Tôi nghe da diết tiếng cưa bào vọng lại ở bến sông cũ. Hồ như chính nỗi cách trở đò giang độ nào giữa Kim Bồng và phía dãy nhà phố kia, tự thân làm nên niềm man mác trong hành trình kéo giãn làng này và phố nọ...
1. Ngày hợp lưu cầu Cẩm Kim cũng là lúc những chuyến đò từ phía Hội An qua Kim Bồng dừng hẳn. Bến chỉ còn vết dấu của những đoạn sào chống bãi khi đò cập bến. Chúng ở đó, mặc nhiên nắng mưa. Mặc nhiên cùng những tượng gỗ được đẽo gọt và trưng bày cách đó chừng vài trăm mét. Những khúc gỗ giổi thì phải, ở vai của những nhận diện cùng chiếc cổng “Làng mộc Kim Bồng”.
Như muốn người ở đâu đó bước tới đất này, rằng hãy để lòng mình yên mà đón lấy chuyện kể của tinh hoa. Như cách bước vào một không gian thiêng, thì lòng cũng nên nhẹ bẫng để qua vùng đất lành. Chiếc cổng làng trong tâm tưởng tôi là vậy, là thứ ngăn những tạp niệm của con người vốn dĩ ưa đeo mang.
Giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Nam đề xuất Làng mộc Kim Bồng Quảng Nam là mô hình thí điểm thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí triển khai mô hình là 5 tỷ đồng. Mô hình dự kiến thực hiện từ năm 2023 đến 2025 nhằm mục đích cải thiện sinh kế người dân thông qua phát triển du lịch nông thôn bền vững dựa trên cơ sở phát huy các giá giá trị văn hóa truyền thống và tài nguyên thiên nhiên.
Đò không còn qua lại khúc sông, thì chiếc cổng làng cũng vắng hẳn những dừng chân. Trong mê mải hình dung về ngày sôi động hơn chục năm trước, ký ức như chạm hẳn và ngưng đọng lại ở ngay đoạn này - đoạn mà người làng mộc tự hào vì riêng có một không gian chỉ dành cho đục đẽo, cưa bào.
Tôi nhìn những dãy nhà chạy dọc theo đoạn sông. Im lìm. Mơ hồ một nỗi mất mát. Đâu là nơi dừng chân để sửa lại từng đoạn cong ở thân con tàu gỗ, đâu là chốn để tốp thợ cũ chạm một trỏng bí, một đầu hồi trước khi “nhập” vào nơi ở của thương nhân Hoa kiều phía bên phố thị?
Người đã đi qua quá nhiều thăng trầm của nghề nghiệp trăm năm này, Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng nói, đó cũng là điều ông ưu tư hơn chục năm nay. Cuộc đất nào trở mình không chịu những mất mát. Nhưng có vẻ làng mộc Kim Bồng này chịu quá nhiều va đập.
Để cái tên làng còn đến hôm nay, gợi nhiều hơn nỗi buồn giữa kiêu hãnh, tự tôn. Người làng thức thời, chếch ngay cổng làng, dựng một quán cà phê. Gió ràn rạt thổi từ phía sông. Vẫn phần đông là thanh niên rỗi nghề. Du khách không bao nhiêu. Người có nhu cầu mua sản phẩm làng mộc càng không có.
2. Ông Huỳnh Sướng nói, gần 20 năm rồi, năm nào ông cũng đóng từ vài triệu đồng đến tầm mười mấy triệu cho tiền mặt bằng. Tôi lục lại tư liệu về ngày hình thành không gian làng mộc này, bắt đầu ngay năm 2004 khi Kim Bồng được công nhận làng nghề truyền thống thì cũng đồng thời một không gian làng nghề với nguyên một trục đường dọc theo bến sông được quy hoạch để đưa nghệ nhân làm nghề vào đây. Tầm 13 căn được hoạch định và xây dựng thành những “ki-ốt” làm nghề, được người làng gọi là xưởng.
Không gian làm nghề của ông Huỳnh Sướng dựng ngay sát nhà truyền thống làng nghề. Đầu tư bài bản để làm lâu dài.
“Những người gương mẫu thì bị thiệt thòi. Ngay lúc chính quyền hỗ trợ, tôi đi làm giấy tờ cho thuê đất 20 năm. Tạm gọi là sổ đỏ đi, có sổ thì phải đóng thuế. Năm nào mình cũng đóng, kể cả lúc dịch bệnh phải đóng cửa. Mấy năm sau này thuế đất lên, sản phẩm bán không được, nhưng mỗi năm vẫn phải chạy rốt rột cho ra mười mấy triệu đồng đóng thuế, bức!” - ông Huỳnh Sướng nói.
Lại một câu chuyện khác. Rất nhiều ki-ốt trên trục làng nghề đóng cửa. Trong số này không phải nghệ nhân làng nghề chiếm hơn một nửa. Cách quản lý, kiểm soát khi hình thành không gian làng nghề này đã có vấn đề. Là nhìn nhận từ một số người làm nghề đang bám trụ ở đây. Đó là điều kiện để anh được nhận ki-ốt ở không gian này quá dễ dãi. Nên mới có nhiều người lách, thuê từ chính quyền và cho thuê lại để làm kinh doanh, chứ không phải để làm xưởng hay trình nghề. Những năm Kim Bồng nườm nượp khách, họ ăn nên làm ra. Buôn có bạn bán có phường.
Ông Sướng nói, những người kinh doanh này họ làm cho làng nghề sôi động hơn đó. Nhưng từ khi bắt đầu dịch bệnh cho đến lúc du lịch mở cửa trở lại, hơn 2 năm, họ đóng cửa. Không thuế, không chi phí mặt bằng. Vì không có giấy tờ nên người thật sự có nhu cầu, như mấy học trò của ông, muốn thuê lại ki-ôt để làm nghề cũng không được.
3. Tôi đi một vòng quanh không gian làng nghề. Đếm thử có đến 6 ki-ốt đóng cửa. Có những mặt bằng rất đẹp, nằm ngay góc ngã ba với giàn hoa giấy đỏ rực. Có những ki-ốt nhìn thẳng ra mặt sông. Là “đất vàng” nếu được đầu tư đúng cách. Nhưng một khi bỏ hoang, thì mục ruỗng, tiêu điều.
Ông Sướng nói, họ đóng cửa, nên không gian làng trở nên nhếch nhác. Ngay cả bản thân ông muốn mở rộng xưởng, cải tạo lại không gian cũng không thể vì vướng phía bên cạnh đóng cửa.
Ông Huỳnh Ngọc Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim nói, chính quyền địa phương đã vận động các hộ đóng cửa ở làng nghề Kim Bồng hoạt động trở lại. Nhưng để vận hành lại, phải mất một thời gian để thích nghi.
Người làng kháo nhau chờ một quy hoạch làng nghề mới, bởi cầu đã nối liền với phố, thì du lịch cũng buộc phải toan tính lại tour tuyến đường đi mới. Cuộc chuyện với ông Hùng của chúng tôi chạm phải một quãng trầm. Bởi bây giờ không dễ gì làm lại quy hoạch làng nghề vì sẽ chồng lấn quy hoạch của toàn xã.
Mới ngày 9/2 rồi, xã Cẩm Kim tổ chức tham vấn 70 hộ dân của xã, trong đó có rất nhiều người của làng nghề Kim Bồng. Một điều chỉnh tổng thể quy hoạch phân khu Làng nghề - sinh thái - văn hóa - du lịch Cẩm Kim được đưa ra. Bản quy hoạch ban đầu đã có từ năm 2016 với diện tích của không gian này là 535ha.
Phạm vi bao gồm toàn bộ địa giới hành chính xã Cẩm Kim, khu vực Nam Ngạn phường Cẩm Nam, một phần phường Thanh Hà và thôn Triêm Tây, xã Điện Phương (Điện Bàn). Tuy nhiên, qua nhiều lần thay đổi, cho đến nay, trong cuộc phát triển mới, đồ án quy hoạch cũ phải thay đổi điều chỉnh cho phù hợp. Liên tục điều chỉnh và thay đổi quy hoạch là chuyện của chính quyền. Còn người dân, muốn đầu tư bài bản cũng phải toan tính và lo sợ, vì nếu phạm vào quy hoạch, coi như bỏ.
4. Kim Bồng đã rộn ràng từ những đoàn du khách đến làng. Không bằng đường sông, họ đi qua những trục đường có tên Kim Bồng Đông, Kim Bồng Tây. Thẳng một hơi vào xưởng của nghệ nhân Huỳnh Ry, Huỳnh Sướng. Ở đó có những vật phẩm lưu niệm đã bám bụi thời gian. Những sản phẩm này không phải là bản sắc của Kim Bồng.
Người làm nghề buộc phải bày biện nó để bằng cách này mà sống trước đã. Nhưng du khách tinh quái, họ bảo cái này đầy trên phố cổ. Huỳnh Sướng nói, bằng tất cả tâm huyết của người ở làng bám nghề mà sinh tồn, rằng nhất thiết phải có một không gian làng nghề đúng nghĩa.
Là ở đó phải có chỗ để dựng lại nghề mộc đóng ghe thuyền, nghề mộc xây dựng, mộc gia dụng và mộc mỹ nghệ. Một chiếc ghe bầu, một căn nhà cổ mô phỏng, một vật phẩm mỹ nghệ tinh túy... Nó có khó gì nếu đồng tâm.
Hơn 200 thợ làm nghề là người làng Kim Bồng đang mưu sinh khắp nơi. Nên chuyện nghề nghiệp này thất truyền, đến 50 năm sau nữa vẫn chưa là nỗi lo. Nhưng nỗi buồn thì hiện diện. Buồn vì cái danh xưng làng này, như bị cột chặt trong một không gian yếm khí...
Bên chiếc cổng làng, người làm nghề dựng chân dung Tổ sư Đạt Ma được chạm trổ tinh vi. Là trấn trạch trừ tà, loại bỏ những năng lượng xấu trước khi bước vào làng. Hay cũng đôi khi, là giữ cho tâm người làm nghề thuần khiết...