Vòng đời của khói

Bút ký của TRUNG VIỆT 14/05/2017 06:21

Bản tin cách đây một tuần: tại Quảng Ngãi, giá rơm khô tăng bất ngờ, từ 100 nghìn đồng/sào, bỗng lên 300 nghìn, có nơi 350 nghìn, ai muốn mua rơm, phải đặt cọc ngay từ đầu vụ. Nông dân từ ngỡ ngàng chuyển qua sung sướng dâng trào. Người ta mua rơm để dự trữ mùa mưa cho trâu bò, phòng mưa lụt, mua để lót dưa làm nấm. Nhà nông được mùa rủng rẻng tiền.

Khói trên đồng.Ảnh: TRUNG VIỆT
Khói trên đồng.Ảnh: TRUNG VIỆT

1. Tôi đọc, mơ màng nhớ cũng cữ này năm ngoái, trong chuyến đi về  miền Tây giữa mùa hạn mặn. Nước mặn ngập đồng. Chết đứng chết ngồi - đúng như thế với bao nhà nông. Tại con rạch khá lớn tách ra từ sông Tiền ở huyện Mỏ Cày tỉnh Bến Tre, những chiếc ghe lớn như tàu xa bờ ở mình, chất đầy rơm. Hỏi chủ ghe, thì họ nói qua Campuchia mua, về bán lại, mỗi bó lời chừng 50 ngàn, chứ bên mình lúa chết hết rồi, bò không có rơm để ăn. Cái câu “đồ rơm rác đó mà kể vô”, nhớ trong nỗi cay đắng nhà nông, giờ đến lượt rơm cũng phải ngửa tay mà năn nỉ chủ ghe bán lại, không thì bò chết. Nỗi nhớ đồng bằng như đoạn phim buồn những gương mặt nắng mưa, những cuộc gặp chóng vánh mà xót xa, như đang trải qua trong mắt, u sầu, thì bạn điện nói rằng có về không, đang buổi đốt đồng, hay lắm.  

Khói dựng, từng ụn như mây, bật cười nhớ Nguyễn Huy Thiệp nói về những đám mây biến đổi, đang là triết gia, thoắt nó thành con chó. Lại nhìn đống tro bự tổ chảng. Không hề thấy số kiếp của rơm đã được hóa xác tội nghiệp, mà chỉ thấy ở đó sự tận hiến và ngọn lửa tái sinh, những vòng khói như tổ khúc múa không đạo diễn, mạnh ai nấy múa, nhưng không phải vậy mà lộn xộn, những hình hài bay lượn trong cô đơn, lẻ loi mà không cô độc, bởi gánh vác một sứ mệnh khác…

Lại nhớ đốt đồng. Bữa đó, tôi căn vặn một đồng nghiệp dân Vĩnh Long, rằng vậy thì còn gì văn chương miệt vườn nữa ta, bởi không còn rơm, lấy đâu ra khói. Những vệt khói như nước cơm chắt ra từ gạo mùa, bỏ chút muối, len vô giữa giấc ngủ thằng đàn ông tha hương đất Sài Sòn; khói là cơn say la đà của giấc mơ tuổi trẻ chưa bị - chưa từng bị chính quê, rồi chính mình ruồng bỏ. Trong một  tạp văn của mình, nhà văn Võ Đắc Danh kể rằng, hồi đó ở Cà Mau, lão đi len trâu trên đồng chó ngáp, nếu là dân từng trải, bao giờ cũng thủ theo một gói muối ớt. Sáng sớm lùa trâu qua ruộng, lấy cây roi hất tro còn ấm nóng ra, tro của mùa đốt đồng, sẽ hiện ra con rắn to như cổ tay, con chuột cháy đen, cạo gỡ lớp da bên ngoài, màu trắng của thịt rắn, chuột thơm lừng, lôi gói muối ớt ra, bẻ cái cụp, ngồi chấm mà ăn. Sau chuyến đi đó về, tôi hỏi thêm lần nữa, Võ Đắc Danh như nghẹn qua điện thoại, là lúc đó không có ngăn bờ, đê bao, mùa đốt đồng lửa cháy kéo dài tận chân trời. Bây giờ thì hết rồi, rơm không có cho bò ăn, thì lấy đâu ra rắn, chuột.

2. Tôi chạy ngang Vĩnh Điện, lù lù trên đường lộ là chiếc xe bò chất mười mấy bao tải, miệng bao nhận rơm. Kề xe định vượt, thì người phụ nữ ngồi sau lưng người đàn ông đang lái xe máy kéo xe bò bật ngó. Phải hơn 10 năm tôi mới gặp lại chị, mà phải xa xôi chi, sát nhà ông già ở quê. “Ủa, mi nhớ chị không?”. “Răng không, mà rơm hả?”. “Không, tro, mua ở Phong Thử”. “Ủa, làm rau à?”. “Không, chở luôn xuống Duy Nghĩa bán, mỗi bao 100 nghìn đồng, bán lại lời chừng 30 nghìn”. “Mua theo sào hả?”. “Không, họ đốt sẵn”. Ở chợ Nồi Rang - xã Duy Nghĩa, có bán tro. Hình như đó là ngôi chợ duy nhứt ở tỉnh này bán tro và gà con. Ôi thôi, tưởng đã xa rồi ký ức buồn… Những năm sau giải phóng, người từ Duy Hải, Duy Nghĩa lên mua tro về bón rau, màu. Giờ câu chuyện đó những tưởng đã dứt. “Răng dứt được, người chỗ chị họ đi theo nhóm đó em, lên trên quốc lộ mua, mua theo bao hoặc theo sào”.

Tro được cho vào bao, từ đây sẽ hóa thân vào đất.
Tro được cho vào bao, từ đây sẽ hóa thân vào đất.

Lại nhớ khói trên đồng. Hồi đó, dễ chi đốt đồng, vì nhà nào cũng có bò trâu, trưa nắng chang chang rứa mà ông già bắt phải ra trở rơm để chiều hốt nhanh không thôi mưa xuống là hết ăn. Rơm về chất đống, kêu anh em trong xóm lại chất cây rơm. Không có cây rơm đó, thì mùa mưa lấy đâu ra củi rác để nấu, đàn bò trâu cũng treo mỏ. Hiếm khi đốt lắm, chỉ có khi ruộng bạc màu quá, rồi rơm dư mới đốt. Cứ tầm 4 - 5 giờ chiều, dồn đống lại, và chích mồi lửa. Tôi mê lửa từ đó, từ bữa “chăn trâu đốt lửa trên đồng/rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều…” (Thơ Đồng Đức Bốn). Không chi sung sướng bằng nhìn lửa từ hiu hắt loi nhoi trên hộp quẹt nhôm, bén rơm khô, từ từ lan dần, liếm dần, lửa ngọn bùng lên, gặp rơm chưa khô, khói âm ỉ un lên, bay bổng, cay xè, từ xa nhìn tới, như đuôi hỏa tiễn, phi cơ bị cháy. Ghé anh bạn làm ở huyện, anh nói rằng chỗ Điện Hồng quê anh không đốt, mà bán, mỗi sào 50 nghìn đồng, để người ta làm nấm, có người thu gom tận ruộng. “Vợ anh bán được  400 ngàn, đủ trả tiền gặt, cũng đỡ, trông nó cao giá như Quảng Ngãi để mình nhờ mà không thấy…”.

3. Và đây, khói đang dựng đứng một góc đồng. Ba cột cao ngất, đằng kia hai đám cháy đã thành tro đen sì. Ông Hai Kiêu ngừng sảy rơm, quệt mồ hôi ròng ròng: “Có bán, nhưng nhà anh thì không, vì ruộng không nhiều. Trong Quảng Ngãi ra mua cao thiệt, nhưng họ mua rơm thẳng thớm, chứ rơm rối thì không. Như rơm anh đây rối quá, dồn đốt, kiếm mấy bao tro để dành bón rau. Dân Duy Nghĩa lên mua, vụ đông xuân 50 nghìn/sào, bữa ni chừng 30 nghìn/sào. Trâu bò chừ cũng ít rồi, bếp thì có bếp ga, bán chứ để làm chi, mưa rục hết mắc công dọn”. Khói dựng, từng ụn như mây, bật cười nhớ Nguyễn Huy Thiệp nói về những đám mây biến đổi, đang là triết gia, thoắt nó thành con chó. Lại nhìn đống tro bự tổ chảng. Không hề thấy số kiếp của rơm đã được hóa xác tội nghiệp, mà chỉ thấy ở đó sự tận hiến và ngọn lửa tái sinh, những vòng khói như tổ khúc múa không đạo diễn, mạnh ai nấy múa, nhưng không phải vậy mà lộn xộn, những hình hài bay lượn trong cô đơn, lẻ loi mà không cô độc, bởi gánh vác một sứ mệnh khác. Từ rơm, tro, khói, để một ngày trong cơn hoán cải tài tình của trời đất, nó lại thành lúa, thành rơm, chỉ có con người là vô tâm, hoặc mặc nhiên cho mình quyền năng thụ hưởng, hết bán rồi ăn, không cần biết cơn tái sinh của khói, tro, hay là đã biết và xem đó là nghĩa vụ của nó vì lỡ có mặt ở đời này. Nhưng nó mặc nhiên tất cả, xong sứ mệnh, nhẹ nhàng về trời, thiên di rong chơi cõi khác, không bận tâm chốn này…

Tôi ngó đống rơm đang cháy, tro và lửa chen nhau, nhớ thơ bạn “tro là kiếp trước của lửa”. Một cách chơi chữ, đúng hơn là minh xác cho một vòng tròn chu chuyển của triết học nhận chân từ đời sống mà đọc thấu bản thể con người, sự nối đuôi nhau của sự sinh thành và hủy diệt. Nhưng hình như không phải thế. Tất cả có mặt cùng một lúc, cơ hội như nhau, sứ mệnh như nhau, vấn đề là con người đã ham hố định danh cho nó thôi. Những đôi mắt lửa và tro nhìn tôi, một thằng người, hình như tôi nghe có tiếng cười “thì mi cũng là tro tàn cả thôi”. Tôi thấy mình bị cuốn vào khói, nằm trông vòng đời của nó, và bay…

Bút ký của TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vòng đời của khói
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO