Vòng ống - trang sức cổ xưa

TẤN VỊNH 16/04/2017 10:18

Hầu hết dân tộc thiểu số ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên đều có tập quán trang sức bằng vòng đồng, vòng bạc. Những chiếc vòng được đeo ở cổ tay, cổ chân và trên cổ vừa để làm đẹp vừa thể hiện chủ nhân của nó giàu sang hay nghèo khó.

Một phụ nữ đeo vòng bạc trên cổ, vòng đồng ở chân tay, đeo ngà voi ở lỗ tai thì đích thị là người giàu sang trong buôn làng. Đặc biệt, bộ trang sức bằng vòng đồng được quấn thành một ống dài để đeo trên ống chân, ống tay. Loại vòng này khác lạ so với những chiếc vòng thông thường. Nhìn bên ngoài nó giống như hình chóp cụt.

 Vòng ống tay của cụ bà Cơ tu. ảnh: Trần Nguyễn Khánh Phong
Vòng ống tay của cụ bà Cơ tu. Ảnh: Trần Nguyễn Khánh Phong

Lối trang sức này đã có từ thời xa xưa. Trong cuốn Lịch sử Việt Nam (tập 1, NXB Khoa học xã hội, 1971) viết rằng: “Thời Hùng Vương ai cũng xăm mình, ai cũng búi tó hoặc cắt tóc ngắn. Ai cũng thích đeo hoa tai và nhiều vòng tay. Người ta nhuộm răng ăn trầu”. Tại các di chỉ khảo cổ học văn hóa Đông Sơn, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều chiếc vòng ống tay có gắn những lục lạc và chuông nhỏ - là đồ trang sức quý giá nhất của người xưa. Trong sử thi (ot nrong) của dân tộc Mơ Nông miêu tả rất cụ thể về trang phục, trang sức của các nữ thần, người đẹp. Đây là hình ảnh của Bing và Djăn - hai người đẹp trong sử thi Tâm Ngết:

Cô gái Giẻ Triêng huyện Phước Sơn với chiếc vòng ống bằng nhôm.
Cô gái Giẻ Triêng huyện Phước Sơn với chiếc vòng ống bằng nhôm.

“Mang vòng chân cao đến đầu gối

Mang vòng tay dài đến cùi chỏ

Quấn váy hoa dài tận gót chân

Các ngón tay đều đeo đầy nhẫn

Bing và Djăn đẹp không ai bằng...”

Chiếc vòng (Kông) này nguyên là sợi dây đồng dài, khi đeo thì có người khéo tay giúp quấn vòng tròn theo ống chân và ống tay. Phổ biến nhất là đeo ở ống chân, còn đeo ở tay thì tùy theo ý thích của từng người. Chiếc vòng chân thường dài hơn, phải từ mắt cá lên đến tận đầu gối. Phía trên đầu gối còn đeo thêm hai bên hai chiếc vòng lẻ, khi đi lại, chiếc vòng này sẽ chạm vào chiếc vòng dài tạo nên một tiếng nhạc leng keng nhẹ nhàng, nghe rất vui tai. Chiếc vòng dài ở tay thì có thể lấy ra dễ dàng hơn, còn chiếc vòng dài dưới chân thì luôn ở bên chủ nhân nó mọi nơi mọi lúc. Giá trị của đôi vòng chân, vòng tay bằng đồng này thường chỉ bằng một con heo to có vòng đo 3 đến 4 gang tay.

Chiếc vòng ngoài làm đẹp, làm sang còn liên quan rất nhiều đến văn hóa, lễ hội, phong tục của các tộc người. Trong luật tục, cưới hỏi, chiếc vòng luôn là kỷ vật trao đổi, cam kết, ghi nhớ, như một biểu tượng cho lòng tin, sự thủy chung son sắt. Do vậy, trong nghi thức cưới của dân tộc Mơ Nông, tục trao vòng cũng trở nên bắt buộc: “Một bên đưa dao, một bên trao vòng - một bên đưa lao, một bên trao cườm”.

Trong khi các dân tộc ở Tây Nguyên ưa chuộng các loại trang sức vòng ống chân thì các dân tộc ở miền núi Quảng Nam lại thích sử dụng loại vòng ống tay. Trong những năm gần đây, các cụ bà Cơ Tu ở Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang trên cổ tay còn đeo chiếc vòng ống bằng đồng. Đây cũng là loại trang sức cổ xưa nhất mà ngày nay đồng bào vẫn còn lưu giữ và sử dụng. Người Giẻ Triêng ở Phước Sơn có chiếc vòng ống tay bằng nhôm đúc liền nhau. Khi đeo, người ta lấy ống nhôm xỏ vào cổ tay chứ không quấn thành vòng dài như vòng ống của người Cơ Tu. Các cô gái trẻ cũng có thể đeo chiếc vòng này vì nó không tốn thời gian trong việc quấn vòng vào tay hoặc tháo vòng ra khi không cần sử dụng để trang sức. Các cô gái Giẻ Triêng thì có chiếc vòng ống tay và bộ xà cạp đặc hữu của mình. Ngày xưa người Co cũng có chiếc vòng ống tay khá dài, nó chẳng những là đồ trang sức mà còn là tài sản quý giá của đồng bào. Trong lễ cưới, cô dâu được tặng và làm nghi lễ để đeo loại trang sức đặc biệt này. Ngày nay, các cô gái trẻ vẫn đeo vòng ống trên cổ tay nhưng chiếc vòng thường ngắn hơn rất nhiều so với trang sức của các cụ ngày xưa. Với lối phục sức này, các cô gái vẫn giữ nét “hồi cổ” nhưng vẫn xinh xắn, hợp thời trang, hòa điệu với sắc phục truyền thống, nhất là khi tham gia lễ hội ở làng.

Trang sức bằng vòng ống đồng là nét độc đáo trong lối phục sức của các tộc người vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Cùng với những vốn văn hóa khác, lối trang sức này là một nét riêng của tập quán, kiểu cách làm đẹp của đồng bào. Cuối thế kỷ 20, thậm chí đầu thế kỷ 21, tập quán trang sức vòng ống bằng đồng vẫn còn xuất hiện ở một số tộc người như Mơ Nông, Mạ, Stiêng, Cơ Tu... nhưng phổ biến là các cụ bà. Ngày nay, vòng ống bằng nhôm, bạc được thay thế cho vòng đồng. Phụ nữ còn trẻ, thậm chí thiếu nữ vẫn thích mang loại vòng ống để làm đẹp, nhất là khi xuất hiện ở các ngày hội của làng hoặc tham gia thi trình diễn trang phục truyền thống của dân tộc mình. Các bảo tàng đều có bộ sưu tập hiện vật trang sức vòng ống của đồng bào miền núi, một hiện vật mang đậm dấu ấn cội nguồn.

TẤN VỊNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vòng ống - trang sức cổ xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO