Tri ân những thế hệ người có công (NCC) cách mạng không chỉ là công việc ngày một ngày hai mà xuyên suốt từ thế hệ này đến thế hệ sau. Chăm lo mộ phần cho người đã nằm xuống, chăm sóc NCC đang còn sống là các hoạt động trọng tâm của cả xã hội.
Ông Trần Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Chăm sóc NCC là nghĩa cử xuyên suốt
Quảng Nam là tỉnh có số lượng đối tượng chính sách đông (chiếm trên 20% dân số) với hơn 65.000 liệt sĩ; 135.000 thân nhân; 30.600 thương bệnh binh; 46.000 NCC giúp đỡ cách mạng; 11.500 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 34.000 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân chương, huy chương; 6.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học... Đặc biệt, cả tỉnh có 15.298 bà mẹ được Đảng và Nhà nước phong tặng, truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (trong đó có 2.582 mẹ được phong tặng, hiện còn sống 521 mẹ).
Quảng Nam là tỉnh có nhiều NCC nhất nước, nên chăm sóc tốt cho NCC cũng là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng. Lo nơi yên nghỉ cho anh hùng liệt sĩ là việc đã làm suốt trong thời gian qua và sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Với NCC còn sống, thăm hỏi, trợ cấp, chăm sóc khi ốm đau, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhận chăm sóc suốt đời NCC neo đơn, chăm lo nâng cao mức sống cho NCC có hoàn cảnh khó khăn... đã được các cấp, địa phương chú trọng thực hiện. Các phần quà dành cho NCC trong dịp lễ, tết đều được các địa phương trao kịp thời, chế độ dành cho NCC hàng tháng được chuyển đến họ như một lời tri ân sâu sắc nhất.
Trong năm nay, Sở LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định điều dưỡng NCC cách mạng tập trung đối với 3.714 trường hợp. Đến nay, Trung tâm Nuôi dưỡng điều dưỡng NCC đã tổ chức điều dưỡng tập trung đối với 639 trường hợp. Tính đến tháng 4.2021, toàn tỉnh đã triển khai và hoàn thành 6.023 nhà ở cho NCC (xây mới 1.774 nhà, sửa chữa 4.299 nhà), đạt 47,3% so với số lượng dự kiến hỗ trợ của Nghị quyết 15 HĐND tỉnh. 521 mẹ còn sống đã được các cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, mức bình quân 800.000 đồng/mẹ/tháng.
Không chỉ phụng dưỡng hàng tháng, nhiều cơ quan, đơn vị ở xa nhưng thường xuyên cử cán bộ đến thăm hỏi, kịp thời động viên an ủi khi mẹ ốm đau hoặc phối hợp với địa phương lo việc tang lễ chu đáo khi mẹ qua đời. Nhiều đơn vị ngoài việc phụng dưỡng tiền trợ cấp hàng tháng, còn hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, mua sắm đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt trong gia đình, tổ chức cho mẹ đi tham quan… Chăm sóc, phụng dưỡng NCC hiện nay đã được xã hội vào cuộc rất thiết thực. Đó là nghĩa cử mà cả xã hội đã và đang cố gắng đền đáp, tri ân các thế hệ NCC của tỉnh.
Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My: Hỗ trợ gia đình NCC thoát nghèo
Chăm sóc, phụng dưỡng NCC và các hoạt động tri ân NCC không chỉ tập trung trong tháng 7, mà là hoạt động thường xuyên trên địa bàn huyện Bắc Trà My. Huyện luôn xác định công việc từ đầu năm là tập trung rà soát, hướng dẫn xác lập hồ sơ, xét duyệt hồ sơ và thực hiện kịp thời các chính sách, chế độ đối với NCC, đảm bảo không để sót đối tượng và theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Đối với chi trả chế độ hàng tháng cho NCC, việc chi trả được thực hiện qua bưu điện nhưng ngành LĐ-TB&XH phải luôn đảm bảo quản lý đối tượng NCC, chi trả trợ cấp hằng tháng đầy đủ, kịp thời và chu đáo, không để NCC phiền lòng. Trên tinh thần tự nguyện của các cá nhân, tập thể nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội đóng góp, chăm lo, cải thiện đời sống NCC với cách mạng và thân nhân của họ, kịp thời hỗ trợ khó khăn đột xuất và hỗ trợ cải thiện nhà ở cho NCC với cách mạng.
Năm 2021, địa phương phấn đấu hoàn thành hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở NCC với cách mạng từ nguồn hỗ trợ của TP.Hà Nội trước mùa mưa. Trước 27.7 đã hoàn thành xây dựng và bàn giao đưa vào sử dụng 5 nhà tình nghĩa cho hộ NCC thuộc hộ nghèo tại xã Trà Giang từ nguồn Quỹ Bảo trợ người tàn tật và bệnh nhân nghèo tỉnh hỗ trợ. Năm nay, huyện đã có kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo có NCC với cách mạng thoát nghèo bền vững bằng các nguồn lực.
Qua khảo sát thực tế, có 32/35 hộ nghèo có NCC đủ điều kiện để vận động họ đăng ký thoát nghèo bền vững theo NQ 13 HĐND tỉnh. Căn cứ nguyện vọng của hộ nghèo và điều kiện đất đai, lao động của hộ, sẽ xây dựng phương án giúp đỡ về sinh kế thoát nghèo bền vững. Đơn vị, đảng viên, cán bộ được phân công giúp đỡ sẽ bám sát hộ nghèo NCC, trợ giúp bằng mọi phương diện như kỹ thuật, nguồn vốn hỗ trợ, vốn vay, cây con giống, tạo công ăn việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo NCC... Địa phương đang làm hết sức, mục tiêu sẽ đưa 32 hộ nghèo NCC thoát nghèo trong năm 2021. Đối với 3 hộ nghèo NCC còn lại hoàn cảnh neo đơn, không có lao động nên không thoát nghèo được, chỉ vận động sự giúp đỡ nâng cao mức sống từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Trong dịp cao điểm tri ân NCC vào ngày 27.7 tới, huyện đã huy động nguồn lực tặng sổ tiết kiệm cho NCC khó khăn, ít nhất mỗi xã từ 1 - 2 sổ tiết kiệm, có giá trị thấp nhất 500 nghìn đồng/sổ. Ngoài ra, các lực lượng đều được huy động chăm sóc các phần mộ liệt sĩ, dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ đảm bảo sạch đẹp để thân nhân NCC đến viếng hương.
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang: Tập trung nâng cao mức sống cho NCC
Với NCC của huyện Tây Giang, cuộc sống của họ vẫn còn nhiều khó khăn nên cần đến sự quan tâm, chăm lo của các cấp chính quyền cũng như nguồn lực xã hội hóa. Thời gian qua, Tây Giang đã tập trung thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với NCC, thực hiện tốt công tác chi trả trợ cấp ưu đãi đến tận tay đối tượng NCC với cách mạng và thân nhân kịp thời.
Huyện đã tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện chế độ đối với NCC, không để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện, thắc mắc trong nhân dân và đối tượng chính sách. Dù là huyện còn nhiều khó khăn, nhưng Tây Giang cũng đã huy động, thực hiện phong trào ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để có nguồn kinh phí chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với thân nhân, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, NCC với cách mạng.
Trong dịp 27.7 này, tùy theo điều kiện và tình hình dịch bệnh, UBND các xã tổ chức gặp mặt truyền thống, thăm hỏi động viên, biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong học tập, công tác, lao động sản xuất, đi đầu trong phong trào giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Các xã cũng vào cuộc vận động nhân dân trong thôn, xã giúp hộ gia đình NCC với cách mạng xây mới, sửa chữa nhà ở để ổn định cuộc sống, bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước.
Huyện sẽ tổ chức khánh thành, bàn giao 20 nhà ở cho hộ gia đình NCC với cách mạng theo Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ngay trong dịp 27.7 này. Đồng thời phối hợp với gia đình NCC với cách mạng khởi công xây dựng mới nhà ở theo Quyết định số 1443/QĐ-UBND ngày 28.5.2021 của UBND tỉnh, mỗi xã 2 nhà. Với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, huyện vận động các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp và cá nhân tham gia thực hiện tốt 5 chương trình chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Bao gồm: tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, ổn định đời sống thương bệnh binh nặng, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc thân nhân liệt sĩ già yếu, cô đơn, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đỡ đầu con liệt sĩ mồ côi...