Vợ chồng cùng kiên trung

LÊ NĂNG ĐÔNG 27/05/2013 07:49

Cao Sơn Pháo, tên thật là Bùi Như Tùng (SN 1919 tại làng Thái Sơn, xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của ông là tấm lòng son sắt, kiên trung của người vợ.

Ý nghĩa từ những cái tên

Bùi Như Tùng sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, có 8 anh chị em. Thuở thiếu thời, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên vừa đỗ bằng Sơ học yếu lược, ông phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Lúc còn học ở trường làng Châu Bí, được thầy giáo yêu nước Nguyễn Thuyên tuyên truyền, vận động vào Hội thanh niên dân chủ. Ông Bùi Chính Cương - con trai duy nhất của Bùi Như Tùng - cho biết: “Chú Nguyễn Xuân Hữu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, hay kể cho tôi nghe chuyện hoạt động cách mạng của các chú và ba tôi. Chú nói: Trong những ngày đầu hoạt động cách mạng (khoảng năm 1939 - 1942), chú, ba tôi và một số đồng chí ở Điện Bàn đã về Trà Lộ, Tân Lưu, An Nông (huyện Hòa Vang) mở lớp dạy học, qua đó tuyên truyền và xây dựng cơ sở cách mạng. Trong quá trình hoạt động, để tránh bị lộ, mỗi người tự lấy một tên gọi, bí danh để thuận lợi hoạt động. Ba tôi lấy tên làng Cao Sơn để đặt mật danh cho mình (làng Cao Sơn thuộc xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, quê ngoại của Bùi Như Tùng). Còn vì sao có tên Pháo? Theo chú Nguyễn Xuân Hữu kể lại, vì ba tôi tính tình thẳng thắn, nói như pháo nổ, nên mọi người đặt cho tên là Pháo. Tên gọi Cao Sơn Pháo ra đời từ đó”.
Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), Cao Sơn Pháo làm Bí thư Phủ ủy Điện Bàn. Tại Đại hội Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ 2 (tháng 2.1950) ở Bà Bầu, Tam Kỳ, ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Đối với vợ chồng Cao Sơn Pháo - Nguyễn Thị Nhạn, đây là sự kiện không thể nào quên, bởi cũng tại đại hội này hai người đã thành vợ thành chồng. Ngay sau đại hội, Cao Sơn Pháo và Nguyễn Thị Nhạn về quê Điện Tiến tổ chức đám cưới dưới sự chủ trì của “ông mối” đầy nhiệt tình Lê Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy. Đôi tân hôn không được hưởng tuần trăng mật, bởi tân lang phải khẩn trương trở về vị trí công tác với trách nhiệm nặng nề hơn.

Đầu năm 1951, Cao Sơn Pháo được cử đi học trường chính trị cao cấp ở Trung Quốc. Trước khi chia tay vợ, ông căn dặn bà rằng: “Nếu sinh con trai thì đặt tên là Bùi Chính Cương, nếu con gái thì đặt tên là Bùi Thị Lệ (Chính Cương là Chính cương của Đảng, Lệ là Điều lệ Đảng, ngụ ý là các con phải một lòng theo lý tưởng cách mạng của Đảng). “Ngày 8.3.1952, tôi ra đời. Lúc đầu, mẹ không đặt tên theo ý của ba mà đặt tên tôi là Chinh Chiến. Bởi vì lúc này cả nước đang bước vào cuộc trường chinh chống thực dân Pháp xâm lược. Mặt khác, đặt tên như vậy để tránh sự chú ý, theo dõi của mật thám Pháp. Mãi đến khi tôi được cử đi học ở Liên Xô (năm 1962) mẹ mới lấy lại tên cho tôi là Bùi Chính Cương, theo ý nguyện ban đầu của cha” - ông Bùi Chính Cương kể.

Tấm lòng son sắt

Nguyễn Thị Nhạn, bí danh Mười Nhạn (SN 1931 tại xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn), tham gia cách mạng từ tháng 5.1945, đến năm 1948 được kết nạp vào Đảng, làm Bí thư Chi bộ rồi Hội phó Phụ nữ xã Điện Tiến. Từ khi chồng - ông Cao Sơn Pháo - được cử đi học trường chính trị cao cấp ở Trung Quốc, Mười Nhạn một mình nuôi con nhỏ tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 8.1954, Tỉnh ủy Quảng Nam được củng cố lại, Cao Sơn Pháo sau khi trở về được phân công ở lại miền Nam, còn Mười Nhạn được lệnh ra Bắc trong chuyến đi cuối cùng, nhưng không lo liệu kịp nên vẫn được bố trí sinh hoạt đơn tuyến tại xã Điện Thọ. Tuy ở lại nhưng mỗi người một nhiệm vụ, nên hai người lại không được ở gần nhau.

Biết rõ Mười Nhạn là vợ của Cao Sơn Pháo, địch luôn đặt bà trong tầm ngắm của chúng. Tháng 7.1955, bà bị địch bắt, lúc này Bùi Chính Cương mới hơn 3 tuổi, được gửi cho người thân chăm sóc. Dù địch dùng nhiều thủ đoạn tra tấn vô cùng dã man, nhưng Nguyễn Thị Nhạn vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, không một lời khai báo. Cực hình tra tấn của địch đã cướp đi đứa con trong bụng mới hơn 2 tháng tuổi của bà. Tiếp sau đó, bà nhận hung tin: chồng bị địch phục kích vây bắt, đã hy sinh. Nỗi đau chồng lên nỗi đau. Mãi đến tháng 9.1959, Nguyễn Thị Nhạn mới được trả tự do.

Sau khi ra tù, Mười Nhạn tiếp tục bắt nối với cơ sở cách mạng và sinh hoạt ở Chi bộ Giáng La do Phan Là làm Bí thư. Chi bộ được củng cố, phong trào được phục hồi nhanh chóng. Phan Là, Mười Nhạn, Phan Thảng trở thành chỗ dựa tin cậy của xã, của huyện, là cơ sở nuôi giấu cán bộ ở trên về công tác để sát dân, sát phong trào, chỉ đạo nổi dậy phá “ấp chiến lược”, diệt tề, làm liên lạc cho Huyện ủy, Tỉnh ủy…

Năm 1961, một lần nữa Mười Nhạn bị bắt và tra tấn dã man. Đầu năm 1962 được thả về, bà được tổ chức bố trí cho thoát ly ra vùng giải phóng. Bà được Huyện ủy Điện Bàn phân công làm công tác tuyên huấn, tổ chức, công tác đấu tranh chính trị… Thời kỳ chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử xuân Mậu Thân - 1968, đồng chí Hồ Nghinh - Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà ký quyết định điều động bà Nguyễn Thị Nhạn lên tỉnh, phân công về “ban đấu tranh chính trị”, chuyên trách công tác nội thành Đà Nẵng.

Từ năm 1972, Nguyễn Thị Nhạn được bầu bổ sung vào Đặc khu ủy Quảng Đà, làm Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Đặc khu. Sau ngày quê hương giải phóng, bà tiếp tục được bầu làm Tỉnh ủy viên Quảng Nam - Đà Nẵng và nghỉ hưu năm 1990.

LÊ NĂNG ĐÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vợ chồng cùng kiên trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO