Vitamin A với sự phát triển của trẻ

TÂM AN 04/12/2013 11:28

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh vừa triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 2 năm 2013 cho trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi trên toàn tỉnh. Đây là hoạt động thường xuyên nhằm bổ sung những vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

Bổ sung cần thiết

Ông Võ Quang Lợi - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết việc triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ em đã được thực hiện trên toàn tỉnh từ giữa tháng 11. Do điều kiện các huyện miền núi còn nhiều khó khăn nên thời gian tổ chức được kéo dài. Theo đó đã bổ sung 20.000 viên nang vitamin A 100.000UI và 107.500 viên nang vitamin A 200.000UI cho 18 huyện, thành phố. Kết quả từ đợt 1 cho thấy, có 106.082 trẻ từ 6 đến 60 tháng tuổi được uống vitamin A, và 9.134 bà mẹ sau sinh trong vòng 6 tháng bổ sung vi chất này. Trong đó, số trẻ em dưới 5 tuổi qua sàng lọc mắc các bệnh có nguy cơ thiếu vitamin A là 863 trẻ.

Cho trẻ uống vitamin A tại trạm y tế. Ảnh: T.A
Cho trẻ uống vitamin A tại trạm y tế. Ảnh: T.A

“Vitamin A tham gia trong cấu trúc của các tế bào thị giác, rất cần thiết đối với sự nhìn thấy của mắt. Biểu hiện sớm của thiếu vitamin A là khả năng nhìn thấy lúc ánh sáng yếu giảm, nhân dân ta gọi là bệnh “quáng gà”. Khi thiếu vitamin A, sản xuất các niêm dịch giảm, da bị khô và có hiện tượng sừng hóa, hệ thống niêm mạc biểu mô bị tổn thương và giảm sức đề kháng đối với sự xâm nhập của vi khuẩn. Việc bổ sung vitamin A cho trẻ là cần thiết để đảm bảo sự phát triển cho trẻ” - ông Lợi giải thích thêm. Thiếu vitamin A thể nhẹ làm giảm phát triển cơ thể, tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn đặc biệt là nhiễm khuẩn đường tiêu hóa (tiêu chảy) và nhiễm khuẩn đường hô hấp (viêm đường hô hấp); thể nặng sẽ gây tổn thương ở mắt có thể dẫn đến mù lòa.

Điều trị kịp thời

Không nên tự ý mua và sử dụng vitamin A một cách tùy tiện. Bởi, vitamin A là loại vitamin tan trong chất béo khi thừa sẽ tích lũy và gây ngộ độc cho cơ thể với các biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, rụng tóc, rối loạn kinh nguyệt ở người lớn; mệt mỏi, chậm tăng cân, tăng áp lực sọ não (thóp phồng căng, não úng thủy), đau xương… ở trẻ em.

Các chuyên gia y tế khẳng định, việc thiếu vitamin A ở cơ thể người lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng ít xảy ra, do vitamin A được dự trữ tốt ở gan và có thể được huy động sử dụng trong một thời gian dài. Riêng đối với cơ thể trẻ em, phải tổ chức bổ sung vitamin A theo định kỳ kết hợp với chế độ ăn uống với đầy đủ chất dinh dưỡng. Một chế độ ăn nghèo nàn với nhiều chất bột, ít thức ăn động vật như thịt, cá, trứng, tôm…, thiếu dầu mỡ làm giảm hấp thu vitamin A. Sự thiếu hụt này thường xảy ra trong giai đoạn trẻ ăn bổ sung. Sữa mẹ là nguồn vitamin A quan trọng của trẻ nhỏ. Do đó, các bà mẹ được khuyến cáo cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút đặc biệt là khi trẻ lên sởi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng thiếu vitamin A.

Ngoài các chương trình bổ sung vitamin A theo định kỳ, các bà mẹ cần chú ý đến chế độ ăn của trẻ cung cấp đủ vitamin A và caroten, thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ. Chế độ ăn của trẻ cần được ưu tiên thức ăn động vật là loại thức ăn giàu vitamin A (trong 100g thịt gà có 120mcg vitamin A; 100g lợn có 6.000mcg vitamin A; 100g cá trê có 93mcg vitamin A; 100g lòng đỏ trứng gà có 960mcg vitamin A). Bữa ăn của trẻ cần có đủ dầu hoặc mỡ để giúp hấp thu tốt vitamin A. Một số rau, quả có màu vàng, đỏ, da cam chứa hàm lượng Bêta caroten cao, đáng chú ý nhất là: cà rốt, rau dền, xoài, dưa hấu, đu đủ chín, cà chua, gấc…. Caroten khi vào cơ thể sẽ được chuyển thành vitamin A. Bên cạnh đó, các bà mẹ có con nhỏ phải thường xuyên chú ý đến biểu hiện mắt ở trẻ để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

TÂM AN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vitamin A với sự phát triển của trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO