(QNO) - Cộng đồng mạng xã hội đang lên cơn sốt và vô cùng hâm mộ cặp vợ chồng trẻ Mark Zuckerberg - cha đẻ của Facebook - khi quyết định tặng 99% tài sản của mình (trị giá 45 tỷ USD) cho mục đích cải tạo thế giới, nuôi dưỡng thế hệ tiếp theo của nhân loại nhân sự kiện cô con gái yêu Max Zuckerberg chào đời. Mark Zuckerberg không phải là tỷ phú đầu tiên quyết định không để lại tài sản cho con cái. Câu chuyện để lại gì cho con cái khiến tôi nhớ đến cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”. Cuốn sách là sự trải nghiệm sống động quá trình nuôi dạy con Sara Imas trong hai nền văn hóa khác nhau Do Thái và Trung Quốc.
Bìa cuốn sách "Vô cùng tàn nhẫn - Vô cùng yêu thương". |
Mỗi người có cách yêu thương khác nhau, mỗi dân tộc cũng có phương pháp yêu con khác nhau. Phương pháp yêu con của người Do Thái khá đặc biệt: “Tình yêu thương của các bậc cha mẹ Do Thái nhằm vào mục đích đem lại lợi ích suốt đời cho con chứ họ không đáp ứng nhu cầu tạm thời của con. Họ thực hiện “cơ chế thị trường, không bồi dưỡng ra thế hệ ăn bám bố mẹ”, “phát huy tố chất triệu phú của mỗi đứa trẻ”, “trì hoãn thỏa mãn của con để chúng hiểu bố mẹ”, “phụ huynh 100 điểm không bằng phụ huynh 80 điểm”... (Sara Imas).
Trong cuốn “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” ấy, bà mẹ đơn thân Sara Imas cũng đã chỉ ra bệnh của các người mẹ Á Đông là bệnh “bà mẹ trực thăng”. Điều này ám chỉ rằng, các mẹ Trung Quốc hay Việt Nam luôn thích bảo bọc đến từng milimet các con mình. Mình thực sự không tán đồng với cách các bà mẹ trẻ xót con té ngã, vỗ về con nín khóc bằng cách dậm dậm chân vào vị trí bé té ngã rồi đổ thừa cho ông địa. Tại sao không phân tích cho bé thấy là tại bé hậu đậu nên vấp ngã. Nhìn sâu xa hơn, đó là hành động, là bài học về việc không dám chịu trách nhiệm về hành động của các bé. Cục đất mà biết nói năng, chắc nó khóc suốt nhiều thập kỷ qua vì các bà mẹ trẻ. Mình nhiều lần theo dõi phản ứng của các bé khi té ngã, nếu bé ngã mà không có mẹ hay người thân bên cạnh, bé sẽ phủi chân đứng dậy. Nhưng nếu người thân xuất hiện, bé lập tức trở thành diễn viên đóng vai bi kịch rất xuất sắc. Và thật ra, đó chỉ là tình yêu quá trớn, hoàn toàn làm hại con. Nó khiến bọn trẻ con thành kẻ tàn phế suốt đời về tư tưởng, tinh thần và nhân cách. Makarenko - nhà giáo dục nổi tiếng từng so sánh: “Nếu bạn muốn con mình chết vì ngộ độc, hãy cho nó uống một liều thuốc mà bạn gọi đó là hạnh phúc”.
Bà mẹ nổi tiếng thế giới người Do Thái Sara Imas cho rằng, gà mái cũng biết đẻ con, nhưng dạy con là một chuyện khác. “Nuông chiều con cái, thỏa mãn trước, thỏa mãn quá mức yêu cầu của con mà không biết rằng, người nào nuông chiều con cái ắt có ngày người đó phải băng bó vết thương cho con. Mềm mỏng là hại, tàn nhẫn là yêu. Các bậc cha mẹ hãy dắt con đi hoặc nhìn con tự bước đi, tuyệt đối không bế con! Và hãy xuất hiện vào những lúc con cần cha mẹ nhất hay những lúc cha mẹ bắt buộc phải xuất hiện chứ vĩnh viễn không được trưởng thành thay con. Tình thương dành cho con cái là một môn khoa học và là cả một nghệ thuật, tình yêu ấy cần phải có ý nghĩa, có giá trị và có thành tựu”.
Cha mẹ cần dạy dỗ con một cách khoa học như thế nào? Đó là một câu hỏi cũng là một vấn đề lớn liên quan mật thiết đến sự thành công hay thất bại của một người, là vấn đề thời sự không chỉ hôm nay mà cả mai sau
VƯƠNG HẰNG SA