Vọng âm trống tuồng đồng ấu

TRẦN BÍCH LIÊN 09/02/2016 14:43

Ngày xuân, viễn cảnh trống tuồng giục liên hồi đâu đó vẽ ra trong niềm khấp khởi. Và, như một vọng âm, ngọn lửa tuồng sẽ cháy mãi trong lòng những diễn viên tuồng nhí, góp thêm chút hương cho đời.

Với cụ Nguyễn Quỳnh - Chủ tịch Hội Bảo trợ tuồng Duy Xuyên, nỗi trăn trở mai kia tuồng mất đi đã thôi thúc cụ sẵn sàng làm tất cả những gì có thể nhằm lưu giữ tuồng trong đời sống. Bảy câu lạc bộ tuồng cơ sở được gầy dựng tại 7 xã/thị trấn của huyện Duy Xuyên. Song, nhận thấy những người níu giữ nghệ thuật tuồng phần lớn đã bước qua tuổi “tứ tuần” đến “thất thập cổ lai hy”, cụ Quỳnh nảy ý tưởng gầy dựng những đội tuồng đồng ấu từ trong học đường. Bao phen cụ Quỳnh lặn lội vào Nam ra Bắc để xin hỗ trợ. Đáp lại niềm tha thiết của cụ là những sự hứa hẹn. Cụ Quỳnh lại lặn lội về quê, vào Sở VH-TT&DL và huyện Duy Xuyên trình bày ý tưởng dự án và được Sở VH-TT&DL, chính quyền địa phương hỗ trợ 50 triệu đồng; phần còn lại là nguồn ít ỏi từ Hội Bảo trợ tuồng. Giai đoạn 2013-2014, cụ Quỳnh đã dốc sức, từ việc phối hợp với ngành giáo dục huyện Duy Xuyên, các trường học THCS Trần Cao Vân (thị trấn Nam Phước), THCS Lương Thế Vinh (Duy Trung) và THCS Nguyễn Thành Hãn (Duy Sơn) chọn lựa diễn viên nhí, chuẩn bị kịch bản, mời các nghệ nhân tuồng ưu tú về trực tiếp giảng dạy cho từng em cho đến chuẩn bị sân khấu, lo ăn uống cho nghệ sĩ lẫn học sinh, rồi lo tổng duyệt, công diễn… Tất tần tật, một tay cụ Quỳnh chỉ đạo, sắp xếp ổn thỏa. Dưới sự dìu dắt của những thầy tuồng thực thụ, 12 học sinh của 3 đội tuồng đồng ấu đã tỏ ra yêu thích tuồng và nhập vai tốt hơn cả mong đợi.
Năm 2014, dự án “Sân khấu học đường” của cụ Nguyễn Quỳnh sau nhiều lần “gõ cửa” đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) chấp thuận, rót kinh phí gần 500 triệu đồng. Từ nguồn này, 3 đội tuồng đồng ấu ở các xã vùng tây Duy Xuyên đã được gầy dựng. Các trường còn được trang bị hệ thống loa, âm thanh, ánh sáng, trang phục, đạo cụ đáp ứng cho một buổi diễn tuồng ở cơ sở. 30 học sinh được chọn đã trải qua những tháng ngày luyện tập công phu, chỉ giữ lại những em có năng khiếu thật sự về tuồng. Buổi công diễn với những trích đoạn “Trần Quốc Toản ra trận”, “Đổng Kim Lân biệt mẹ”, “Trưng Vương đề cờ”… vỡ òa trong niềm phấn khởi của thầy lẫn trò. “Đấy, ai bảo các cháu không mê tuồng nào. Bản thân người lớn mình phải làm như thế nào để các cháu mê, chứ không phải mình không làm gì cả mà cứ nói các em bỏ rơi văn hóa dân tộc. Lỗi là do người lớn mình" - cụ Quỳnh bộc bạch.

Trước giờ biểu diễn. Ảnh: Mã Phước Cần
Trước giờ biểu diễn. Ảnh: Mã Phước Cần

Không thể phủ nhận, tuồng đã len lỏi vào học đường, nhiều thầy cô, nhiều bậc phụ huynh không kìm được niềm vui khi nhìn các em hóa thân thành diễn viên tuồng với những điệu bộ, động tác sắc sảo. Một số gương mặt tuồng nhí được phát hiện như Đoàn Kim Ngân (Trường THCS Trần Cao Vân), Nguyễn Thị Thơm (THCS Phan Châu Trinh)… Ngoài sở hữu gương mặt thanh tú, các em có tố chất của một diễn viên tuồng, nhập vai rất tốt. Vai diễn Trần Quốc Toản trong trích đoạn “Trần Quốc Toản ra quân” của Thơm hay vai Trưng Trắc trong trích đoạn “Trưng Vương đề cờ” của Ngân đã được nhiều nghệ sĩ đánh giá cao. Một số trường vẫn duy trì rất tốt các đội tuồng đồng ấu dù dự án đã khép lại. Trường THCS Phan Châu Trinh là một điển hình. Đội tuồng đồng ấu của trường đã được một số thôn Lệ Bắc, Thanh Châu trên địa bàn xã mời diễn nhân dịp tết, ngày đại đoàn kết toàn dân và được người dân tán thưởng nồng nhiệt. Nhà trường còn tạo “đất diễn” cho các em nhân lễ kỷ niệm, dịp sinh hoạt truyền thống đoàn đội, dịp hè... để nuôi dưỡng niềm đam mê.

Khen thưởng những vai diễn xuất sắc tại lễ tổng kết chương trình “Sân khấu học đường
Khen thưởng những vai diễn xuất sắc tại lễ tổng kết chương trình “Sân khấu học đường

Năm 2016 này, cụ Nguyễn Quỳnh lại bận bịu với những lo toan tìm nguồn xã hội hóa để có thể nhân rộng thêm 3 đội tuồng đồng ấu khác. Cụ còn tìm “đất diễn” cho tuồng đồng ấu qua Liên hoan nghệ thuật tuồng huyện Duy Xuyên với hứa hẹn như một làn gió mới thổi vào đất tuồng. Ông Hà Văn Minh, Phó trưởng phòng VH-TT huyện Duy Xuyên nói: “Cụ Quỳnh là cánh chim không mỏi trong hành trình bảo tồn, làm nên sự hồi sinh của tuồng trên đất Duy Xuyên. Song, để tuồng đồng ấu mãi vang vọng, cần phải có sự hà hơi tiếp sức từ xã hội, cũng như có một cơ chế bảo tồn đặc thù với loại hình này…”.

TRẦN BÍCH LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vọng âm trống tuồng đồng ấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO