- Này, các ông có nghe tin gì chưa? Mỹ đã điều cả hạm đội thuộc cụm tàu sân bay Carl Vinson tới sát bán đảo Triều Tiên, nguy cơ chiến tranh tới nơi rồi đó!
- Ôi dào, chuyện đâu đâu, can chi tới mình!
- Hề, cái vụ lập sạp hàng từ thiện “ai thừa thì cho, ai cần thì nhận” ở Sài Gòn mới đó mà đã lan tỏa ra khắp nơi, từ Hà Nội, Cần Thơ cho đến Pleiku rồi nghe. Sao thành phố mình chưa có ai hưởng ứng nhỉ?
Thử thách tính vô cảm. Nguồn: internet |
- Rỗi hơi! Toàn chuyện phong trào vớ vẩn!
- À, sau cái vụ dưa hấu Quảng Ngãi rớt giá, nay đến bí đao ở Duy Xuyên Quảng Nam cũng bị ế dài, nghe nói chỉ còn chưa tới 2.000 đồng/kg mà cũng không mấy người mua. Nông dân mình khổ thiệt!
- Thôi, nói chuyện gì vui vui đi! Ông có trồng bí bầu gì đâu mà lo cho mệt xác.
- Vậy thì nói chuyện chi?
Nói chuyện chi thì nói, miễn là có liên quan trực tiếp đến niềm vui, nỗi buồn, sự lo toan của người nghe, chẳng hạn chuyện… “cua gái” thời trai trẻ, chuyện uống thuốc gì cho bớt đau khớp, chuyện loại smartphone nào vừa rẻ vừa bền... Con người ngày càng ít ưu tư về chuyện của kẻ khác, kể cả những vấn đề có quan hệ tới quyền lợi của mình nhưng theo một cách gián tiếp hoặc còn lâu mới xảy ra. Ở nhiều cơ quan, những người hay “có ý kiến” phê phán trong các cuộc họp thường bị đồng nghiệp “né”, ít dám gần bởi sợ vạ lây. Ngay cả trong các cuộc chuyện trò giữa đám bạn bè bên ly cà phê, nếu ai đó cao hứng mang những thông tin về các vấn đề xã hội ra bàn luận thì chưa chắc đã được nhiều người hưởng ứng, có khi còn bị cho là “lạc linh”, “sang đàng”, “nói không đúng chỗ”. “…Lo chi chuyện phá rừng bởi rừng còn bạt ngàn trên đó, mà ai phá chứ mình đâu có phá. Kể làm chi những chuyện từ thiện bởi mình đâu có điều kiện để làm mà cũng đâu có hưởng. Mình vô can”(!). Hình như những hành động tốt đẹp và những hành vi sai trái đang đồng thời được phát hiện khắp nơi vẫn thường được cho là các trường hợp cá biệt, không ảnh hưởng mấy tới cái xã hội rộng lớn này. Và do đó cũng không đáng cho ta phải băn khoăn. Thật đáng sợ!
Cái tâm lý “chuyện ai nấy lo” này giống như một loại vi khuẩn, nó không chỉ âm thầm gặm nhấm đến nhẵn nhụi cái tinh thần đồng loại và ý thức công dân mà còn ăn mòn cả những sợi dây rung cảm trong trái tim người. Có ai đó đã nói:
“Đạo đức là năng lực cảm thông nỗi đau của tha nhân”. Vậy cái “năng lực” ấy ngày nay đang chuyển biến theo hướng nào?
Nhớ hồi mới đi học, thầy giáo làng đã dạy: Đi đường, nếu thấy một cành gai cũng phải nhặt lên mà vứt đi. Bởi để đó mình không giẫm thì người khác cũng sẽ giẫm phải. Trẻ em ở quê đã từng đi chân trần nên biết đạp gai thì đau nhức lắm. Nghe lời thầy, không đứa nào bỏ qua cái “nghĩa cử” thông thường đó.
Thời nay, dường như ít có ai đang đi mà chịu cúi xuống “nhặt gai” giữa đường. Ngược lại, nhiều kẻ sẵn sàng lén lút làm “đinh tặc”, “rác tặc”, “xà bần tặc”… dọc các trục lộ lớn nhỏ. Trong nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau, lột áo kéo tóc đến bơ phờ, lại thấy những em khác đứng ngoài reo hò thích thú, lại dùng điện thoại quay clip rồi tung lên mạng cho nhiều người cùng… “thưởng thức”. Từ sự “vô can” về mặt ý thức, các em đã nhiễm tính “vô cảm” về mặt tâm hồn. Các em không đủ năng lực cảm nhận được nỗi đau của người bạn khi đối diện với đoạn clip xấu hổ đó. Đối với bạn học cùng lớp cùng trường đã thế thì còn mong gì ở các em về tình yêu đối với cây cỏ, động vật muôn loài và đối với cả đồng loại mai sau?
Có lẽ ngày nay người ta ít quan tâm đến việc “giáo dục lòng trắc ẩn”, nhất là đối với trẻ em. Ngày xưa phương tiện giáo dục chưa nhiều, chủ công vẫn là văn học nhưng hình như hiệu quả thu được là khá cao, thể hiện qua nhân cách chung của nhiều thế hệ người Việt. Còn nhớ hồi nhỏ khi chị tôi mượn đâu được cuốn “Gió đầu mùa” của Thạch Lam, cả hai chị em chụm đầu nhau vừa đọc vừa khóc cả ngày. Những truyện như “Con sáo của em tôi” của Duyên Anh hay “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố cũng vậy. Nước mắt nhiều khi vô duyên nhưng vẫn là tiếng nói của nhân tính. Tuy nhiên, có điều may mắn là gần đây một số chuyên mục trên báo và chương trình truyền hình đã bù vào khoảng trống giáo dục ấy. Trong chương trình “Lục lạc vàng” trên VTV3, trước khi “lễ trao bò” chính thức diễn ra bao giờ cũng có những đoạn clip tường thuật những cảnh cơ cực, bần hàn đến tận cùng của một số gia đình. Rồi tiếp đó là những cuộc đối thoại cảm động đến rưng rưng nước mắt. Hay trong chuyên mục “Việc tử tế” của VTV1, ngoài việc tôn vinh những con người bình dị có tấm lòng đôn hậu “khác với nhiều người” còn có tác dụng đánh thức lòng nhân ái của cả cộng đồng. Từ đó tính thiện sẽ có cơ hội được lan tỏa đến mọi tâm hồn. Từ đó tình người có thể được phục sinh để xoa dịu những nỗi đau.
Và cũng từ đó, những biểu hiện vô can và vô cảm may ra có thể bị kháng sinh, giảm bớt khả năng lây truyền qua các thế hệ sau này.
VĂN DƯƠNG