Vốn tín dụng thúc đẩy phát triển kinh tế

VIỆT NGUYỄN 16/12/2022 09:05

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển kinh tế; đưa vốn vào các lĩnh vực ưu tiên là những dấu ấn của hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh năm 2022.

Khách hàng được tư vấn khi giao dịch tại Vietcombank Quảng Nam. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Khách hàng được tư vấn khi giao dịch tại Vietcombank Quảng Nam. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Thúc đẩy phát triển kinh tế

Nguồn vốn huy động tại hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 có mức tăng trưởng cao, đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, cá nhân.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, dự tính đến ngày 31/12, tổng huy động vốn đạt 76.445 tỷ đồng (tăng 14,1% so với đầu năm). Nguồn vốn nội tệ chiếm 98,43%, vốn ngoại tệ 1,57%.

Trong cơ cấu nguồn vốn huy động, tiền gửi tiết kiệm từ dân cư chiếm 74,89%; tiền gửi tổ chức kinh tế 24,21%; tiền gửi kỳ phiếu, trái phiếu 0,9%. Huy động vốn có kỳ hạn trên 12 tháng chiếm tỷ trọng 32,33%; huy động không kỳ hạn và có kỳ hạn đến 12 tháng chiếm tỷ trọng 67,67% tổng nguồn vốn.

Số liệu thống kê của Sở KH-ĐT, tính đến cuối năm toàn tỉnh có hơn 8.640 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 1.069 doanh nghiệp thành lập mới. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang trên đà phục hồi. Theo đó tín dụng cho vay doanh nghiệp tăng trưởng khá. Ước tính đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp tăng 6,7% so với đầu năm.

Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, đến cuối năm 2022, tổng nợ xấu là 906 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,97% tổng dư nợ (năm 2021 là 0,46% tổng dư nợ). Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng phải kiểm soát tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay dưới 3% để đảm bảo an toàn hoạt động. Thế nhưng, đến nay đã có 4/33 tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ nợ xấu/dư nợ hơn 3%.

Ông Phạm Trọng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho rằng, các chỉ số tăng trưởng mạnh của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch vừa là tiền đề vừa là hệ quả của hoạt động đẩy mạnh cho vay thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Dự tính đến cuối năm, dư nợ cho vay ở Quảng Nam đạt 93.546 tỷ đồng (tăng 12,21% so với cuối năm 2021, đạt hơn 98% kế hoạch tăng trưởng năm 2022 theo chỉ tiêu đăng ký của các tổ chức tín dụng).

Hoạt động tín dụng trên địa bàn đồng hành với các doanh nghiệp gặp khó do tác động của đại dịch COVID-19. Sau hơn 2 năm triển khai, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, góp phần hỗ trợ tích cực doanh nghiệp, cá nhân.

Tổng giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi là 4.624 tỷ đồng cho 1.700 khách hàng (255 doanh nghiệp, 1.442 cá nhân…). Đáng nói, doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt 62.065 tỷ đồng cho 6.778 khách hàng.

Về hỗ trợ 2% lãi suất, các ngân hàng thương mại đã thông báo đến 1.832 khách hàng. Đến nay đã hỗ trợ lãi suất 2% cho 10 khách hàng với doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất hơn 12,7 tỷ đồng. Hiện có 161 khách hàng đang hoàn thiện hồ sơ xét duyệt hỗ trợ lãi suất 2%.

Đưa vốn vào các lĩnh vực ưu tiên

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, tín dụng năm 2022 tăng trưởng đạt 14,8%, vượt mức 14% chung của cả nước. Đáng chú ý, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên đến cuối năm tăng trưởng tốt.

Cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đến cuối năm nay có dư nợ cho vay 25 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26,72% tổng dư nợ, tăng 6,24% so với đầu năm. Cho vay xuất khẩu là 1.000 tỷ đồng, tăng 41,84% so với đầu năm. Cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ 16 nghìn tỷ đồng, tăng 5,81% so với đầu năm. Cho vay công nghiệp hỗ trợ 3.670 tỷ đồng, tăng 67,05% so với đầu năm.

Đẩy tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên là mục tiêu của Chính phủ. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới room tín dụng từ 1,5 - 2% với mục tiêu tăng thêm hạn mức tín dụng để các ngân hàng thương mại có điều kiện tăng thêm nguồn lực, qua đó mở rộng tín dụng cho những doanh nghiệp, lĩnh vực đang cấp thiết có nhu cầu trong nền kinh tế, đặc biệt là nhóm các lĩnh vực ưu tiên.

Ngân hàng Nhà nước nhận thấy cần hạn chế tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng đang áp dụng lãi suất ở mức cao. Chính vì thế phân bổ room tín dụng được xem là một trong những chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại tập trung huy động vốn và giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho vay sản xuất, kinh doanh cuối năm của doanh nghiệp, cá nhân cũng như các dự án, chương trình cần thiết cho tăng trường kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Ông Phạm Trọng cho biết, dư địa cho vay còn nhiều, cộng thêm nới room tín dụng 1,5 - 2%, các ngân hàng thương mại đang “bơm” vốn vào nền kinh tế, tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh cuối năm.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vốn tín dụng thúc đẩy phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO