(VHQN) - Từ “cây thuốc giấu” một thuở của đồng bào Xê Đăng, sâm Ngọc Linh bây giờ đã và đang trở thành thứ dược liệu “hái ra tiền” cho người dân địa phương. Một chu kỳ sinh trưởng như một vòng đời của sâm, với biết bao mồ hôi, công sức để làm nên thương hiệu “quốc bảo” đầy kiêu hãnh.
Gần 10 năm trước, tôi từng đặt chân đến “thủ phủ” sâm Ngọc Linh dưới chân núi thuộc nóc Kon Bin (thôn 2, xã Trà Linh, Nam Trà My). Lúc đó, muốn tận mắt chứng kiến cây sâm, phải lội bộ đường rừng suốt 6 giờ đồng hồ.
Nhiều hộ trồng sâm đầu tiên như Hồ Văn Du, Nguyễn Văn Lượng, Hồ Văn Liêm... đều có chung ý tưởng làm giàu từ sản vật của vùng, ngày đêm miệt mài trong rừng sâu. Và giờ, khi giá trị của sâm đã “cao ngất”, không giữ làm giàu cho riêng mình, họ góp thêm kinh nghiệm và động lực để cộng đồng cùng phát triển loài dược liệu quý dưới chân núi Ngọc Linh.
Phát biểu tại Hội thảo “Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia” mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, vài năm trước, khi đang là Thủ tướng Chính phủ, ông tham gia một hội thảo về sâm Ngọc Linh. Lúc đó, ông đã nói sâm Ngọc Linh là quốc bảo, nhưng không chỉ là quốc bảo mà còn đi liền với quốc kế dân sinh. Ý rằng, sâm Ngọc Linh không phải để trong tủ kính mà phải được chế biến, sản xuất, giải quyết nhiều việc làm, an sinh xã hội và đóng góp thực sự xây dựng thương hiệu quốc gia.
Sống trong môi trường khắc nghiệt, sâm Ngọc Linh có đủ câu chuyện về một vòng đời, từ lúc mới gieo hạt, ủ giống, cho đến chu kỳ sinh trưởng tự nhiên, ngủ đông, ra hạt, trước lúc được thu hái, bán ra thị trường. Môi trường tự nhiên là không qua sự tác động của con người. Để sâm sống khỏe, sống tốt là điều không hề đơn giản - một sự kỳ công không thua kém chăm... một đời người.