Vốn ưu đãi giải quyết việc làm: Cung không đủ cầu

QUANG VIỆT 16/08/2022 04:31

Nhu cầu lớn trong khi nguồn vốn được cấp không đủ nên nhiều hộ dân không tiếp cận được vốn vay giải quyết việc làm của ngân hàng chính sách để xây dựng mô hình kinh tế.

Bà Tăng Thị Lang - Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Phương Tân (xã Bình Nam, Thăng Bình) trao đổi với tổ viên về cách làm ăn hiệu quả. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Bà Tăng Thị Lang - Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Phương Tân (xã Bình Nam, Thăng Bình) trao đổi với tổ viên về cách làm ăn hiệu quả. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Cung không đủ cầu

Từ đầu năm 2022, xã Bình Nam (Thăng Bình) không còn nằm trong danh sách xã thuộc vùng khó khăn nên người dân không được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Thiếu vốn, nhiều hộ dân trên địa bàn xin vay vốn giải quyết việc làm nhưng không được đáp ứng.

Ông Phạm Quốc Doãn Trường - cán bộ phụ trách tín dụng chính sách ở xã Bình Nam của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Thăng Bình cho biết, hiện nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm ở xã hơn 3 tỷ đồng nhưng chỉ mới cho vay được hơn 1 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm sẽ có thêm nhiều hộ dân xin vay vốn giải quyết việc làm nhưng rất khó có nguồn để đáp ứng.

Ông Phạm Văn Quốc - Chủ tịch UBND xã Bình Nam cho rằng, từ trước đến nay nhờ tín dụng chính sách mà nhiều hộ dân đã xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả, vươn lên thoát nghèo. Nay, không được tiếp cận nguồn vốn chính sách, khó xây dựng mô hình kinh tế ổn định, nguy cơ tái nghèo lại hiển hiện.

“Rất mong Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Thăng Bình huy động, làm giàu thêm nguồn vốn để giúp người dân vay vốn giải quyết việc làm” - ông Quốc nói.

Ông Phạm Quốc Tuấn - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Thăng Bình cho biết, năm 2022, nguồn vốn giải quyết việc làm chỉ giới hạn 20 tỷ đồng, chỉ có thể đáp ứng phần nhỏ nhu cầu của người dân ở 22 xã, thị trấn.

Khi ngày càng có nhiều xã về đích nông thôn mới và tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm dần thì ngược lại, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của người dân có chiều hướng tăng.

Nguyên nhân, nhiều hộ không còn được tiếp cận với nguồn vốn của các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn… Thực tiễn đang đặt ra vấn đề không dễ giải quyết.

Ở TP.Hội An, thời điểm này hoạt động kinh diễn ra sôi động nhờ dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Bà Lê Thị Kim Anh - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH TP.Hội An cho biết, người dân có nhu cầu lớn vay vốn giải quyết việc làm để đầu tư buôn bán, làm du lịch, dịch vụ, trồng rau, trồng quật tết..., vì thế rơi vào trạng thái quá tải.

Tăng huy động vốn

Để tăng thêm nguồn vốn chính sách, nhất là giải quyết việc làm, mỗi năm TP.Hội An đều ủy thác cho Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH TP.Hội An 3 tỷ đồng. Năm nay, nhu cầu lớn hơn nên chính quyền thành phố ủy thác 5 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hội An chú trọng triển khai chương trình “Gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo” trong cán bộ, đảng viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tại thành phố. Từ ngày 16.5 đến 16.6, đã huy động được gần 16 tỷ đồng, tăng tiền gửi tiết kiệm của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH TP.Hội An lên xấp xỉ 51 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH TP.Hội An đề nghị chủ tịch UBND cấp xã tiếp tục tuyên truyền rộng rãi hơn nữa để người dân biết chủ trương huy động tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng chính sách, qua đó có thể tăng thêm nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH TP.Tam Kỳ cho biết, để đảm bảo thực hiện tốt các chương trình tín dụng, nhất là cho vay giải quyết việc làm, địa phương đã đẩy mạnh khai thác các nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Đến nay, tổng nguồn vốn chính sách của TP.Tam Kỳ hơn 287 tỷ đồng, trong đó vốn ủy thác của UBND TP.Tam Kỳ hơn 55 tỷ đồng, vốn huy động được Trung ương cấp bù lãi suất hơn 95 tỷ đồng, vốn huy động từ tổ chức, cá nhân là hơn 84 tỷ đồng.

Theo Ngân hàng CSXH Quảng Nam, tính chung trên địa bàn tỉnh, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm là 484 tỷ đồng nhưng chỉ đáp ứng được 215 tỷ đồng.

Ông Lê Hùng Lam - Giám đốc Ngân hàng CSXH Quảng Nam cho biết, huy động vốn là một trong những nhiệm vụ lớn. Tổng nguồn vốn chính sách tính đến hết quý II.2022 đạt 6.167 tỷ đồng (tăng 601 tỷ đồng so với đầu năm).

Trong đó, cơ cấu vốn gồm vốn Trung ương phân bổ là 4.637 tỷ đồng (tăng 386 tỷ đồng so với đầu năm), vốn ủy thác của ngân sách địa phương là 488 tỷ đồng (tăng 95 tỷ đồng so với đầu năm). Ngoài ra, còn huy động thêm 1.042 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

“Vốn cho chương trình giải quyết việc làm năm nào cũng bức thiết. Ngân hàng CSXH Quảng Nam luôn chú trọng huy động, làm giàu thêm nguồn vốn để triển khai” - ông Lam nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vốn ưu đãi giải quyết việc làm: Cung không đủ cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO