Những không gian trưng bày hàng trăm vật phẩm, hiện vật xưa cũ... đang tăng lên mỗi ngày ở xứ Quảng. Có nơi định danh bảo tàng, phòng trưng bày chuyên đề. Có nơi, chỉ là tập hợp của những người yêu quý vốn liếng văn hóa truyền thống. Họ mở ra những tia hy vọng về câu chuyện bảo tồn văn hóa...
Trưng bày trong bảo tàng nghề y truyền thống. |
Hẳn vui, bởi chuyện bảo tồn của rất nhiều năm trước, đôi phần bị người ta đẩy về phía “Nhà nước”. Nhưng khái niệm bảo tồn của thời đại mới, với sự chung tay của cộng đồng, đang rộng mở đón nhận tất cả tấm lòng vì văn hóa.
“Di sản trong tay, trong tim”
Thông điệp này của UNESCO xuất hiện đã hơn 15 năm trước, với sự kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ, giữ gìn và phát huy di sản. Sự đồng lòng của người dân đã làm nên hành trình để Hội An, Mỹ Sơn có thêm những câu chuyện kể bên cạnh giá trị di sản của mình. Một chặng đường 20 năm đi qua, để những người quản lý văn hóa nơi này tự tin khẳng định câu chuyện đồng lòng của cư dân địa phương.
Hẳn lúc này, di sản thật sự đã trong tay, trong tim của người dân vùng thung lũng Mỹ Sơn. Mượn thông điệp phát đi từ một cuộc thi về di sản, để nhắc nhớ lại về sức mạnh cộng đồng. TS. Patricia Zoglese - người đã có sự gắn bó mật thiết với quá trình khảo cổ, bảo tồn tại Mỹ Sơn, cho biết, điều bà tâm đắc nhất, ngoài những thành tựu bảo tồn mà người Ý làm với nhóm tháp G, điều lớn hơn, sâu xa hơn, chính là đã có một lớp người địa phương đủ sức gánh vác trọng trách của tương lai di sản. “Chính các bạn - những người dân địa phương, chứ không phải chuyên gia hay người nước ngoài như chúng tôi mới là đối tượng chính giữ gìn và bảo tồn di sản về sau” - bà Patricia Zoglese nói. Hiện tại, các vùng phụ cận của Mỹ Sơn đang viết tiếp câu chuyện để nối dài giá trị tinh hoa của Mỹ Sơn bằng những hoạt động phụ trợ, làm phong phú thêm vốn liếng Mỹ Sơn. Làng du lịch cộng đồng xã Duy Phú đã rục rịch với những hoạt động khám phá vùng đệm Mỹ Sơn, đưa du khách thăm thú các cảnh quan và trải nghiệm đời sống hàng ngày của cư dân. Có một nhóm người sẽ tư vấn hoàn toàn miễn phí cách thức để người dân không phải phá vỡ cảnh quan của làng mình nhưng vẫn có thể làm du lịch. Đây cũng chính là cách để họ gián tiếp bảo tồn những giá trị văn hóa của một vùng đất dày dặn trầm tích và là tình yêu với vốn liếng quê mình.
Thông điệp “di sản trong tay, trong tim chúng ta” không chỉ có hiệu ứng với riêng những vùng đất di sản. Các lễ hội truyền thống của người dân xứ Quảng đã phần nào tỏ rõ sự chân thành, trân trọng với tinh hoa vùng đất.
Chuyển giao văn hóa
Ngày một được nhận diện rõ ràng về vai trò của mình, các bảo tàng, phòng trưng bày lẫn những hội nhóm sưu tập cổ vật... được nhận chân rõ ràng hơn. Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho rằng, trong nhiều năm qua hệ thống bảo tàng ở Hội An đã luôn thể hiện rõ vai trò của một thiết chế văn hóa đặc thù. “Hệ thống bảo tàng tại Hội An được xây dựng nhằm gắn kết hiện tại với quá khứ, đồng thời chuyển giao các giá trị văn hóa mà tiền nhân đã sáng tạo ra cho các thế hệ tương lai và đang thực hiện tốt các chức năng nghiên cứu khoa học, giáo dục khoa học, tư liệu hóa di sản. Đồng thời mỗi bảo tàng là một trung tâm thông tin có khả năng cung cấp nguồn sử liệu có tính nguyên gốc và là một trung tâm cung cấp các loại dịch vụ văn hóa, cả hình thức nghỉ ngơi, giải trí tích cực cho du khách tham quan (điểm dừng chân)” - ông Nguyễn Chí Trung nói. Hướng tới cách tiếp cận đa ngành và liên ngành về di sản văn hóa, xem di sản văn hóa như một chỉnh thể thống nhất không tách rời giữa động sản và bất động sản, vật thể và phi vật thể, thiên nhiên và văn hóa, truyền thống và cách tân, duy trì và trao truyền, hệ thống bảo tàng tại Hội An luôn là địa điểm được lựa chọn với nhiều du khách.
Mới đây, Bảo tàng Nghề y truyền thống Hội An ra mắt với hơn 200 hiện vật cùng 6 gian trưng bày, tái hiện một giá trị, sinh hoạt văn hóa có tuổi đời khá dày dặn của Hội An. Ông Nguyễn Chí Trung nói thêm: “Hiện nay, trong khu vực phố cổ có ba bảo tàng thu hút sự tham quan của hàng nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế mỗi ngày, gồm: Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng Văn hóa dân gian, Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch. Sự ra đời của Bảo tàng Nghề y truyền thống Hội An đã tạo nên sự liên hoàn của hệ thống bảo tàng chuyên đề trên các trục đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học trong khu phố cổ nhằm phát huy mối quan hệ chặt chẽ giữa bảo tàng và di tích dựa trên nguyên tắc tôn trọng, đảm bảo tính nguyên gốc, tính mỹ thuật của di tích, đảm bảo các hoạt động nghiệp vụ bảo tàng, đó là lấy hiện vật làm trung tâm, vừa gìn giữ bảo quản hiện vật vừa phát huy giá trị vốn có của hiện vật nhằm giáo dục văn hóa truyền thống, cung cấp thông tin khoa học cho công chúng”.
Cùng với Hội An, tại nhiều địa phương, những không gian trưng bày, sưu tập hiện vật có giá trị đang nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ cả chính quyền lẫn người dân địa phương. Bởi đã đến lúc, con người cần những đối sánh với quá khứ để tiến thêm những bước dài hơn, chắc chắn hơn. Đây chính là câu chuyện về sự chuyển giao văn hóa giữa các thế hệ, mà mấu nối cần thiết khởi đi từ những không gian lưu giữ vốn liếng xứ sở... Đó cũng là câu chuyện thực hành “di sản trong tay và trong tim chúng ta”.
LÊ QUÂN