Ngày 9.5, ông Phạm Đức Hòa - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển (NHPT) Việt Nam tuyên bố kế hoạch tăng trưởng tín dụng của ngân hàng năm 2015 sẽ vào khoảng 20% - 30%. Vốn sẵn, chỉ còn chờ dự án tốt để đầu tư.
Theo công bố của NHPT chi nhánh Quảng Nam, trong vòng 9 năm qua, ngân hàng này đã cho vay trên địa bàn Quảng Nam 10 dự án với tổng vốn tín dụng hơn 3.500 tỷ đồng, 13 dự án ODA cho vay lại hơn 980 tỷ đồng và 775 tỷ đồng hỗ trợ vốn kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn lãi suất 0%. Ngoài ra, 7 dự án thủy điện cũng đã nhận tài trợ tín dụng từ ngân hàng này với số vốn giải ngân hơn 2.800 tỷ đồng cùng nhiều tài trợ tín dụng khác cho các dự án đầu tư sản phẩm mây tre, gỗ… Giải ngân hơn 250 tỷ đồng cho 56 hợp đồng tín dụng xuất khẩu cùng nhiều hợp đồng cấp phát vốn ủy thác, hỗ trợ sau đầu tư, bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn với tỷ lệ vốn lớn được giải ngân. Từ đồng vốn tài trợ, lãi suất ưu đãi của ngân hàng này đưa các dự án mang lại sản lượng điện trung bình hàng năm 2.886 triệu kW, tạo ra nhiều sản phẩm nội địa, xuất khẩu, giải quyết gần 4.000 lao động phổ thông tại địa phương, góp phần không nhỏ vào sự phát triển Quảng Nam.
Lịch sử chi nhánh NHPT Quảng Nam đã kết thúc kể từ ngày 9.5 khi chỉ còn là một phòng giao dịch. Thế nhưng sự ra đời của một chi nhánh NHPT khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng trên cơ sở giải thể, tổ chức lại Chi nhánh NHPT Quảng Nam và Chi nhánh NHPT Đà Nẵng để tiếp tục thực hiện tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu chính sách của nhà nước trên hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng vẫn tiếp tục mở ra cơ hội có thêm nhiều nguồn vốn bơm vào nền kinh tế địa phương. Ông Phạm Đức Hòa - Phó Tổng Giám đốc NHPT Việt Nam khẳng định việc thành lập chi nhánh khu vực để từng bước tạo ra một hệ thống ngân hàng vững mạnh hơn. Mỗi đơn vị trực thuộc đều có sức mạnh thật sự nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững trong môi trường hoạt động tín dụng đầy rủi ro, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của NHPT Việt Nam - một ngân hàng thực hiện tín dụng chính sách nhà nước có chất lượng, quản trị rủi ro theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đủ năng lực cạnh tranh và hội nhập với các ngân hàng trong khu vực và thế giới. Chi nhánh NHPT sẽ tiếp tục cung ứng nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn, góp phần định hướng đầu tư cho các chủ thể vào các ngành, vùng, các lĩnh vực nhà nước khuyến khích phát triển, phát huy vai trò là một công cụ đắc lực của Chính phủ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước theo đối tượng phục vụ do Chính phủ quyết định.
Hai hợp đồng tín dụng cho vay vốn (Quảng Nam 100 tỷ đồng và Đà Nẵng 50 tỷ đồng) thực hiện chương trình kiên cố kênh mương, các dự án giao thông nông thôn… lãi suất 0% và 3 biên bản ghi nhớ tài trợ tín dụng đầu tư cho Quảng Nam - Đà Nẵng đã được ký kết ngay lại lễ công bố thành lập chi nhánh khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng cho thấy ngân hàng đã thực hiện đúng “cam kết” tài trợ vốn cho đầu tư phát triển với vai trò của một ngân hàng chính sách nhà nước. Cũng theo ông Phạm Đức Hòa, dư nợ 9 năm qua của chi nhánh ngân hàng này ở Quảng Nam hay Đà Nẵng không đạt yêu cầu. Đây là khu vực kinh tế động lực của miền Trung nên cơ hội cho ngân hàng tăng trưởng là rất lớn và nguồn vốn chính sách đổ vào nền kinh tế địa phương cũng không hề nhỏ. Hai hợp đồng đã ký kết theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính là chuyện khác, quan trọng hơn các địa phương cần phải tính toán đầu tư cho các dự án và doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh để tiếp tục được giải ngân, bởi ngân hàng không hề thiếu vốn mà chỉ thiếu dự án để đầu tư.
Như vậy, dòng tiền không khó để khơi thông từ ngân hàng chính sách này. Vấn đề là địa phương và doanh nghiệp có đủ lực để hút nguồn vốn này bằng những dự án chất lượng, góp phần vào sự thúc đẩy đầu tư phát triển và tăng trưởng địa phương, thay vì chỉ mãi than ngân hàng khắt khe nên vốn không đến được với doanh nghiệp.
TÙY PHONG