Tại làng Châu Bí (nay là xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn) dưới chân núi Bồ Bồ, được bao bọc bởi hai con sông Bình Phước và sông Yên, có một dòng tộc đã sáng chế ra những thế võ độc đáo, xây dựng dòng tộc mình thành một dòng võ nổi tiếng, đó là võ phái Hồ Công.
Võ sư Hồ Công Vinh múa roi biểu diễn trước sân nhà thờ tộc Hồ Công. Ảnh: vothuatcotruyen.vn |
Phát tích
Tương truyền, người khai sáng ra võ phái này là tướng quân Hồ Công Sùng. Ông xuất thân từ làng Quỳnh Đôi, Nghệ An làm quan dưới triều nhà Mạc đến chức Đô chỉ huy sứ. Đầu thế kỷ 17, ông từ quan, dẫn ba người con trai là Hồ Công Vạn, Hồ Văn Bền (người thứ ba không biết tên) - đều là tướng quân - vào miền đất Châu Bí khai hoang lập làng cùng các vị tổ họ Dương, Trần, Nguyễn. Thuở ấy, đất này là rừng thiêng, nước độc, nhiều thú dữ, nên ông phải tìm cách tự vệ, và việc đánh rắn, đuổi cọp trên núi Cấm đã được ông đúc kết kinh nghiệm, sáng chế ra những thế võ độc đáo, có tên là võ Long Xà.
Những thế võ đó hầu hết được mô phỏng từ những thế trườn, quật, bắt mồi của loài rắn, phối hợp cương nhu làm cho thân pháp của người luyện võ dẻo dai, uyển chuyển như rồng cuộn trong mây. Khi ra đòn thấy nhẹ như bông nhưng thực chất thì đối phương đón đỡ nặng tựa ngàn cân. Đặc điểm võ nghệ của Hồ Công Sùng truyền lại là luồn lách nhập nội, đánh đòn ngắn, hiểm độc, có hiệu quả thực dụng, những đòn dài chỉ là đòn gió để luồn lách... Võ Long Xà không truyền cho người ngoại tộc, kể cả con gái họ Hồ cũng không được học những thế võ bí truyền ấy, chỉ có con cháu trai mới được đặc truyền. Mãi cho đến đầu thế kỷ 20, do yêu cầu của lịch sử, các võ sĩ Hồ Công phái hầu hết tham gia các phong trào yêu nước chống xâm lược, họ đã đem kỹ thuật chiến đấu bí truyền của môn phái ra huấn luyện cho nghĩa quân, từ đó luật “ngoại tộc bất truyền” mới được bãi bỏ.
Trong cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 do hai chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo, tộc Hồ Châu Bí có nhiều người tham gia. Các ông Hồ Công Cung, Hồ Quảng Ngôn, Hồ Xuyến cùng với các ông Phan Phú Dinh và Phan Bá Thiều mở các lớp dạy võ tại Cấm Lớn huấn luyện nghĩa quân cho phong trào.
Những võ sư huyền thoại
Võ phái Hồ Công ở Châu Bí đã sản sinh ra nhiều võ sĩ tài ba, danh tiếng lừng lẫy, “bất khả chiến bại”. Dưới đây là một số truyền nhân nổi tiếng.
Võ sư Hồ Hương, truyền nhân đời thứ 7 của võ phái Hồ Công, rất giỏi thuật phi thân (khinh công). Hai tay xách hai giỏ đựng đầy đá, ông nhún mình một cái tức thì từ dưới đất vọt lên trên nóc nhà. Thời ấy, khi trong làng, xã có nhà bị cháy, ông tung người nhảy lên các mái nhà bên cạnh, giở tranh ném xuống đất để khỏi bị lửa cháy lan. Trong trường hợp khẩn cấp, ông có thể “bốc” từng người ném lên các mái nhà để họ cùng giở tranh với ông.
Ngoài việc rèn luyện tinh thông quyền pháp võ Long Xà, Hồ Hương còn học thêm võ thuật với một võ sư người Pháp tên là Big Bag. Sau gần một năm rèn luyện, Big Bag nói rằng đã dạy hết các thế võ cho Hồ Hương, chỉ còn dành lại một tuyệt chiêu để “phòng thân”. Nếu Hồ Hương đánh trúng ông 5 roi thì ông sẽ dạy nốt tuyệt chiêu này. Hồ Hương suy nghĩ, tìm tòi sáng chế ra 5 đường roi tuyệt kỹ công phu, khi giao đấu với thầy, 5 đường roi xuất ra một cách thần tốc, tài tình làm cho võ sư Big Bag không kịp trở tay phải nhận đủ 5 roi vào người.
Ông Hồ Hương cùng với các ông Đoàn Cử, Nguyễn Phổ lập ra Hội Võ và tổ chức đấu võ tại đình làng Châu Bí vào các dịp Tết Nguyên đán đầu thế kỷ 20, làm cho phong trào dạy võ, học võ ở đây lên rất cao.
Võ sư Hồ Điệp, vừa là học trò vừa là cháu gọi ông Hồ Hương bằng bác ruột, ông học võ với bác từ năm 7 tuổi. Ông là truyền nhân đời thứ 8 của võ phái, và đã đào tạo rất nhiều võ sĩ lừng danh trên các võ đài như: Hồ Cưu, Hồ Cập, Hồ Hiểu, Hồ Phước, Hồ Hồng Quang, Hồ Ôn, Hồ Dần... Trong những võ sĩ xuất sắc có Hồ Cưu và Hồ Cập là 2 anh em ruột.
Võ sư Hồ Điệp là người tài ba, đức độ, ngoài 90 tuổi vẫn múa roi đi quyền. Năm 2001, ông bị ốm rồi qua đời, hưởng thọ 100 tuổi.
Võ sư Hồ Cưu sinh năm Quý Sửu (1913), mất năm Mậu Tý (1948), còn gọi là “Thắng Cưu”. Mỗi khi bước lên võ đài, đặt bút ký bản cam kết “chết không khiếu nại”, bao giờ ông cũng mỉm cười tự tin và cuối cùng luôn là người chiến thắng.
Từ năm 14 tuổi, ông theo học với chú ruột là võ sư Hồ Điệp gần 10 năm trên đỉnh Đồi Mồi. Ông nổi tiếng với biệt tài “hốt ngựa” túm đối phương ném xuống đài. Từ năm 1935 đến năm 1940, Hồ Cưu đã giành được các danh hiệu Vô địch Quảng Nam, Vô địch miền Trung, Vô địch miền Nam, và trong 2 năm 1937 - 1938, Hồ Cưu vô địch trận đài 5 xứ Đông Dương (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Cambodia và Lào) do Pháp tổ chức.
Danh tiếng Hồ Cưu đã làm cho nhiều môn phái khác ghen tỵ tìm cách ám hại nhưng lần nào ông cũng chiến thắng. Từ năm 1942 đến 1948, Hồ Cưu tham gia phong trào Việt Minh, làm công tác truyền bá chữ quốc ngữ và huấn luyện võ thuật cho đội Quyết Tử của tổng Định An. Hồ Cưu hy sinh năm 1948 trong một lần vượt sông Thu Bồn, hưởng dương 36 tuổi. Ông được đưa về an táng trên đỉnh Đồi Mồi.
Võ sư Hồ Cập, em ruột của Hồ Cưu cũng là một võ sĩ “bất khả chiến bại” trong nhiều năm. Ông cùng với Hồ Cưu đã từng so tài với các võ sĩ thượng thặng thời ấy như: Bửu Tiễn, Huỳnh Tiền, Minh Cảnh, Hồ Trọng Sơn, Đỗ Hy Sinh, Tôn Ngọc Lực và đoạt các chức vô địch Quảng Nam, Vô địch miền Trung, Vô địch miền Nam, vô địch Đông Dương từ năm 1938 đến 1941 ở hạng B (Hồ Cưu vô địch ở hạng A).
Võ sư Hồ Cập nổi tiếng với thế võ “Nghịch cước xuyên tâm” trong trận thắng võ sư Tôn Ngọc Lực của võ đoàn “Long Hổ Hội” tại Ái Nghĩa (Đại Lộc) vào cuối tháng tư năm 1960. Nghịch cước xuyên tâm là thế võ bí truyền của phái Long Xà được võ sư Hồ Cập sáng tạo bằng cách áp sát đối thủ và tung ra cú đá hiểm hóc; chưa có người nào hóa giải được nên Nghịch cước xuyên tâm còn có tên là “câu hồn cước”. Ông mất năm 1968.
Truyền nhân đời thứ 9
Võ sư Hồ Công Vinh là con của võ sư Hồ Điệp, truyền nhân đời thứ 9 của võ phái Hồ Công từ năm 2001 khi thân phụ qua đời. Ông sinh năm 1955, học võ với cha từ thuở nhỏ và thượng đài đấu võ lần đầu tiên vào năm 16 tuổi (1971) tại võ đài Ngô Văn Sở - Đà Nẵng. Năm 1981, Hồ Công Vinh mở võ đường Long Xà ở Châu Bí, ông đã đào tạo được nhiều võ sĩ xuất sắc như: Nguyễn Văn Trị (2 huy chương vàng huyện Điện Bàn), Đỗ Thanh An (huy chương đồng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng), Trần Văn Đạt (2 huy chương bạc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng), Lê Văn Tâm (huy chương vàng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng), Hồ Công Thạch (con của võ sư Hồ Công Vinh, huy chương vàng Giải trẻ toàn quốc, huy chương bạc Giải vô địch quốc gia), Võ Thành Long (huy chương vàng Giải vô địch quốc gia 3 năm liền 2004 - 2006)...
Trong một cuộc hội thảo võ thuật tại Ninh Thuận, Hồ Công Vinh đã biểu diễn đòn “Nghịch cước xuyên tâm” của võ phái Long Xà khiến các võ sư vô cùng thán phục. Đây là một đòn khác thường rất sáng tạo vì nguyên tắc võ thuật là “roi liên, quyền nội”, chứ ít ai dùng cước trong khi áp sát đối thủ. Và tuyệt kỹ này được hội nghị chọn vào danh sách 28 thế đối kháng của võ thuật cổ truyền dân tộc. Võ sư Hồ Công Vinh đang tập hợp tất cả những quyền pháp võ Long Xà để viết lại thành cuốn sách “Võ Long Xà” lưu truyền hậu thế.
*
* *
Hiện nay tại nghĩa trang tộc Hồ làng Châu Bí, xã Điện Tiến có đến 6 tấm bia mộ ghi danh hiệu “Võ sư” của tộc. Từ Quỳnh Đôi xứ Nghệ, võ tướng Hồ Công Sùng và các con đã chọn núi rừng Châu Bí làm quê hương thứ hai, khai sinh ra Võ phái Long Xà lưu truyền trong dòng tộc với những cao thủ võ lâm làm rạng rỡ cho nền võ học quê nhà. Sự nghiệp đó được người dân Quảng Nam ghi nhớ, đúng như 2 câu đối ở nhà thờ tộc Hồ Công:
“Hữu khai tất tiên, công đức tòng lai viễn hỉ,
Khắc xương quyết hậu, tử tôn phất thế dẫn chi”
(Khai cuộc dẫn đầu, công đức ngàn sau lưu dấu,
Hưng công mở mối, cháu con tiếp bước noi truyền - Nguyễn Thiếu Dũng dịch).
CHÂU YẾN LOAN