Trận chung kết giải vô địch Bóng chuyền nam tỉnh Quảng Nam năm 2022 diễn ra cuối tuần qua giữa đội bóng Thăng Bình và đội chủ nhà Núi Thành chứng kiến hình ảnh “vỡ sân” khi Nhà thi đấu TD-TT huyện Núi Thành không còn chỗ trống buộc khán giả phải tràn xuống sân để xem trận đấu.
Niềm vui “vỡ sân”
Nhà thi đấu TD-TT huyện Núi Thành, sau khi được đầu tư xây dựng khá khang trang cách đây 5 - 6 năm, đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều giải đấu cấp tỉnh như giải Võ cổ truyền, Bóng chuyền nữ và mới nhất là giải Bóng chuyền nam thuộc chương trình Đại hội TD-TT tỉnh lần thứ IX.
Người dân Núi Thành hâm mộ thể thao cuồng nhiệt và cổ vũ vô tư cho tất cả đội bóng nên việc họ đến sân đông cũng là điều bình thường. Nhưng khác biệt ở chỗ, giải Bóng chuyền nam tỉnh năm nay, lần đầu tiên đội bóng quê hương lọt vào đến chung kết giải. Vì vậy, trong ngày diễn ra trận đấu quan trọng nhất của giải, mọi ngả đường trên địa bàn Núi Thành đều gặp số đông người dân đi đến nhà thi đấu TD-TT huyện.
Lần đầu tiên gặp phải thực tế nhà thi đấu không còn đủ sức chứa trong khi số lượng khán giả vẫn ùn ùn kéo đến khiến cho ban tổ chức địa phương có phần lúng túng. Không thể khóa cửa nhà thi đấu trước nhu cầu của người hâm mộ được chứng kiến đội bóng huyện nhà có cơ hội lớn để đăng quang, ban tổ chức quyết định sắp xếp cho khán giả ngồi bệt xuống dưới sân xem trận chung kết.
Bất tiện cho người hâm mộ và phần nào ảnh hưởng đến công tác tổ chức thi đấu nhưng đây là giải pháp chấp nhận được nhằm giúp khán giả toại nguyện mong muốn có mặt trong nhà thi đấu để cổ vũ cho hai đội bóng. Vất vả song cũng là niềm vui đối với các nhà tổ chức khi lần đầu được chứng kiến hình ảnh “vỡ sân” ở một giải đấu.
Các giải thể thao phong trào luôn thu hút rất đông khán giả song hiếm có tình trạng “vỡ sân”. Bóng chuyền nữ tỉnh tổ chức tại Quế Sơn, Thăng Bình, Tiên Phước hay Duy Xuyên những năm trước đây luôn ken kín khán giả mà những ai đến sau khó có cơ hội chen chân để có chỗ xem thuận lợi.
Nhưng tại các địa phương này sân thi đấu ngoài trời với số lượng không hạn chế nên không có câu chuyện “vỡ sân” xảy ra (bóng chuyền nữ tỉnh nếu tổ chức trong nhà thi đấu thì chắc chắn không tránh khỏi “vỡ sân” như trường hợp bóng chuyền nam tại Núi Thành).
Cũng nhờ sân ngoài trời nên để lại những hình ảnh ấn tượng như khá đông khán giả lên sân thượng những ngôi nhà của người dân chung quanh hay một số leo lên hàng rào hoặc cây xanh để có thể xem chị em thi đấu.
Vui - lo lẫn lộn
Chứng kiến hình ảnh khán giả ngồi tràn xuống sân nhà thi đấu TD-TT huyện Núi Thành ở giải bóng chuyền nam tỉnh vừa qua, có thể nói đó là niềm vui rất lớn đối với những người làm công tác thể thao trong việc phát triển phong trào và đưa các giải đấu cấp tỉnh về địa phương (trước đó giải Bóng chuyền nữ tỉnh được tổ chức tại Núi Thành cũng thu hút khá đông khá giả).
Vui vì các giải thể thao phong trào đã tạo ra sức hút đáng kể với người dân khắp nơi trong tỉnh. Giải tổ chức tại địa phương nào thì những ngày giải diễn ra địa phương đó như trẩy hội, nhất là khi có đội nhà thi đấu thành công, với không khí vui tươi tràn ngập khắp đường làng, ngõ xóm, khu dân cư.
Nhưng khi chấp nhận để khán giả tràn xuống sân thì nỗi lo cũng không phải không có, nhất là vấn đề an ninh, an toàn cho trận đấu, vận động viên và cả khán giả. Bởi lẽ, rất khó đáp ứng yêu cầu về an ninh, an toàn nếu xảy ra những sự cố ngoài ý muốn, chẳng hạn như cháy nổ hoặc khán giả quá khích trong khi lực lượng an ninh mỏng.
Trận chung kết vừa qua, lực lượng an ninh chưa quyết liệt đối với vài khán giả có hơi men xuống sân đi lại rất khó coi và làm ảnh hưởng đến công tác tổ chức thi đấu, còn lại, đại đa số người hâm mộ Núi Thành và khán giả cổ vũ vô tư, trong sáng và không cay cú ăn thua. Tất cả đã góp phần làm nên một giải đấu thành công từ dưới sân đến khán đài.