh Quyền. Với “Sơn Trà - Rừng trong phố biển” vừa xuất bản, ông trình làng loại hình sách “bút ký và ảnh”. Vĩnh Quyền vốn viết nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản, bút ký, phóng sự, tùy bút, tạp văn, phê bình văn học. Chính bút ký đã góp phần đổi hướng dòng chảy đời ông. Những năm cuối thập niên 80 ông thường đăng bút ký trên các báo văn nghệ, đặc biệt là góp phần hình thành một dòng phóng sự, bút ký báo chí đặc trưng trên Báo Lao Động Chủ nhật, và xuất bản nhiều tập bút ký.
Cơ duyên đã đưa Vĩnh Quyền đến với Sơn Trà và việc chụp ảnh nghệ thuật động vật hoang dã ở đây. Ông kể: “Từ cuối năm 2017 tôi thường vào rừng Sơn Trà nghỉ ngơi. Chụp ảnh động vật hoang dã nhanh chóng trở thành thú vui không chán. Tình thương yêu chim muông, nhất là đối với loài voọc ngũ sắc xinh đẹp, cùng mong muốn bảo vệ chúng khỏi hiểm họa mất sinh cảnh, dẫn đến tuyệt chủng đã khiến tôi dành thời gian tìm hiểu, quan sát và viết bút ký đăng báo, kết hợp các chùm ảnh có sức thuyết phục về cái đẹp cần bảo vệ. Hai năm 2018 và 2019 tôi viết 9 bút ký, tiếng Việt và tiếng Anh, giới thiệu vẻ đẹp và giá trị của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, lên tiếng kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ rừng Sơn Trà, báu vật của Đà Nẵng, của Việt Nam. “Sơn Trà - Rừng trong phố biển” và loại hình sách phối hợp giữa văn và nhiếp ảnh đã hình thành như vậy.
Ấn phẩm “Sơn Trà - Rừng trong phố biển” mang đậm dấu ấn hợp tác quốc tế trong quá trình thực hiện, và nói như tác giả, chính rừng Sơn Trà cùng đàn voọc chà vá chân nâu quý hiếm đã lan tỏa lực kết nối rộng lớn đến bất ngờ. Lydie Vander Beeken (Bỉ) - Nhà sáng lập Tổ chức Heart For Primates cho biết: “Chẳng phải ngẫu nhiên mà chính tình yêu dành cho loài linh trưởng đang bị đe dọa đã dẫn tôi đi chung đường với nhà văn Vĩnh Quyền. Vĩnh Quyền là một đại sứ thực thụ của Sơn Trà. Ngày mỗi ngày, Vĩnh Quyền chuyển thông tin về Sơn Trà đến bạn đọc. Qua từng bức ảnh, ông mang từng câu chuyện về voọc chà vá chân nâu đến tận phòng khách của bạn. Đời sống của chúng khác với chúng ta, con người? Chúng cũng có tình yêu và cảm xúc? Không nghi ngờ gì về điều đó nếu bạn xem những bức ảnh của Vĩnh Quyền. Vì vậy, con người không nên cho mình có quyền tước đoạt môi trường sống của chúng và khiến chúng lâm cảnh hiểm nghèo”.
Còn Tiến sĩ Lois K. Lippold (Mỹ) - Chủ tịch Tổ chức Bảo tồn Voọc vá (Douc Langur Foundation) khi hay tin Vĩnh Quyền làm sách đã tài trợ, tặng “Sơn Trà - Rừng trong phố biển” đến các nhà nghiên cứu, nhà nhiếp ảnh và thư viện các trường tiểu học... Ông cho rằng: “Trong sách này, Vĩnh Quyền đã tập hợp những bức ảnh xuất sắc nhất của ông về voọc chà vá chân nâu cùng những loài chim thú khác ở rừng Sơn Trà - hòn ngọc của Đà Nẵng và Việt Nam… Ảnh của Vĩnh Quyền là một ví dụ nổi bật về ảnh nắm bắt được các sắc thái của voọc chà vá chân nâu và một số loài chim ở Sơn Trà”.
Lực kết nối của Sơn Trà cũng đã dẫn tác giả đến với anh Vũ Ngọc Thành, nhà Linh trưởng học, cán bộ trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Tổ chức Bảo tồn Voọc chà vá. Anh đã biên tập phần thông tin khoa học cho sách “Sơn Trà - Rừng trong phố biển”.