Có nhiều chính khách bắt đầu sự nghiệp bằng con đường báo chí. Cụ Hồ khởi đầu mục tiêu giải phóng dân tộc bằng báo Người cùng khổ (Le Paria). Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng vậy, trước khi trở thành thiên tài quân sự, ông cũng khởi hành bằng báo chí. Hiếm có vị tướng nào trên thế giới lại viết hàng trăm bài báo, gần 100 luận văn có giá trị như Võ Nguyên Giáp. Cũng hiếm có vị tướng nào lại làm tất tần tật công việc của một nhà báo chuyên nghiệp: từ Chủ tịch hội, Tổng biên tập, viết xã luận, thời đàm, nghị luận, điều tra, phóng sự, biên tập, duyệt bài, sắp xếp nội dung, cho tới bố cục, lên trang, trình bày, đưa nhà in, sửa morasse và phát hành báo. Năm 1991, Hội Nhà báo Việt Nam đã trao tặng nhà báo Võ Nguyên Giáp Huy chương “Vì sự nghiệp báo chí” vì có từ 25 năm làm báo trở lên.
Ngòi bút “luôn ở thế tấn công”
Theo hồi ký của Đại tướng, năm 1925 ông vào Huế học trường Quốc học. Thời kỳ Võ Nguyên Giáp ở Huế là thời kỳ sôi nổi, “làm nhiều việc cùng một lúc: vừa học thi, vừa đi dạy, vừa viết báo, vừa hoạt động cách mạng…”. Năm 1927, 16 tuổi, Võ Nguyên Giáp đã viết bài báo đầu tiên trong chặng đời làm báo của mình, bằng tiếng Pháp: “À bas le tyranneau de Quoc hoc!” (Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc học!), gửi đăng tờ L’Annam của luật sư Phan Văn Trường ở Sài Gòn làm chủ nhiệm. Bài báo tố cáo mạnh mẽ nền giáo dục ngu dân của những kẻ cai trị. Cũng trong năm này, Võ Nguyên Giáp vào làm việc tại nhà xuất bản Quan hải tùng thư do Đào Duy Anh sáng lập và ở Báo Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây, Võ Nguyên Giáp bắt đầu học nghề làm báo. Bài báo đầu tiên của Võ Nguyên Giáp đăng trên Báo Tiếng dân trong hai số 218 và 222 ngày 28.9 và 5.10.1929 với bút danh Hải Thanh là bài “Vũ trụ và tấn hóa”. Khi đó Võ Nguyên Giáp đang làm biên dịch viên cho Báo Tiếng dân. Chuyên luận triết học khá sâu này đã được Võ Nguyên Giáp viết khi mới 18 tuổi, sau hai năm tự học từ khi bị đuổi khỏi Trường Quốc học vì biểu tình và bãi khóa. Nhà văn, nhà báo Dương Phước Thu, người đang soạn sách “Lịch sử báo chí Thừa Thiên Huế” đã tìm theo những bút danh trên báo Tiếng dân, đã thống kê được 27 bài của Võ Nguyên Giáp đăng trên 36 số báo. Với các bài ký tên Vân Đình ở mục “Thế giới thời đàm”, ông đưa ra nhiều ý kiến bình luận sắc sảo về kinh tế chính trị, tình hình thế giới. Ông còn viết cho báo Tầm thế kỷ.
Năm 1985, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh và đã dùng máy ảnh của nhà báo Trần Hợi chụp ảnh các nhà báo đưa tin về đại hội. (Ảnh tư liệu) |
“Làm báo khác với làm giàu. Lấy danh nghĩa của nghệ thuật mà lợi dụng cái đẹp buồn bã, âm thầm, yếu ớt, suy vong mà ru ngủ bạn đầu xanh, đó không phải là việc làm của người cầm bút có lương tâm”. (Tôn chỉ của báo Hồn Trẻ do Võ Nguyên Giáp đồng sáng lập) |
Sau khi bị bắt, bị tù một năm (1930) vì ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh và bị cấm làm báo ở Huế, Võ Nguyên Giáp “ngưng bút” trong khoảng gần 6 năm, rồi xuất hiện chói sáng trở lại trên mặt trận báo chí trong phong trào Mặt trận Bình dân sôi nổi những năm 1936 - 1939. Tháng 1.1936, Mặt trận Bình dân Pháp thành lập, và giành thắng lợi trong cuộc Tổng tuyển cử tháng 4.1936. Đảng Cộng sản Đông Dương phát động phong trào Mặt trận Dân chủ và cuộc vận động Đông Dương đại hội. Những năm đó, Võ Nguyên Giáp (gọi là thầy Văn) vừa dạy môn sử Trường Thăng Long vừa học Trường Luật, nhưng vẫn dành thời gian cho báo chí. Thầy Văn bàn với Đặng Thai Mai cùng nhau ra tờ báo, thì phát hiện tờ Hồn Trẻ đang đứng trước nguy cơ phá sản. Thầy Văn bàn với đồng nghiệp góp vốn mua lại tờ báo này. Chỉ sau một thời gian ngắn, thủ tục được hoàn tất. Ngày 6.6.1936, bộ mới báo Hồn Trẻ ra số đầu tiên. Trên trang nhất nêu rõ tôn chỉ của tờ báo, in bằng chữ to, đóng khung trang trọng: “Làm báo khác với làm giàu. Lấy danh nghĩa của nghệ thuật mà lợi dụng cái đẹp buồn bã, âm thầm, yếu ớt, suy vong mà ru ngủ bạn đầu xanh, đó không phải là việc làm của người cầm bút có lương tâm”. Dưới đó đăng bài kêu gọi người Pháp thực hiện chính sách dân chủ ở Đông Dương: ân xá chính trị phạm, cổ võ dân chúng đấu tranh cho dân chủ tự do… Báo Hồn Trẻ còn đăng loạt bài đề cập những đòi hỏi về cuộc sống của các tầng lớp nhân dân như: Tình cảnh và hy vọng của Đông Dương, tình cảnh hy vọng của dân chúng… Với bút danh “Hồng Thanh” và nhiều bút danh khác, Võ Nguyên Giáp cùng Trần Huy Liệu, Hải Triều đã phản ánh nguyện vọng của nhân dân. Đúng như tuyên ngôn đăng trên Hồn trẻ số 3, ngày 20.6.1936: “Hồn Trẻ… phấn đấu tiến thủ, không hề lợi dụng văn chương mà nịnh hót kẻ quyền thế để đưa mình đến cõi giàu sang”. Thời thực dân, những lời tâm huyết này quả là đáng quý và rất dũng cảm. Tờ báo được nhiều tầng lớp hưởng ứng, tìm đọc. Những số sau dù có tăng thêm số lượng, cũng chưa thỏa mãn nhu cầu của người đọc. Đặc biệt là sau khi báo Hồn Trẻ in bài xã luận có đoạn: “Đối với Chính phủ, Hồn Trẻ yêu cầu điều này trước đã: Chính phủ cho báo Hồn Trẻ được như các báo chí Pháp xuất bản ở Đông Dương, hưởng cái chế độ của đạo chỉ dụ ngày 4.10.1927”. Nghĩa là hưởng tự do ngôn luận. Hồn trẻ được in ra không đủ bán. Học sinh Trường Thăng Long tình nguyện đi bán báo và góp tiền ủng hộ báo. Thấy rõ sự “nguy hại” của Hồn trẻ, các nhà cai trị thực dân vội vã đóng cửa báo sau khi ra được 12 số.
Viết báo như một nghĩa vụ và trách nhiệm
Là một thầy giáo có trình độ lại rất nhạy cảm với thời cuộc, Võ Nguyên Giáp dự đoán: tờ Hồn Trẻ không thể tồn tại được lâu, nên ông đã chuẩn bị cho ra tờ báo in bằng tiếng Pháp. Quả vậy, khi tờ Hồn Trẻ tập mới bị đình bản, thì ngay sau đó, tờ báo tiếng Pháp Le Travail (Lao động) do Võ Nguyên Giáp làm chủ bút ra mắt bạn đọc. Võ Nguyên Giáp vừa là chủ bút, vừa biên tập viên chính, làm việc rất hăng hái. Nghe tin có cuộc bãi công lớn của công nhân vùng mỏ, ông đạp xe 200km từ Hà Nội về tới Cẩm Phả để viết bài. Những bài báo này đã gây được sự chú ý của dư luận trong nước và cả ở Pháp. Cuối năm 1936, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Khuất Duy Tiến… từ các nhà tù trở về nhập ngay vào nhóm Le Travail Trong những năm Mặt trận Dân chủ sôi nổi, ở Hà Nội, hàng loạt tờ báo tiếng Pháp và tiếng Việt được Đảng chỉ đạo xuất bản công khai. Khi tờ này bị cấm, tờ khác xuất hiện ngay. Báo tiếng Pháp có các tờ Rassemblement (Tập hợp), En Avant (Tiến lên), Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta); báo tiếng Việt có các tờ Thế giới, Đời nay, Tin tức, Ngày mới... công khai cổ động đấu tranh với các khẩu hiệu dân sinh, dân chủ, đòi đại xá chính trị phạm, ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp... Võ Nguyên Giáp tham gia viết bài rất nhiệt tình. Đặc biệt, tờ Notre Voix - nơi mà Võ Nguyên Giáp như một “linh hồn” - đã đăng loạt bài với bút danh là P.C.Lin (bí danh của Nguyễn Ái Quốc) dưới tiêu đề “Thư từ Trung Quốc” với chữ in nghiêng trong hai số 7 (12.2.1939) và 8 (5.3.1939). Có lần cùng một lúc, một số bận việc đột xuất, không kịp viết bài, Võ Nguyên Giáp ngồi từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau, viết kín một thếp giấy 48 trang và bố cục, trình bày xong cả một số báo Notre Voix cho kịp đưa xuống nhà in, rồi tới trường Thăng Long dạy học.
“Tôi thấy làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. Đó là một công việc luôn luôn khẩn trương, phải phát hiện kịp thời… yêu cầu, tâm lý đa dạng và thường xuyên thay đổi của bạn đọc,… để biết mình phải làm gì. Tính thời gian rất quan trọng. Có được tin sớm để đăng đã khó. Nhưng khó hơn nhiều là nghệ thuật đưa vấn đề đúng lúc, tác dụng sẽ được nhân lên gấp bội. Nội dung đương nhiên cần được bảo đảm chính xác, chặt chẽ, nhưng hiệu quả đối với người đọc thường lại do cách diễn đạt, trình bày quyết định. Bố cục không hợp lý sẽ làm giảm hiệu quả của một số báo có nhiều bài hay. Những bài chính, phụ, ngắn, dài, nặng, nhẹ, phải kết hợp với nhau một cách hữu cơ, tạo nên sự hài hòa như những màu sắc của một tác phẩm hội họa, mới mang lại hứng thú cho người đọc. Đặt tên cho một bài báo rất khó. Tôi thường mất nhiều thời gian cân nhắc tìm những kiểu chữ thích hợp cho đầu đề một bài báo chỉ vài ba dòng. Dòng thứ hai thường quan trọng nhất, nhưng các dòng khác không thể coi nhẹ vì phải góp phần tạo nên một chỉnh thể. Những kiểu chữ lớn, nhỏ, béo, gầy, đứng hoặc nghiêng - đều có vai trò và hiệu lực riêng của nó trên trang báo mà người làm báo không thể không biết tới...”. (Trích trong bài “Mười lăm năm làm báo trước Cách mạng Tháng Tám” của Võ Nguyên Giáp đăng trên Tạp chí Nhà báo và Công luận số 8.1991) |
Võ Nguyên Giáp xem viết báo như một nghĩa vụ và trách nhiệm, không có nhuận bút và phụ cấp mà sống thanh bạch nhờ nghề giáo. Trong phong trào đấu tranh đòi tự do ngôn luận, Xứ ủy Trung kỳ tổ chức Hội nghị Báo giới toàn xứ. Hội nghị họp ngày 27.3.1937 tại Đông Ba, Huế. Võ Nguyên Giáp thay mặt báo Rassemblement và Hà Huy Giáp thay mặt báo Tiếng trẻ vào Huế dự. Trở ra miền Bắc, ông bàn với Ủy ban và đề nghị Xứ ủy Bắc kỳ cho tổ chức Hội nghị Báo giới toàn xứ theo gương của Trung kỳ và thành lập Hội Ái hữu báo giới Bắc kỳ. Võ Nguyên Giáp được trao nhiệm vụ cùng với Khuất Duy Tiến, Trần Huy Liệu, Đào Duy Kỳ… tổ chức hội nghị này. Hội nghị lần thứ nhất của báo giới Bắc kỳ họp ngày 24.4.1937 tại Hội quán CSA số 1 phố Charles Coulier (nay là Câu lạc bộ Thể dục thể thao Khúc Hạo). Hội nghị cử Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch và Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Báo chí.
Tháng 5.1940, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng được Xứ ủy Bắc kỳ “điều” sang Vân Nam (Trung Quốc). Cũng từ đây, nhà báo cách mạng Võ Nguyên Giáp được gặp, được hoạt động, được làm báo cùng với Nguyễn Ái Quốc. Bài báo đầu tiên Võ Nguyên Giáp được Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo với yêu cầu ngặt nghèo “Chú chỉ được viết 100 chữ” là bài “Chị em phụ nữ phải đoàn kết lại!” (đăng trên báo Việt Nam độc lập số 112, ngày 1.12.1941). Những năm 1941 - 1945, Đại tướng đảm nhận nhiều công việc cho cuộc khởi nghĩa giành độc lập đang đến gần, nhưng ông vẫn hoàn thành xuất sắc những công việc tuyên truyền của một nhà báo cách mạng. Ông viết cho báo Việt Nam độc lập của Việt Minh, cùng Đào Duy Kỳ viết “Việt Minh ngũ tự kinh” bằng tiếng Tày, Dao làm tài liệu tuyên truyền. Trong chức vụ Ủy viên khởi nghĩa, Đại tướng làm chủ bút báo Nước Nam mới của Khu giải phóng. Tờ báo này ra được 7 số, đến Cách mạng Tháng Tám 1945 thì dừng. Đại tướng lại tổ chức báo Quân giải phóng của Việt Nam giải phóng quân... Trong thời kỳ chống thực dân Pháp và cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, kể cả sau khi đất nước thống nhất, tuy bận trăm công nghìn việc nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn viết nhiều bài báo cổ vũ, động viên quân dân ta vượt qua khó khăn gian khổ để hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Những ngày đưa tiễn Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi cứ nhớ hoài câu nói về nghề báo của ông: “Nghề làm báo hao tâm tổn trí, gian khổ nhưng người làm báo được đền bù xứng đáng là niềm vui khi thấy tác dụng và hiệu quả của tờ báo trong đông đảo bạn đọc...”.
NGÔ MINH