Khai thác vàng trái phép lại bùng phát mạnh trên địa bàn xã Ba (Đông Giang). Địa điểm tận thu không đâu khác chính là nơi doanh nghiệp từng đầu tư nhà máy bạc tỷ.
Đào khoét lòng núi
Khi doanh nghiệp khai thác ở mỏ vàng Tam Chinh (thôn Dốc Kiền, xã Ba, Đông Giang) tạm ngừng đóng cửa nhà máy, các đối tượng khắp nơi đổ về băm nát lòng núi bới tìm vàng, tiềm ẩn những mối đe dọa đến tính mạng, an ninh trật tự địa phương… Giữa cuối tháng 7, hàng chục đối tượng tiến sâu vào khu vực mỏ vàng Tam Chinh mà Nhà nước đã cấp phép cho Công ty TNHH Đạt Phát (TP.Đà Nẵng). Theo giấy phép, công ty được phép khai thác 13ha, khu vực giáp ranh với khu vực Bà Nà - Núi Chúa (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) bao gồm 3 khu A, B và C. Như nhiều doanh nghiệp khai khoáng khác, công ty này bỏ ra nhiều tỷ đồng đầu tư mua sắm dây chuyền công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, gần một năm qua, nhà máy tạm dừng hoạt động kéo theo các thiệt bị, dụng cụ khai thác “đắp chiếu”. Theo người quản lý khu vực mỏ vàng của công ty, khu vực này vốn dồi dào trữ lượng vàng, trong quá trình tận thu xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, các cơ quan chức năng cương quyết yêu cầu buộc phải đóng cửa. Tháng 8 này, giấy phép đã hết hạn hoạt động, lợi dụng công ty thiếu lực lượng bảo vệ, quản lý, người dân địa phương và khắp nơi đã ồ ạt vào khai thác trái phép. “Để quản lý và bảo vệ tài sản của công ty, ngoài tôi ra còn có 3 bảo vệ. Nhưng chúng tôi chỉ có thể bảo vệ tài sản, còn người dân vào trong khai thác thì không thể ngăn cản được. Đến cuối giờ chiều, người từ trong các khu hầm đi ra rất đông, có thời điểm khoảng vài trăm người” - người đàn ông bảo vệ nhà máy cho biết.
Đối tượng đào bới vàng tiến sát vào diện tích quản lý của doanh nghiệp khai thác vàng. |
Tại hiện trường khu A, chúng tôi đếm có gần 20 đối tượng đang lúi cúi đào bới lòng đất lấy quặng. Cùng lúc, hệ thống máy nổ mở hết công sức có gắn vào ống dẫn nước, tạo thành vòi rồng phun tới tấp vào chân núi. Đất, đá, sỏi sau khi được dồn vào một chỗ được hút lên máng sắt để sàng tuyển lấy quặng vàng. Ở khu vực khai thác, giữa quả đồi bát úp bị cày nát nham nhở, đầy hang hục; vô số hầm hố sâu có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào… Sát vị trí đánh tọ mọ là dây chuyền máy móc hiện đại của Công ty TNHH Đại Phát bỏ hoang phế. Những tưởng có người lạ đến vàng tặc sẽ bỏ của chạy lấy người, nào ngờ họ không hề có cảm giác lo sợ. Một chị mót vàng cho biết, nhóm dân bản địa 3 - 5 người tận thu quặng 2 ngày dồn lại mới thuê máy xay nhỏ một lần. Nhóm thanh niên góp vốn mua sắm máy nổ, còn đàn bà, trẻ em có mặt để mót vàng thôi. Khu A trước đây là nhà máy, nơi nhận quặng từ khu B và khu C đưa đến. Khu B và C là những khu vực hầm mỏ đang thu hút dân đào đãi vàng, hàng chục lán trại với những chiếc máy xay đang nổ bành bạch.
Hiện trường khai thác vàng ngổn ngang tại Dốc Kiền - xã Ba. Ảnh: T.H |
Ai quản lý?
Do làm ăn không hiệu quả nên từ năm 2014 đến nay, nhà máy của Công ty TNHH Đại Phát bỏ hoang. Thấy vậy, người dân địa phương bắt đầu vào làm trái phép. Chúng tôi thắc mắc: “Khu vực mỏ thuộc quyền quản lý của công ty sao lại để cho nhóm người lạ ngang nhiên vào tận đây thu vàng như chốn không người?”. Người quản lý của công ty này cho rằng, chỉ người của công ty thì không thể kiểm soát, ngăn chặn, còn chính quyền địa phương thì lâu lâu mới xuống bãi vàng một lần. Hướng giải quyết của công ty sắp đến là sẽ tiếp tục sản xuất, nhưng hiện tại người dân vào làm ào ạt, những hệ lụy về môi trường, đe dọa tính mạng luôn treo lơ lửng. Trước thực trạng người dân tứ xứ đổ về đây xâm hại tài nguyên, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, tai nạn và gây ô nhiễm môi trường sinh thái, ông Phan Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Ba cho biết, người dân làm vàng trong phạm vi ranh giới, diện tích do công ty quản lý nên trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp. Đến ngày 1.8, doanh nghiệp này hết hạn khai thác. Trong khi đó, ông Bùi Văn Ba - Trưởng phòng Khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên môi trường cho rằng, qua thông tin báo chí, đơn vị sẽ phối hợp với địa phương rà soát lại hoạt động khoáng sản trên địa bàn xã Ba, đồng thời có phương án chặn đứng tình trạng tận thu vàng trái phép tại đây.
Từ lâu, Dốc Kiền, Trung Mang thuộc địa phận các xã Ba, Tư (Đông Giang) nổi tiếng là “thánh địa vàng”, là điểm nóng của “vàng tặc”. Sông Vàng nằm ở dưới núi trở thành túi chứa chất thải, nước thải do đào đãi vàng nên nguồn nước quanh năm đục ngầu. Chính quyền địa phương các cấp tổ chức chiến dịch truy quét thường xuyên, song tình hình vẫn chưa được cải thiện triệt để. Nếu không có biện pháp cứng rắn, quyết liệt hơn, thì hậu quả tàn phá môi trường từ khai thác vàng trái phép ở xã Ba sẽ nghiêm trọng hơn.
TRẦN HỮU